Tuyên truyền sâu rộng Luật báo chí năm 2016
(ICTPress) - Hội Nhà báo VN mở đợt sinh hoạt, tổ chức quán triệt sâu sắc Luật báo chí 2016 đến toàn thể hội viên, người làm báo; phát động đợt góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo VN phù hợp với thực tế hiện nay.
Chiều 23/5/2016, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đồng chủ trì buổi họp báo Triển khai học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi đồng chủ trì buổi họp báo |
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016).
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định: "Luật Báo chí năm 2016 đã tạo nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng, giúp những người làm báo dựa vào để phục vụ xã hội và người dân tốt hơn. Người làm báo cần phải học tập, quán triệt để nắm vững các điều luật của Luật Báo chí để phục vụ tốt hơn công việc của mình, tránh sai sót trong quá trình tác nghiệp.
Khi Luật Báo chí 2016 ra đời, đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và cả xã hội. Luật Báo chí này rất quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, là cơ sở để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Trong Luật Báo chí có nhiều nội dung mới, cần quán triệt để thực hiện".
"Đề nghị các cơ quan báo chí mở đợt tuyên truyền sâu rộng trong xã hội và trong giới báo chí về Luật Báo chí năm 2016. Nên có cách thức để phân tích làm rõ những điểm mới trong Luật Báo chí. Mỗi loại hình, cơ quan báo chí có cách thức tuyên truyền phù hợp, có thể phỏng vấn, viết bài trao đổi, mở diễn đàn, tọa đàm, hội thảo...", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Bàn về việc xây dựng quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hồ Quang Lợi “Sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung của Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN không còn phù hợp. Vì vậy cần có sự điều chỉnh và bổ sung”.
Phó Chủ tịch Hồ Quang Lợi lưu ý: "Đạo đức là yếu tố cốt lõi, sống còn đối với hoạt động báo chí. Báo chí là lĩnh vực hoạt động đặc biệt, có tác động chi phối dư luận và đời sống tinh thần của xã hội. Người làm báo có trọng trách rất lớn. Nếu không coi trọng đạo đức, tác hại mang đến cho xã hội rất lớn.
Tại cuộc họp báo, đại diện một số cơ quan báo chí đề nghị việc quy định đạo đức người làm báo không nên dài dòng 9 điều như hiện hành mà chỉ nên gói gọn trong một câu là “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Nỗ lực cố gắng hết mình để hoàn thành sứ mệnh được giao”.
Phó Chủ tịch Hồ Quang Lợi cũng đề nghị các cơ quan báo chí tích cực góp ý kiến để xây dựng Quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam; có những bài viết nêu vấn đề mới trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. mọi ý kiến đóng góp sẽ được lĩnh hội, tập hợp và lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm giúp hoạt động báo chí ngày càng thuận lợi, chuyên nghiệp hơn.
Theo kế hoạch, thời gian tổ chức quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam diễn ra trong vòng 5 tháng (đến hết tháng 9/2016).
Tháng 10/2016 sẽ bắt đầu áp dụng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Minh Anh