VN cần theo đuổi chính sách biến đổi khí hậu tham vọng hơn
(ICTPress) - Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và các Đại sứ quán thành viên EU: Bỉ, Đan - Mạch, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Liên hiệp Vương quốc Anh vừa đồng tổ chức Hội thảo "Hành động về Biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu tại Việt Nam" tại Hà Nội.
Hội thảo ngày 20/11 đã thảo luận nhằm chia sẻ với các tổ chức liên quan trong nước từ cả khu vực công và tư, về các thách thức khác nhau, cũng như các cơ hội mà biến đổi khí hậu mang lại cho Việt Nam để hướng tới việc thông qua một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới tại COP21 (Hội nghị về Biến đổi khí hậu lần thứ 21) tại Paris từ ngày 30/11 đến ngày 9/12/2015.
Ngoài ra, tại Hội thảo, EU và các nước thành viên cũng đã chia sẻ ý nghĩa của các chương trình của mình ở lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, xây dựng năng lực và phát triển CO2 thấp, và nhiều lĩnh vực khác, trong việc đóng góp tích cực để ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU và các Đại sứ các nước thành viên EU tại Hội thảo |
Tại Hội thảo này, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Bruno Angelet đã nói: "Hội nghị Paris sẽ là một cơ hội lịch sử để thúc đẩy sự chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu có CO2 thấp và kiên cường trong biến đổi khí hậu. Người dân trên toàn thế giới mong muốn các nhà lãnh đạo của mình cho thấy rằng họ sẵn sàng có hành động mang tính quyết định để ứng phó với biến đổi khí hậu. EU và các nước thành viên cam kết làm phần việc của mình và hợp tác với các đối tác trong đó có Việt Nam để đảm bảo rằng Hội nghị Paris sẽ thành công".
EU và các nước thành viên đã trở thành nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Đặc biệt, trong chương trình mới (2014 - 2020), gói tài trợ song phương của EU tăng hơn 30% (Chương trình "Định hướng Đa niên 2014 - 2020) sẽ đóng góp 400 triệu euro để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thông qua phát triển một ngành năng lượng bền vững và tăng cường quản trị và pháp quyền.
Về phía Việt Nam, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng nhấn mạnh rằng: Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm từ các đối tác EU trong quá trình Việt Nam xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm thiểu rác thải hiệu ứng nhà kính một cách tối đa. Trong hội nghị COP21 sắp tới tại Paris, Việt Nam cũng sẽ cam kết rằng sẽ giảm thiểu về khí thải gây hiệu ứng nhà kính là 8% nhưng nếu có sự hỗ trợ của các nước Liên minh châu Âu thì mục tiêu sẽ là giảm 25%.
Ông Rémi Lambert, Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Ông Rémi Lambert, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết hiện tại đã có 161 quốc gia đệ trình bản báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định INDC của mình, khẳng định những cam kết quan trọng để đóng góp xây dựng một thỏa thuận khí hậu toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính từ sau năm 2020. EU rất trông đợi và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam lồng ghép các hành động giảm nhẹ, ứng phó cụ thể vào những kế hoạch hành động của mình, khuyến khích Việt Nam cam kết về một mục tiêu cao hơn mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện 8% tại COP 21.
Ông cũng nói tiếp, trong thời gian vừa qua tại Paris vừa xảy ra khủng bố tuy nhiên Pháp sẽ huy động lực lượng cảnh sát, an ninh để không chỉ đảm bảo sự kiện COP21 được diễn ra một cách thuận lợi, thành công mà còn giữ an ninh và đề cao sự an toàn cho mọi người và người dân nước Pháp.
Nguyễn Dung