Đà Nẵng định lượng về thành phố môi trường
(ICTPress) - Đầu tháng 5/2015, với Kế hoạch số 3193, UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức đưa ra con số định lượng làm mục tiêu phấn đấu để đạt được chuẩn thành phố môi trường. Trước đó, từ năm 2008, Đà Nẵng đã có quyết định ban hành đề án xây dựng thành phố môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế với sự tư vấn của các tổ chức chuyên gia.
Theo đó, để đáp ứng được tiêu chuẩn thành phố môi trường cần đến các chỉ số cơ bản như chất lượng môi trường nước, việc xử lý chất thải rắn, chất lượng môi trường không khí và một số yếu tố khác.
Cầu Sông Hàn - một điểm đến hấp dẫn của Đà Nẵng |
Về chất lượng môi trường nước, thành phố đặt mục tiêu kiểm soát tốt, hiệu quả các điểm nóng ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố. Duy trì 100% chất lượng nước thải sinh hoạt sau xử lý tại các trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; Tăng tỷ lệ dân số được dùng nước sạch; hướng đến mục tiêu cấp nước của cả thành phố đạt 330.000m3/ngày đêm.
Đà Nẵng cũng có giải pháp kiểm soát chất lượng nước sông Vu Gia tại Cầu Đỏ (nguồn cấp nước chính của thành phố) bằng hệ thống quan trắc tự động, kiểm soát các nguồn thải ra hồ, không để phát sinh ô nhiễm tại các hồ khu vực nội thị. Đảm bảo 100% nước thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế đã có hệ thống xử lý được xử lý đạt quy chuẩn xả thải vào hệ thống thu gom của thành phố. Tập trung xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống và tiến tới giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Xử lý mùi hôi tại cửa sông và các cửa xả ven sông, biển bằng chế phẩm khử mùi.
Để đảm bảo hiệu quả với mức kinh phí thấp nhất, thành phố chủ trương phân cấp quản lý môi trường các hồ, đầm; sử dụng bè nổi thực vật để xử lý ô nhiễm; xã hội hóa khai thác, sử dụng có hiệu quả các khu vực, hồ đầm nhưng đảm bảo mỹ quan và môi trường.
Thảm thực vật ven Sông Hàn |
Về chất thải rắn, thành phố đặt mục tiêu trên 95% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom; 100% chất thải rắn thu gom được xử lý hợp vệ sinh, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Đảm bảo vệ sinh, tiến hành đổ rác và thu gom đúng giờ đối với 100% các tuyến đường đã triển khai; 100% cộng đồng được tuyên truyền hướng dẫn cách thực hiện; Các tuyến đường, khu vực phải được phân công trách nhiệm trong Phong trào Ngày Chủ nhật xanh sạch đẹp; Tăng các hình thức tái chế, tái sử dụng chất thải rắn. Triển khai nhân rộng mô hình xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; Triển khai thí điểm mô hình ủ phân compost quy mô hộ gia đình tại các xã có quy mô chăn nuôi lớn; Tiếp tục nhân rộng ứng dụng mô hình biogas cải tiến để xử lý ô nhiễm môi trường và tận thu khí sinh học phát điện tại khu vực nông thôn; Phát triển nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường: Ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật (IPM, ICN, 3 giảm 3 tăng), ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch để góp phần bảo vệ môi trường; Hoàn chỉnh Quy hoạch xử lý chất thải rắn của TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Về chất lượng môi trường không khí, thành phố đặt mục tiêu duy trì chỉ số ô nhiễm không khí (API) trong khu vực đô thị nhỏ hơn 100. Đảm bảo diện tích không gian xanh đô thị trên 6m2/người và phải đảm bảo đối với từng khu dân cư, dự án, cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm cho các doanh nghiệp, như: Sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, kiểm toán môi trường, doanh nghiệp thân thiện xanh sạch đẹp, đổi mới công nghệ,… Tăng tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện công cộng, phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường; Thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch như khí thiên nhiên, khí hóa than, năng lượng mặt trời...
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo độ che phủ của rừng lên 50,6 % ngay trong năm 2015; đảm bảo tính đa dạng sinh học rừng; Xây dựng, hướng dẫn thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất xi măng, sắt thép và thuỷ sản; Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp thân thiện môi trường; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường ngành công thương; Phát động “Ngày không sử dụng túi nilon” để hưởng ứng Phong trào Ngày Chủ Nhật xanh sạch đẹp. Lắp mô hình năng lượng mặt trời (NLMT) cho các trạm phòng hộ rừng; Triển khai mô hình đèn LED chiếu sang ngõ xóm bằng NLMT, mô hình pin NLMT cho trạm xe buýt; Lắp đặt đèn chiếu sáng học đường tiết kiệm năng lượng và bảo vệ mắt cho học sinh. Xây dựng quy hoạch và phát triển các nguồn năng lượng sạch trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Biển Đà Nẵng (ảnh: Internet) |
Ngoài ra, các hoạt động khác như kêu gọi đầu tư xây dựng các Công viên Bách thảo Bách thú, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn; Lập đề án triển khai bảo tồn đa dạng sinh học rừng, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và khí hậu; Xây dựng cơ sở hạ tầng bãi đỗ xe tập trung tại các điểm trung chuyển vận tải khách công cộng; Triển khai dự án thí điểm sử dụng năng lượng công nghệ ELFA Hybrid cho dự án đầu tư các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt; Xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường điển hình trong các cơ sở lưu trú theo hướng 3R (giảm thiểu tái sử dụng tái chế) cũng được TP. Đà Nẵng quan tâm đầu tư thích đáng.
Ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giáo dục môi trường, sử dụng tài nguyên tiết kiệm hiệu quả và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, Đà Nẵng còn đặt chỉ tiêu mỗi phường/xã phải có Tổ chức tự quản bảo vệ môi trường để đảm nhiệm vai trò chủ động quản lý môi trường trong khu dân cư.
Với những hướng đi đúng đắn và con số chỉ tiêu định lượng cụ thể, hy vọng Đà Nẵng sẽ đạt đích thành phố môi trường sớm hơn dự kiến./.
Trịnh Quang