4G, IoT sẽ thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam

(ICTPress) - Xây dựng các chính sách, cơ chế chính sách, tìm kiếm các giải pháp thị trường, dịch vụ trên nền IPv6.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã đề nghị tập trung vào công tác trên cho giai đoạn 3 - Giai đoạn chuyển đổi IPv4 sang IPv6 (2016- 2019) tại Hội nghị tổng kết Giai đoạn II và triển khai  công tác thúc đẩy chuyển đổi IPv6 trong giai đoạn tới (2016 – 2019).

Theo Thứ trưởng Phan Tâm các nhiệm vụ của Giai đoạn khởi động (2013-2015) của Kế hoạch hành động quốc gia thúc đẩy IPv6 đã hoàn thành cơ bản. Việt Nam đã hiện diện trên bản đồ IPv6 thế giới về mặt xếp hạng hạ tầng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm cũng đã chỉ ra một số tồn tại, đó là các biện pháp thúc đẩy phát triển IPv6 cho tới nay mang nhiều tính khuyến khích, tự nguyện tự giác của doanh nghiệp là chính. Một số quy định đã có nhưng chưa có đơn vị nào giám sát, đôn đốc. Chính sách hỗ trợ “chưa nhiều, chưa trúng” để phát huy hết tác dụng trong việc hưởng ưu đãi liên quan đến sản xuất thiết bị, phần mềm, nội dung hỗ trợ công nghệ IPv6. Một tồn tại nữa là “chưa hợp tác chặt chẽ giữa “doanh nghiệp Internet và nội dung để làm hệ sinh thái bền vững, cộng sinh thúc đẩy IPv6 để tạo ra đột phá”.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp hạ tầng cũng thẳng thắn phân tích rõ những tồn tại, nguyên nhân khi triển khai thúc đẩy IPv6. Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần NetNam cho hay “vấn đề là sự phối hợp giữa doanh nghiệp Internet và nội dung”. Netnam một năm qua vẫn vẫn đang "ngồi chờ" cơ hội bởi chưa thấy lợi ích gì đáng kể khi triển khai IPv6 trong gần một năm qua.

Trong khi đó, đại diện của FPT Telecom cho biết "việc cung cấp dịch vụ khách hàng IPv6 không khó khăn chút nào", chỉ gặp vấn đề nội dung bởi khi khách hàng truy vấn vào nội dung chạy trên nền IPv6 thì không có. Trong khi, kết nối sang các trang Google, Facebook thì được đáp ứng. Cuối năm 2015, FPT đã kết nối thành công vào Google, Facebook, các trang cung cấp qua IPv6, lưu lượng truy cập đạt trung bình 30 – 40 GB, cho 90.000 khách hàng. Truy cập nội dung web trên nền IPv6 ở VN đạt thấp.

Thực tế này có thể thay đổi vào cuối năm nay, sau khi Việt Nam cấp phép 4G LTE chính thức. Theo ông Vũ Thế Bình, doanh nghiệp này vẫn đang chờ 4G LTE vì kiểu gì thì 4G cũng phải cần IPv6. Một khi 4G triển khai chính thức thì tự khắc mức độ ứng dụng IPv6 sẽ “vọt lên ngay".

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, việc cần tập trung thúc đẩy IPv6 trong giai đoạn tới là kiếm những giải pháp mang tính thị trường, nhằm tạo ra một thị trường, một cơ hội kinh doanh đúng nghĩa cho doanh nghiệp và vai trò của Bộ là kiến tạo ra thị trường dịch vụ, ứng dụng IPv6 thông qua các cơ chế, chính sách.

Thứ trưởng Phan Tâm đã đề nghị đơn vị thường trực của Ban Công tác là Trung tâm Internet Việt Nam rà soát lại chương trình công tác của các đơn vị thuộc Bộ, tổng hợp những văn bản đang xây dựng có liên quan đến việc khuyến khích tạo lập thị trường ứng dụng cho IPv6 theo hướng tích hợp nội dung IPv6 vào các văn bản được xây dựng mới.

Tìm kiếm thị trường cho IPv6

Bên cạnh xây dựng chính sách thúc đẩy thị trường IPv6, Thứ trưởng Phan Tâm cũng đã đề nghị tìm kiếm các dự án lớn, đặc biệt dự án Chính phủ điện tử thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, Chương trình hỗ trợ mục tiêu, ứng dụng phần mềm... “Đây sẽ là những thị trường có thể tận dụng để phát triển, thúc đẩy IPv6”.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cũng đã nêu cơ hội thúc đẩy IPv6 từ "Thành phố thông minh, Internet of Things (IoT) chắc chắn sẽ phải sử dụng IPv6. Một khi những dự án này phổ cập thì sẽ tạo ra nhiều nhu cầu để doanh nghiệp tham gia thị trường, chúng ta chẳng cần phải “ép buộc".

Tổng kết giai đoạn 2 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2013-2015), việc chuyển đổi sang IPv6 tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tất cả các doanh nghiệp Internet sẵn sàng hỗ trợ song song IPv4/IPv6. 9 ISP đã kết nối tới Mạng IPv6 Quốc gia. VNPT có 7 hướng kết nối đi quốc tế, chạy song song IPv4-IPv6, tổng dung lượng 220 Gbps. FPT Telecom đã thiết lập kết nối IPv6 đi quốc tế và trong nước, dung lượng kết nối quốc tế đạt 1,5 Gbps. Viettel đã có 10 hướng kết nối IPv6 đi quốc tế, tổng dung lượng 432 Gbps trong khi. Netnam đạt lưu lượng băng thông IPv6 trung bình trong giờ hành chính là 6Mb, thời điểm cao nhất đến 10Mb. Văn phòng Trung ương Đảng đã triển khai thử nghiệm thành công kết nối IPv6 và một số dịch vụ IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng…

Theo thống kê của VNNIC, một số dịch vụ trên nền công nghệ IPv6 bắt đầu được cung cấp cho khách hàng. Theo như kết quả có được từ hệ thống thống kê của các tổ chức quốc tế như APPNIC, Cisco, tỉ lệ sử dụng IPv6 của khách hàng của Việt Nam đạt khoảng 0,03% so với thời gian trước là 0%. Con số tăng này đánh dấu thành quả của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ IPv6 đến phân mạng khách hàng thay vì chỉ dừng trong hệ thống mạng lõi như các năm trước. Tuy nhiên, đại diện Ban Công tác cũng thừa nhận lưu lượng và sự hiện diện thực tế của IPv6, người dùng IPv6 tại VN còn rất thấp so với 10,41% của thế giới.

Theo kế hoạch công tác của Giai đoạn III của Kế hoạch hành động thúc đẩy IPv6, mức độ triển khai IPv6 sẽ được đẩy mạnh một cách sâu rộng, hiệu quả đối với mạng lưới, ứng dụng, dịch vụ, phần mềm, thiết bị trên mạng Internet Việt Nam. Đẩy mạnh công tác triển khai đồng bộ IPv6 hướng tới Internet of Things.

HM

Tin nổi bật