Nhà báo Phan Quang ra mắt sách mới “Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập”
(ICTPress) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhà báo Phan Quang (sinh năm 1928) vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tác. Cuốn sách mới nhất của ông “Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập” do NXB Kim Đồng ấn hành vừa ra mắt bạn đọc.
Cuốn sách tập hợp những ghi chép, phân tích cùng nhiều tài liệu quý do dịch giả Phan Quang dày công nghiên cứu sưu tầm, giúp độc giả hiểu hơn về "công trình dệt gấm bằng từ ngữ" của thế giới và nền văn minh đã sản sinh ra tác phẩm ấy.
Những câu chuyện tương truyền do nàng Sheherazade kể hầu bạo chúa Shariar trong “Nghìn lẻ một đêm” là di sản tuyệt vời của sáng tác truyền khẩu dân gian nhân loại, tồn tại đến nay hơn một nghìn năm.
Năm 1704, độc giả Pháp lần đầu được biết đến “Nghìn lẻ một đêm” qua bản dịch của học giả Antoine Galland. Tác phẩm mau chóng lan tỏa khắp thế giới trở thành “dấu gạch kết nối văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây”.
Nhiều tác phẩm ăn theo “Nghìn lẻ một đêm” cũng ra đời sau đó như: “Nghìn lẻ một ngày” (1710), “Nghìn lẻ một khắc” (1733), “Nghìn lẻ một giờ” (1740), “Nghìn lẻ một chuyện dở hơi” (1742), “Nghìn lẻ một ân huệ” (1771). Bộ sách cũng gợi đề tài và cảm hứng cho nhiều bộ môn nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, hội họa, điện ảnh…
Ở Việt Nam, “Nghìn lẻ một đêm” đã xuất hiện trên các cột báo ra đều kì cách đây hơn một thế kỉ. Bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” do nhà báo Phan Quang chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của Antoine Galland ra mắt độc giả Việt Nam lần đầu tiên năm 1981 và tới nay đã tái bản trên 30 lần.
Bàn về sự huyền ảo của các câu chuyện kể trong bộ “Nghìn lẻ một đêm”, Jules Janin (1804-1874) – Viện sĩ Hàn lâm Pháp, viết: “Ấy là cái bình giấu dưới biển sâu, ấy là cái hộp bằng thủy tinh quý giá. Ấy là duyên dáng và sức mạnh, là đạo lí và viễn tưởng, là ngụ ngôn và lịch sử, là giấc mộng đẹp và những đêm thao thức, là thiên thần và quỷ sứ, là cái thiện và cái ác, ấy là tất tất mọi đam mê, mọi ảo giác, mọi đạo đức, mọi dối trá trên đời; đó là thiên tuyệt tác không thể tìm thấy được tại bất kì ngôn ngữ nào từ thời cổ đại.”
“Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập” mở ra cánh cửa để độc giả bước vào thế giới phủ một bức màn bí ẩn như gương mặt của nàng Sheherazade sau chiếc khăn voan: nền văn minh A Rập - nền văn hóa giàu truyền thống cùng những tư tưởng ban sơ của đạo Hồi - nơi đã khởi sinh những câu chuyện giàu giá trị nhân văn trong “Nghìn lẻ một đêm”.
Trong cuốn sách, tác giả chia sẻ: “Bộ “Nghìn lẻ một đêm” phản ánh một hiện thực Hồi giáo rất khác biệt so với hình ảnh về đạo Hồi phổ biến trong suy nghĩ của phần đông nhân dân thế giới ngày nay. Do xuất xứ dân gian từ nhiều nguồn cội: Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì, A Rập... các truyện trong ‘Nghìn lẻ một đêm’ đều bàng bạc tinh thần nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng hát tôn vinh lao động cần cù, tinh thần quật khởi của con người vượt qua trở ngại, khó khăn. Đó là lời ca ngợi tự do, quyền tự do của con người được yêu đương, được mưu cầu hạnh phúc và được sống thoải mái cho dù ở cõi trần này hay sang thế giới mai sau, vượt lên mọi luật lệ khắc nghiệt của triều đình và của tôn giáo. Đó là thiên sử thi về lòng dũng cảm, trí thông minh và đặc biệt sự phản kháng của nguời dân đối với bất công xã hội.”
Rất nhiều thắc mắc về “Nghìn lẻ một đêm” như: Nguồn gốc thật sự của “Nghìn lẻ một đêm” từ đâu? Có bao nhiêu chuyện kể trong toàn bộ “Nghìn lẻ một đêm”? “Nghìn lẻ một đêm” có phải là sáng tạo của một phụ nữ? Cuốn sách cũng sẽ đưa ra những lý giải cho câu hỏi, tại sao “Nghìn lẻ một đêm” lại có sức cuốn hút đến mê hoặc, trở thành “tác phẩm văn học mang tính toàn cầu, tồn tại bất chấp thời gian” như thế.
Ngoài ra, độc giả cũng sẽ được khám phá rất nhiều câu chuyện thú vị và nghi án văn chương xung quanh “người anh em sinh đôi” với “Nghìn lẻ một đêm” có tên “Nghìn lẻ một ngày” – tác phẩm được đánh giá là “công trình hoàn hảo nhất của nghệ thuật kể chuyện theo phong cách thế kỉ 18”.
Trong “Nghìn lẻ một ngày”, người kể chuyện là một bà vú kể cho nàng công chúa mắc chứng bệnh ghét đàn ông, tới mức bày cách giết hại không thương tiếc mọi chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn, để thuyết phục nàng rằng, trên đời, người trần mắt thịt cũng như thần linh, ai cũng có tình yêu nam nữ, và “trong đời chỉ nên yêu một lần, song đã yêu thì yêu đến trọn đời”. Với một chuỗi chuyện kể li kì, cuốn hút, khung cảnh trải rộng từ kinh đô Bagdad và vịnh Ba Tư sang tận triều đình Trung Hoa, bối cảnh và cách kể chuyện giống như “Nghìn lẻ một đêm”, nhưng khi biết được nguồn gốc thực sự và số phận của “Nghìn lẻ một ngày”, độc giả sẽ vô cùng kinh ngạc.
Bộ sách “Nghìn lẻ một đêm” (4 tập) và “Nghìn lẻ một ngày” (2 tập) do nhà báo Phan Quang dịch, NXB Kim Đồng ấn hành |
Và hẳn bạn đọc sẽ không khỏi tò mò muốn lật giở ngay cuốn sách sau khi đọc những tiêu đề trong mục lục: A Rập và Người A Rập, họ là ai? Phác họa chân dung nhà sáng lập đạo Hồi, Một hiện thực khác của Đạo Hồi, Một phụ nữ Hồi giáo vào Viện Hàn lâm Pháp, Khoa học thời Nghìn lẻ một đêm, Sự khác biệt giữa người Pháp và người Thổ Nhĩ Kì, Đêm 1001 (đoạn kết)…
Dịch giả Phan Quang chia sẻ: “Tôi vốn say mê “Nghìn lẻ một đêm” từ ngày còn bé, và khi bắt tay chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt bản của Antoine Galland, vào những năm 70 thế kỉ trước, tôi đọc tất cả những gì gặp được có liên quan đến bộ truyện cổ. Với phương châm ‘Đọc có ghi mới hiểu’, tôi kiên trì ghi chép, gặp đâu chép đó một số điểm tâm đắc kèm theo cảm nhận của mình, cũng có lúc nhìn rộng ra chút ít để yên tâm là mình hiểu đúng.”
Cuốn sách thể hiện sự dày công sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép của nhà báo Phan Quang và sự khéo léo trong việc sắp xếp bố cục, chi tiết để lôi cuốn độc giả.
Bảo Ngọc