Bưu điện văn hóa xã thoái trào
Hàng loạt điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế đóng cửa vì doanh thu mỗi tháng chỉ 13.000 - 20.000 đồng. Số còn lại hoạt động cầm chừng và phải bù lỗ do người dân không mặn mà...
Điểm Bưu điện văn hóa xã Thuận Đức, Đồng Hới, Quảng Bình đóng cửa do người dân trong vùng không sử dụng. Ảnh: Minh Phong. |
Đóng cửa nhiều điểm BĐVHX
Đã nhiều tháng nay, BĐVHX Thuận Đức ven đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn (Đồng Hới, Quảng Bình) đóng cửa. Điểm bưu điện trên khi được đưa vào hệ thống BĐVHX hứa hẹn phục vụ khoảng 20.000 dân trong vùng. Nhưng kể từ ngày hoạt động cách đây 6 năm, tháng nào cũng bù lỗ. Người dân không mặn mà với điểm bưu điện này.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 91 địa điểm BĐVHX tại 7 huyện, thành phố. Lúc khánh thành, bưu điện tỉnh hy vọng đây là hệ thống kích cầu dân trí bằng báo chí, giao lưu internet... nhưng hiện cả 91 điểm bưu điện này rất khó khăn để hoạt động và đã có 3 địa điểm tại các xã Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh), Thuận Đức và Nghĩa Ninh (TP Đồng Hới) đã đóng cửa.
Trong khi đó tại Hà Tĩnh có 231 điểm BĐVHX và hiện có 3 điểm bưu điện Xuân Giang, Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân), Gia Phố (huyện Hương Khê) đã đóng cửa. Hơn 70% điểm thuộc các xã miền núi, vùng sâu vùng xa và đặc biệt khó khăn nhưng không phát huy được công năng.
Từ năm 1998, ngành bưu điện Thừa Thiên - Huế xây dựng 111 điểm BĐVHX, mỗi điểm được đầu tư 100 - 250 triệu đồng. Nhưng thực tế đi vào hoạt động đã thể hiện rõ những bất cập, không phát huy được hiệu quả, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là cán bộ phụ trách thiếu chuyên môn nghiệp vụ khiến người dân không mặn mà lui tới. Hiện 5 điểm phải đóng cửa, số còn lại lúc đóng lúc mở không rõ ràng.
Doanh thu... 13.000 đồng/tháng
10 năm trước đây, hoạt động các điểm BĐVHX, phường, thị trấn là một đòn bẩy góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nhưng mấy năm trở lại đây các điểm BĐVHX ở các tỉnh trên hoạt động chỉ còn mang tính chất phục vụ công ích là chủ yếu hoặc trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội". hàng ngày nhân viên chỉ mở cửa vào buổi sáng, còn buổi chiều dành làm công việc khác, vì thực tế dù có mở cửa đúng thời gian quy định cũng có rất ít khách đến giao dịch, mua sim, card điện thoại, còn các bốt điện thoại, internet thì bỏ trống... số lượng người dân đến đọc sách báo, tìm hiểu về chủ trương chính sách từ chỗ bình quân 15 lượt người/ngày/điểm, nay dường như không có người đến.
Bà Đào Thị Thanh Hà, cán bộ Bưu điện Hà Tĩnh cho biết, hiện Hà Tĩnh có hơn 133 điểm BĐVHX đang hoạt động cầm chừng và gần như ngành phải bù lỗ hoàn toàn (trong đó, điểm bù lỗ cao nhất 636.000 đồng/tháng). Điểm có doanh thu cao nhất 5.200.000 đồng/tháng (xã Nga Lộc, huyện Can Lộc) và thấp nhất 13.000 đồng/tháng (xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn).
Theo ông Đoàn Thế Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Bình, các bưu điện xã vùng nông thôn, trung du mỗi tháng doanh thu chỉ được 20.000 đồng, thậm chí chưa tới 20.000 đồng/tháng. Không thể tuyển được nhân viên để duy trì hoạt động cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến phải đóng cửa nhiều điểm như hiện nay.
Tại xã Lộc Bình, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bưu điện xã này khá hơn một chút là doanh thu mỗi tháng 50.000 đồng, nhưng theo chị Thanh Hương làm việc ở đây cho biết, đang rất chán với công việc. Thi thoảng mới có người đến đọc báo hoặc cùng lắm đến mua cái tem thư bưu chính. Doanh thu điểm BĐVHX Lộc Bình không vượt quá 50.000 đồng/tháng nên tiền trợ cấp cho nhân viên bưu điện chỉ vẻn vẹn 650.000 đồng/tháng (không bảo hiểm y tế, xã hội).
Lãng phí?
Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, nhìn nhận: ngoài việc không được thường xuyên bổ sung thêm thiết bị viễn thông, nguyên nhân quan trọng khiến BĐVHX không phát huy được tác dụng là do cán bộ phụ trách quá yếu về năng lực chuyên môn. Cụ thể, BĐVHX Lộc Bình có 2 máy vi tính kết nối internet nhưng khi máy tính nhiễm virus, lỗi phầm mềm... nhân viên bưu điện lại không biết sửa chữa nên khách chán nản. Trong khi đó tại Hà Tĩnh, cũng xác định nguyên nhân tương tự. Hiện điện thoại di động, điện thoại để bàn đã phổ cập khắp các làng quê cũng khiến cho bưu điện văn hóa xã không thể cạnh tranh được. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở Thuận Đức cho biết: "Nhà có con cái ở xa, hồi chưa có điện thoại di động thì ra bưu điện văn hóa xã đánh điện nói về có việc nhà, giờ có điện thoại rồi thì cần gì ra bưu điện nữa!".
Hiện các điểm bưu điện văn hóa xã tại các địa phương trên chỉ còn trông mong vào ngọn gió mới ở chương trình xây dựng nông thôn mới, vì theo tiêu chí quốc gia về bưu điện, một xã đạt nông thôn mới phải có các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như: đại lý bưu điện, kiốt, bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, thùng thư công cộng và các điểm truy cập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác, phải có internet về đến thôn, điểm cung cấp dịch vụ internet... Tuy nhiên, một chương trình như thế dẫn đến e ngại của dư luận bởi ở nhiều nông thôn, người dân đã kết nối internet, vì vậy việc xây dựng thêm các dịch vụ như thế có lãng phí?
Minh Phong - Văn Thắng - Dương Quang
Theo SGGP