Chuyển giao EVN Telecom: "Các đồng chí không có gì phải băn khoăn"

(ICTPress) - "Trong một tổng thể, có thể người nào đó, bộ phận nhất định chịu thiệt thòi, nhưng đại bộ phận sẽ được hưởng lợi".

Sự kiện chuyển giao toàn bộ Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom) sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) từ ngày 1/1/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang được nhiều độc giả quan tâm, trong đó liên quan tới việc liệu sáp nhập có dẫn tới vi phạm Luật Cạnh tranh hay không và "số phận" của Hanoi Telecom - đơn vị đang sử dụng chung giấy phép 3G với EVN Telecom sẽ ra sao.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Thời báo kinh tế Việt Nam khẳng định đây chỉ là việc thay đổi chủ sở hữu và không có gì vi phạm Luật  Cạnh tranh. Doanh nghiệp có lợi ích liên quan là Hanoi Telecom cũng sẽ có lợi trong việc này và "không có gì phải băn khoăn".

Điều chuyển nguyên trạng

Theo ông Muôn, việc điều chuyển EVN Telecom sang Viettel sẽ được thực hiện nguyên trạng. Nghĩa là, sẽ điều chuyển toàn bộ trụ sở, tài sản, đất đai, các nguồn vốn, công nợ, tổ chức bộ máy, lao động; tài nguyên viễn thông, bao gồm tần số, khối số, tên miền, địa chỉ Internet, cơ sở hạ tầng viễn thông.

Đồng thời, các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác, cũng như quyền và nghĩa vụ nợ của EVN Telecom cũng được chuyển giao sang Viettel.

Chuyển giao EVN Telecom chỉ là thay đổi cơ quan đại diện chủ sở hữu cấp trên. Ảnh minh họa.

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của EVN Telecom sẽ không có gì thay đổi, chỉ thay đổi cơ quan đại diện chủ sở hữu cấp trên, trước đây là Tập đoàn Điện lực, nay là Tập đoàn Viễn thông quân đội. Tài nguyên của Nhà nước cấp cho EVN Telecom không tăng cũng không giảm và tiếp tục được phát huy.

"Tập đoàn Điện lực không chuyên sâu về lĩnh vực viễn thông, không có nhiều kinh nghiệm và năng lực quản trị trong lĩnh vực này, do đó việc điều chuyển này có lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, các đối tác và toàn xã hội", ông Muôn nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết thêm, việc điều chuyển này không phải là "chuyện riêng" giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội, mà Thủ tướng Chính phủ đã giao rất rõ ràng trách nhiệm cho các Bộ chuyên ngành có liên quan, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính, và Bộ Quốc phòng.

Không phạm luật

Ông Muôn cho biết, sau khi điều chuyển, thị phần của Viettel nếu cộng cơ học cũng chưa đến 50% thị phần thị trường viễn thông, chỉ ở khoảng 40%.

Trong khi đó, điều 18 Luật Cạnh tranh quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Hơn nữa, điều 19 Luật này cũng chỉ rõ, tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 có thể được xem xét miễn trừ trong trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

"Tôi xin nhắc lại, nếu tỷ lệ sau khi điều chuyển là trên 50% thì cũng không có vấn đề gì lớn vì chúng ta cũng sẽ cơ cấu lại để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với pháp luật về cạnh tranh", ông Muôn nói.

Hiện, Việt Nam có 7 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động, 2 doanh nghiệp khác đang chuẩn bị tham gia thị trường. Ông Muôn cho rằng các quy luật thị trường sẽ tự dẫn đến việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển doanh nghiệp và cần coi đó là chuyện hết sức bình thường.

Hanoi Telecom không có gì phải băn khoăn

"Tôi mà là Hanoi Telecom thì tôi sẽ rất hạnh phúc", vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói. Theo ông, Hanoi Telecom là đối tác của EVN Telecom thì giờ vẫn tiếp tục là đối tác, hợp đồng đã ký không ai thay đổi cả và hai bên đã cam kết thực hiện những gì thì tiếp tục thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn: "Ta hãy yên tâm chấp hành, vì các quyết định ấy đã được cân nhắc kỹ, rất chi li". Ảnh: Chinhphu.vn

Không những thế, ông Muôn cho rằng Hanoi Telecom còn có lợi bởi trước đây EVN Telecom trực thuộc EVN - một đơn vị không thạo về viễn thông, nay chuyển sang Viettel là doanh nghiệp thạo về viễn thông thì dứt khoát hoạt động viễn thông của EVN Telecom sẽ tốt lên.

"Ông là đối tác, quan hệ với một người giỏi và người không giỏi thì ông thích ai? Quan hệ với người giỏi thì tốt hơn chứ, không có gì phải băn khoăn", ông Muôn nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết ông đã nói chuyện với các lãnh đạo Hanoi Telecom. "Tôi nói là các đồng chí không có gì phải băn khoăn. Tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của các đồng chí được bảo toàn hết, không ai đụng đến cái gì cả. Hãy cùng với nhau tiếp tục làm việc đi. Có ai hủy hợp đồng đi đâu, ông Tổng giám đốc EVN Telecom vẫn là ông ấy, chiến lược vẫn như thế nhưng phù hợp hơn".

Theo ông, mọi quyết định của Đảng, của Chính phủ bao giờ cũng nhằm không ngừng nâng cao đời sống, điều kiện vật chất, tinh thần của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. "Cho nên ta hãy yên tâm chấp hành, vì các quyết định ấy đã được cân nhắc kỹ, rất chi li".

"Trong một tổng thể, có thể người nào đó, bộ phận nhất định chịu thiệt thòi, nhưng đại bộ phận sẽ được hưởng lợi", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.

Lê Nguyên

Tin nổi bật