Kiến nghị thiết lập cơ quan trọng tài phán quyết về các hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí

Thời gian gần đây, thông tin cho thấy trên khắp cả nước thỉnh thoảng lại có phóng viên bị đánh khi tác nghiệp. Điều này khiến nhiều người đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên nhà báo, cao hơn là đảm bảo quyền tự do báo chí?

Việc thực thi các điều trong Luật Báo chí đang có những khoảng trống khiến cho việc tác nghiệp của nhà báo gặp rất nhiều trở ngại. (Phóng viên bị cản trở tác nghiệp trong một vụ cháy ở Hà Nội Ảnh: T.N)

Trên 80% nhà báo gặp cản trở khi tác nghiệp

Từ năm 1989, Luật Báo chí đã nêu rất rõ ở Điều 2: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”. Cụ thể, điều luật này ghi rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân…”

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Quyền tiếp cận thông tin & Quyền Tự do Báo chí của Công dân” diễn ra mới, Nhà báo Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hoà Bình đã nêu lên thực trạng: Qua tham vấn ý kiến của hội viên Hội Nhà báo Hoà Bình, việc phóng viên bị giam giữ trái phép khi đang hoạt động nghiệp vụ nhưng đối tượng giam giữ (lãnh đạo xã và cấp phòng ở huyện) không bị xử lý nghiêm khiến cho tình trạng cản trở, hành hung, phá hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo đang ở mức cao.

Theo kết quả nghiên cứu của RED (Trung tâm truyền thông và phát triển) năm 2011, có trên 80% số nhà báo thường xuyên bị cản trở tác nghiệp, mức cản trở phổ biến nhất là bị né tránh cung cấp thông tin, cao hơn là bị đe dọa, hành hung, hủy hoại phương tiện tác nghiệp. Tại các cuộc khảo sát vào năm 2015 tình hình trên có được cải thiện nhưng không đáng kể do thiếu cơ chế phán quyết và xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hoà Bình cho rằng: Hiện chưa có tội danh cản trở nhà báo tác nghiệp hoặc cản trở quyền tự do ngôn luận để xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình tấn công huỷ hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo.

Đa số các vụ việc tương tự đều được cơ quan tố tụng xem xét theo các tội danh “Cố ý gây thương tích” hoặc “Huỷ hoại tài sản”, tức là xem việc nhà báo tác nghiệp bị cản trở như xem xét các tranh chấp thông thường giữa các công dân, nên mới phát sinh các giai đoạn giám định thương tật và giám định giá trị tài sản bị huỷ hoại dẫn đến kéo dài tiến trình xử lý. Do đó, tuyệt đại đa số các vụ việc cản trở tấn công nhà báo thời gian qua đều tự hoà giải hoặc “chìm xuống” khiến cho các vụ mới tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra, hiếm khi có trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo sử dụng quyền khởi kiện khi bị xâm phạm do các thủ thục tố tụng quá rườm rà, phức tạp nhất là khâu thi hành án khiến cho giải pháp xử lý tranh chấp bằng toà án ít được đề cao.

Thiết lập cơ quan trọng tài

Thực tế trên đã cho thấy, việc thực thi Luật Báo chí đang có những khoảng trống không hề nhỏ khiến cho việc tác nghiệp của nhà báo; việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân vẫn gặp rất nhiều trở ngại.

Theo ông Bạch Hùng Dương – Giám đốc Trung tâm truyền thông MEC: Ở dự thảo trình Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2015 (dự thảo 18) và luật Báo chí 1989, luật sửa đổi bổ sung Luật Báo chí 1999 đều được thiết kế thiên về quản lý báo chí chứ không phải quy định trình tự, thủ tục và cơ chế bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

Dự thảo luật quá chi tiết về thủ tục, điều kiện cấp phép hoạt động của báo chí, văn phòng đại diện, tiêu chuẩn người đứng đầu, phóng viên thường trú, thẻ nhà báo, các thủ tục quản lý khác… Nhưng lại thiếu các trình tự luật, thủ tục và cơ chế để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

Do đó, ông Dương đề xuất: Cần thiết lập cơ quan trọng tài phán quyết về các hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí; Xây dựng chế tài đối với tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân. Đồng thời xây dựng điều khoản riêng trong Dự thảo luật về “Cơ chế khiếu nại khi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận bị xâm phạm”.

“Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phán quyết khi có tranh chấp về việc thực hiện quyền tự do báo chí. Cơ chế này cần phải độc lập với nhà nước; độc lập với cơ quan báo chí và nhà báo để đảm bảo tính khách quan, vô tư. Bên cạnh đó để các phán quyết có hiệu lực, hiệu quả, cần xây dựng các chế tài về kinh tế, dân sự, thậm chí hình sự để xử lý các chủ thể xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân”, ông Dương nhận định.

Nguồn: Giang Phan/congluan.vn

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật