7 điều nên làm đầu tiên sau khi mua điện thoại Android

Nếu vừa mua điện thoại Android mới, bạn có nhiều việc để làm thay vì ngắm nghía thiết bị, chẳng hạn kiểm tra bộ phụ kiện, sạc pin, đồng bộ dữ liệu…

Khi mới sắm cho mình một chiếc điện thoại mới, hẳn ai cũng cảm thấy háo hức. Tuy nhiên, khi sự háo hức qua đi cũng là lúc bạn nên bắt đầu làm quen với thiết bị sẽ gắn bó với mình hàng ngày. Dưới đây là 7 việc bạn có thể làm sau khi “đập hộp” để hiểu nó hơn ngay từ ngày đầu.

Kiểm tra phụ kiện và thông tin bảo hành

Với smartphone, sức mạnh của bạn sẽ tăng lên gấp bội. Bạn hoàn toàn có thể ngồi nhà và thực hiện mọi thứ từ xa, như đặt hàng trực tuyến, gọi pizza, làm việc… Bạn nên gác lại sự phấn khích khi có trong tay thiết bị mới để kiểm tra các phụ kiện trong hộp, xem thông tin bảo hành. Một số điện thoại Android còn trang bị cả công cụ lắp ráp nên hãy chắc chắn không bỏ sót và lỡ tay vứt sọt rác chúng bởi bạn có nhiều cơ hội để sử dụng nó, chẳng hạn khi thay pin hay lắp thẻ SIM mới. Ngoài ra, còn có sạc micro USB và tai nghe.

Chuẩn bị tải dữ liệu

Sau khi kiểm tra, bạn nên sạc đầy pin cho thiết bị bởi chắc chắn bạn sẽ dành nhiều tiếng đồng hồ sau đó để “vọc vạch” máy. Khi đó, bạn không hề muốn cuộc vui dang dở chỉ vì hết pin. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết nối điện thoại với mạng Wi-Fi khả dụng vì không phải ai cũng đang dùng gói cước dữ liệu không giới hạn và bạn phải tải về cả tấn dữ liệu trong ngày đầu tiên.

Đăng nhập Google

Khi bật thiết bị lần đầu, bạn được trải qua quá trình cài đặt gồm nhiều bước, một trong những điều đầu tiên là đăng nhập tài khoản Google. Bạn có thể bỏ qua bước này nếu muốn nhưng tốt nhất là nên làm. Đăng nhập Google sẽ kết nối thiết bị với nhiều dịch vụ khác và cũng là bước đầu để cá nhân hóa thiết bị. Kích hoạt tài khoản đồng nghĩa với cài đặt email, lịch, danh bạ tự động.

Nếu từng sở hữu thiết bị Android trước đó, khi đăng nhập tài khoản Google, điện thoại sẽ tự kết nối với Google Play Store và tải về tất cả ứng dụng bạn đã dùng. Đó hoàn toàn là “phép thuật” mà ai cũng muốn thử.

Vô hiệu hóa ứng dụng rác (bloatware)

Điều này thường xảy ra khi mua thiết bị Android từ nhà mạng nước ngoài. Các nhà mạng sẽ cài sẵn nhiều ứng dụng không cần thiết trên máy, chiếm diện tích và làm chậm tốc độ hoạt động. Để tối ưu hóa năng lực của điện thoại, bạn sẽ muốn vô hiệu hóa chúng.

Khi đang trong bước cài đặt đầu tiên, điện thoại có thể hỏi bạn có đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng hay biện pháp chống mã độc nào không. Hãy bỏ qua bước này. Thực tế, bạn không nên đăng ký gì ngoại trừ Google trong quá trình thiết lập.

Sau đó, truy cập vào menu Apps trong mục Settings để xem ứng dụng nào được cài sẵn. Dù không gỡ cài đặt được, bạn có quyền vô hiệu hóa chúng và chặn cập nhật để giữ phần diện tích bị lãng phí nhỏ nhất có thể. Nếu là người dùng Android lần đầu và không chắc chắn nên bỏ gì giữ gì, tốt nhất bạn nên nhờ đến bạn bè có kinh nghiệm hoặc không làm gì cả và chờ sau này khi đã làm quen hơn với thiết bị để vô hiệu hóa ứng dụng.

Thiết lập không gian

Có thiết bị mới là cơ hội tuyệt vời để rũ bỏ một số thói quen xấu trong quá khứ và bắt đầu có quyết định sáng suốt hơn. Nếu vẫn dùng Apex hay Nova Launcher, bạn có thể gỡ chúng và dùng Google Now. Thay vì dùng trình duyệt mặc định, hãy thử Chrome. Bàn phím SwiftKey hay Swype cũng là các ứng dụng rất đáng thử.

Bảo vệ thiết bị

Điện thoại chứa rất nhiều thông tin nhạy cảm, đặc biệt khi bạn thường dùng nó để truy cập tài khoản ngân hàng hay công việc. Vì vậy, bạn cần thiết lập hệ thống bảo vệ mạnh mẽ cho thiết bị. Cơ bản nhất là truy cập vào mục cài đặt bảo mật, đặt mã PIN hoặc pattern lock (mật khẩu bằng hình vẽ). Thao tác đơn giản, chỉ tốn 1-2 phút nhưng có tác dụng rất lớn sau này.

Làm quen với thiết bị

Bạn nên dành thời gian để nghiên cứu thiết lập trên thiết bị. Vuốt qua các trình đơn và trình đơn con (submenu), ghi nhớ cài đặt nào nằm ở ở mục nào. Điều đó giúp bạn tiết kiệm thời gian về sau vì khi cần thì có ngay mà không bị lẫn lộn. Ngoài ra, bạn cũng có thể phát hiện ra các tính năng mới mà thiết bị Android cũ không có được. Nói một cách hoa mỹ, điện thoại ngày nay giống như một phần mở rộng của cơ thể bạn, vì vậy, đừng để nó trở thành “người lạ” với bạn.

Cài đặt điện thoại mới tương tự việc bạn chuyển đến một căn hộ mới. Đừng để các phòng trống rỗng mà hãy lấp đầy nó bằng đồ dùng cũ và treo một vài bức tranh mới. Dọn dẹp nó để mọi thứ gọn gàng hơn không phải việc làm tốn công vô ích vì đây là nơi bạn sẽ gắn bó lâu dài.

 

 Theo Android Authority

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin nổi bật