CNTT: Nhóm nghề khó tuyển dụng thuộc top 5
(ICTPress) - Chương trình khảo sát lương được thực hiện với sự tham gia của 200 doanh nghiệp, 59.927 người lao động.
Kết quả của khảo sát lương 2015 - 2016 của Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý doanh nghiệp (Macconsult) vừa cho biết các thông tin khảo sát thuộc 14 nhóm nghề.
Nội dung khảo sát gồm: Mức lương hàng tháng (lương cứng, mềm/khoán), các phụ cấp hưởng hàng tháng, thưởng năm, phúc lợi hàng năm; Mức độ khó tuyển dụng; Tỷ lệ biến động nhân sự; Dự kiến tăng lương hàng năm.
Theo khảo sát, CNTT luôn đứng trong top 5 nhóm ngành nghề có mức lương, thưởng trung vị cao nhất cả về cấp bậc quản lý/giám sát, Chuyên viên/kỹ sư, Nhân viên/kỹ thuật viên.
Cụ thể về nhóm nghề có mức lương cao nhất, CNTT là nhóm nghề đứng vị trí thứ 3 đối với cấp bậc quản lý/Giám sát (sau nhóm ngành dược phẩm - y tế, chăm sóc sức khỏe, Kiến trúc xây dựng), đối với Chuyên viên/Kỹ sư (sau Tư vấn - hỗ trợ kinh doanh, Kiến trúc - Xây dựng); vị trí thứ hai đối với cấp bậc nhân viên/kỹ thuật viên. Mức thưởng đứng vị trí thứ 3 đối với cấp bậc quản lý/giám sát, thứ 5 đối với chuyên viên/kỹ sư. Cấp bậc nhân viên/kỹ thuật viên, mức thưởng không ở top 5.
Về mức độ khó tuyển dụng theo nhóm nghề với thang điểm từ 1 - 5, nhóm nghề CNTT đứng ở vị trí thứ 3 (sau nhóm nghề Quản lý - Điều hành, Kiến trúc - Xây dựng). Mức độ khó tuyển dụng theo ngành, điện tử, thiết bị điện đứng vị trí số 1 (3,79 điểm), CNTT, Viễn thông đứng vị trí thứ 5 (3,19 điểm), Truyền thông – quảng cáo đứng ở vị trí thứ 13 (2,80 điểm)…
Mức độ khó tuyển dụng theo nhóm nghề |
Mức độ khó tuyển dụng theo ngành |
Về tỷ lệ nghỉ việc theo nhóm nghề, CNTT đứng ở vị trí thứ 5. Về tỷ lệ tăng lương theo ngành, CNTT - Viễn thông đứng ở vị trí thứ 3 (sau Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán, Cơ khí - Ô tô - Xe máy), Điện tử - Thiết bị điện xếp thứ 10, Truyền thông - quảng cáo xếp thứ 11 trong 14 nhóm nghề.
Chương trình khảo sát lương được thực hiện với sự tham gia của 200 doanh nghiệp, 59.927 người lao động. Doanh nghiệp và người lao động tham gia khảo sát ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là 74%, TP. HCM và các tỉnh miền Nam là 20%, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung 6%. Tỷ trọng số doanh nghiệp tham gia khảo sát phân theo loại hình doanh nghiệp, trong đó có 85% doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước, 10% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và 5% doanh nghiệp có vốn góp nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Công ty Macconsult cho biết Chương trình này có nhiều điểm khác biệt. Chương trình thực hiện khảo sát trực tuyến và cung cấp dữ liệu liên tục, kịp thời và có tính thời sự cấp nhật về mức lương thị trường. Việc khảo sát dự trên kết cấu chức danh tiêu chuẩn (gần 800 chức danh phổ biến trong 14 nhóm nghề, được mô tả về trách nhiệm và yêu cầu công việc theo từng nhóm nghề và cấp độ trình độ, kinh nghiệm phức tạp công việc tương ứng. Theo đó, chức danh tham gia phiếu hỏi phải đảm bảo đáp ứng sự phù hợp và tương đồng từ 80% trở lên.
Trong khi đó, ông Lê Anh Cường, Chủ tịch Macconsult cho hay trên thế giới, các thông tin khảo sát lương và tuyển dụng không còn là điều mới mẻ, việc khảo sát và cập nhật các dữ liệu về tiền lương nói riêng và thị trường lao động nói chung là một thông lệ quản trị tốt, đã được thực hiện bài bản từ lâu. Trong khi đó, với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thì còn quá tốn kém và khó tiếp cận.
Việc Việt Nam tham gia toàn diện vào các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được đánh giá là sẽ khiến việc tuyển dụng, lưu giữ những lao động có chất lượng và tay nghề trở nên khó khăn và cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là một thách thức rất lớn, khi mà quy mô hầu hết các doanh nghiệp còn nhỏ, hệ thống quản lý chưa bài bản, thiết hầu hết các thông tin đầu vào phục vụ cho quản lý kinh doanh.
Ông Cường cho hay với chương trình khảo sát tiền lương của Mcconsult, mọi người đều có quyền tiếp cận và sử dụng miễn phí dữ liệu tiền lương tại jobcloud.vn. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ nhận đầy đủ các dữ liệu phân tích và báo cáo hàng năm và hàng quý để có những điều chỉnh và quyết định về mức và ngân sách tiền lương của mình nhằm đảm bảo tính cạnh tranh.
Nguyễn Quyên