“Lều chõng - Xưa và nay”
(ICTPress) - Nhắc đến chuyện “Lều chõng” vào thời điểm các kỳ thi đang đến rất gần, "Tôi xê dịch" muốn mang lại một góc nhìn ngược chiều và mới mẻ.
“Ngày nay nghe đến hai từ “lều chõng”, có lẽ nhiều người sẽ thấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, “lều”, “chõng” đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là “bốn nghìn năm văn hiến”.
[…] Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía.”
Đoạn trích trên được lược trích từ một bài viết của Ngô Tất Tố, trên tạp chí Thời vụ, số 109 ra ngày 10/3/1939 - ngót nghét gần 80 năm sau, ta vẫn thấy cùng một cảnh tượng.
Khi chúng tôi (Tôi xê dịch) chuẩn bị thực hiện Việc làng 4: Chuyện “Lều chõng” xưa nay, vẫn có một vài người tham dự nhận xét: “Một chủ đề vừa lạ quá, mà lại cũng quen quá”.
Quang cảnh Lều chõng đi thi của Việt Nam thời Nguyễn |
Nhắc đến chuyện “Lều chõng” vào thời điểm các kỳ thi đang đến rất gần, phần nào “Tôi xê dịch” muốn mang lại một góc nhìn ngược chiều và mới mẻ về những gì mà chúng ta luôn canh cánh: học vị, danh hiệu, vai trò của tấm bằng với cơ hội tương lai, tài năng của mỗi cá nhân và áp đặt của xã hội...
Bằng cách tìm lại, lục lại, kể lại những câu chuyện khóc cười trong quá khứ, dưới lăng kính khách quan nhưng gần gũi, đời thực, “Tôi xê dịch” hy vọng, chủ đề “Lều chõng” sẽ được khai thác thú vị hơn, nhiều màu sắc hơn với những chia sẻ của khách mời nhà báo Nguyễn Xuân Hồng - người rất yêu thích các chủ đề văn hóa truyền thông và đang triển khai biên soạn các cuốn “Các Văn Miếu ở Việt Nam” và “Từ điển Văn hóa truyền thống Việt Nam bằng hình”…
“Việc làng 4: Chuyện Lều chõng - Xưa nay” được tổ chức vào lúc 18h ngày 3/6/2015, tại Không gian Trung Nguyên 52A Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây cũng là chương trình hợp tác đầu tiên giữa dự án “Tôi xê dịch” và dự án “Xây trường cho em”.
“Tôi xê dịch” là dự án truyền thông xã hội về văn hóa truyền thống dành cho người trẻ, được thành lập từ tháng 6/2012, với mục tiêu khuyến khích người trẻ “đi nhiều hơn, sống sâu hơn”, hiểu biết hơn về các giá trị dân tộc, Từ đó, Tôi xê dịch truyền cảm hứng và thúc đẩy người trẻ hành động nhiều hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy sáng tạo các nét văn hóa ngay cả trong cuộc sống thường ngày.
“Xây Trường Cho Em” là dự án gây quỹ cộng đồng để xây trường, điểm trường tại các khu vực khó khăn, đặc biệt là vùng cao. Tầm nhìn của dự án muốn hướng tới hỗ trợ trẻ em vùng cao với ảnh hưởng lâu dài hơn, bằng việc hỗ trợ tạo điều kiện để các em nhận được sự giáo dục tốt hơn, qua đó có một tương lai tốt hơn, bắt đầu từ điều kiện cơ bản là một mái trường. Năm 2013 nhóm “Xây Trường Cho Em” đã gây quỹ thành công 260 triệu đồng để xây dựng điểm trường Phiêng Cành, Mộc Châu. Năm nay, với mục tiêu gây quỹ 400 triệu đồng, một trường học mới ở bản Lao Lủng Tủng, Lũng Hồ, Yên Ninh sẽ được xây dựng trong kỳ nghỉ hè 2015, và hoàn thành ngay trước thềm năm học mới.
Phí tham dự chương trình là 100.000đ nhằm để trang trải chi phí tổ chức sự kiện và toàn bộ số tiền còn lại được quyên góp để xây dựng trường ở bản Lao Lủng Tủng, Lũng Hồ, Yên Ninh, Hà Giang. Bản kê các chi phí cũng sẽ được công khai minh bạch tại mọi trang truyền thông của chương trình này.
Người tham gia có thể đăng ký tham dự tại: http://bit.ly/vieclang4-dangky
Bảo Ngọc