Công nghiệp Nội dung số Việt Nam bước sang năm mới như thế nào?
(ICTPress) - 2,9 triệu tấn giấy sẽ được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm 2012… sẽ có rất nhiều việc cần phải làm.
Công nghiệp nội dung số Việt Nam mở đầu năm 2012 với cuộc gặp gỡ của các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, đào tạo và quản lý tại Hội thảo khoa học “Công nghệ xử lý ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới” được Viện Công nghệ Thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/1/2012 tại Hà Nội.
Cái rét buốt của gió mùa đông bắc kèm theo mưa phùn của những ngày đầu năm 2012 và lại là dịp cuối năm Tân Mão khiến ô tô chật như nêm cối trên đường phố Hà Nội và đông kín cả sân trước cửa hội trường “Ngụy Như Kon Tum” ở 19 Lê Thánh Tông, nơi diễn ra hội thảo. Hội thảo được bắt đầu tuy hơi muộn trong thời tiết giá lạnh nhưng không khí trong hội trường trở nên ấm áp hơn bởi giọng dẫn chương trình ngọt ngào sinh động của Thảo Vân - MC quen thuộc với khán giả truyền hình và phần khai mạc ngắn gọn.
Rất thú vị khi lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu rằng MC Thảo Vân vẫn thuộc biên chế của Đại học Quốc gia Hà Nội và đồng thời là cộng tác viên của VTV từ nhiều năm nay, ắt hẳn nơi đây có cơ chế giúp cho người có khả năng làm việc không bị phung phí thời gian. Quả đúng như nhiều người đã nói về Đại học Quốc gia: đó là chiếc nôi của những tài năng trẻ thủa ban mai, đồng thời cũng là cánh võng khi trở về chiều cho nhiều nhân tài sau những lận đận bôn ba, nơi này nơi khác…
Cùng với những phân tích, đánh giá tổng quan về thực trạng CNTT Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, các câu hỏi được thẳng thắn đưa ra ngay trong báo cáo đề dẫn: Ngành kinh tế tri thức nào cho Việt Nam; Hướng nào cho Công nghiệp CNTT Việt Nam; Ai dùng phần mềm đóng gói Việt Nam; Cơ hội nào cho các sản phẩm Made in Vietnam trên thị trường thế giới; R&D nên tập trung vào những vấn đề gì; Chuyển giao kết quả R&D thế nào; Các nhà khoa học và doanh nghiệp của chúng ta có hợp tác thực sự được không? Đối với thế giới, nội dung số đang phát triển rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực: viễn thông, tài chính ngân hàng, xuất bản, giáo dục, y tế, văn hóa, điện ảnh, giải trí… CNTT Việt Nam cần làm gì để không bị tụt hậu trong xu thế phát triển đó?
Theo số liệu của Bộ Công thương: 2,9 triệu tấn giấy sẽ được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm 2012. Điều đó có nghĩa là các văn bản giấy đã và đang tiếp tục là phương tiện quan trọng trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội; các giải pháp số hóa tài liệu đang đứng trước vô số rào cản hữu hình và vô hình. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu sẽ có rất nhiều việc cần làm và phải làm.
Bên cạnh đó, thị trường dịch thuật cũng khá hấp dẫn với xu thế tăng trưởng 12-13% trên toàn cầu, nhu cầu dịch không đòi hỏi chất lượng cao ngày càng tăng cùng với các ứng dụng phần mềm sử dụng công nghệ dịch thuật ngày càng phong phú đang hình thành nên công nghiệp dịch thuật. Điện toán đám mây với việc phân tích ma trận “đám mây” và định hướng nội dung số trong “đám mây” cũng là một chủ đề được trình bày tại hội thảo…
Trong số các báo cáo, bản tham luận của Viettel khá nổi bật với việc chỉ rõ những thách thức lớn đối với ngành viễn thông khi mật độ điện thoại ở Việt Nam đã đạt tới 147 máy/100 dân, tổng số thuê bao điện thoại là 128 triệu máy trong đó hơn 112 triệu thuê bao di động (số liệu năm 2010) và cạnh tranh khốc liệt giữa 14 doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ viễn thông trong đó 11 doanh nghiệp được thiết lập hạ tầng mạng.
Đối với Viettel, sau thời gian phát triển nóng, giai đoạn 2003 – 2008 luôn có doanh thu năm sau tăng gấp đôi năm trước, đến năm 2009 chỉ tăng 80%, năm 2010 tăng 50% và năm 2011 chỉ đặt mục tiêu tăng doanh thu khoảng gần 30%. Xác định rằng thị trường Việt nam là chiếc áo dần trở nên hẹp, Viettel đã và đang phát triển mở rộng việc đầu tư kinh doanh viễn thông tại Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique và Peru…
Mặc dù rất thành công trong việc mở mang các mạng viễn thông ở nước ngoài, lãnh đạo Viettel cũng nhận định rằng: “Trong môi trường thay đổi chúng ta cũng phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải. Khi nguồn sống chủ yếu của viễn thông bắt đầu bị giới hạn thì Viettel phải bắt đầu đi tìm nguồn sống mới trước khi quá muộn”.
Thị trường đã qua thời kỳ phát triển ồ ạt về bề rộng, hiện tại nếu muốn tiếp tục tăng trưởng thì cần phát triển bề sâu với việc tạo nên các sản phẩm khác biệt và hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ. Để thực hiện điều đó thì R&D là bắt buộc và mang tính sống còn, đặc biệt là đối với Viettel trong việc tiếp tục phát triển trên thị trường trong và ngoài nước.
Do vậy, năm 2011, Viettel đã dành 10% lợi nhuận trước thuế, tức khoảng 1500 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu phát triển, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với các cơ sở nghiên cứu. Trong số đó, một hợp đồng có nội dung rất thú vị đã được ký kết với Viện CNTT là thực hiện dự án phát triển bộ font và bộ gõ tiếng Khmer trên điện thoại di động. Dự án này không chỉ có hiệu quả kinh tế cao mà còn có ý nghĩa chính trị đặc biệt.
Diễn ra ngay trong những ngày đầu của năm 2012, hội thảo là cuộc gặp gỡ thú vị của các ý tưởng và sự hợp tác. Các tham luận và câu hỏi đã gợi mở ra những hướng đi cho công nghiệp nội dung số Việt Nam. Hy vọng năm 2012 công nghiệp nội dung số Việt Nam sẽ có những bước đột phá vươn ra thị trường quốc tế.
Quý Minh