Ai về Ninh Hiệp cùng tôi

Tôi đi chợ vải Ninh Hiệp lần đầu cách đây 25 năm, khi về viết bài ông “Chủ tịch xã mặc quần bò” nổi tiếng của Ninh Hiệp ngày đó. Vào đầu những năm của thập kỉ 90, chợ còn nằm gọn ở giữa làng. Bước qua một chiếc “barie” là vào đến chợ.

Chuyện cổ tích từ cổng chợ

Sau 25 năm nhìn lại, chợ được phát triển thành một “đại siêu thị” ở đầu cửa ngõ phía Bắc Thành phố Hà Nội. Bạt ngàn vải, miên man vải dọc những nẻo đường làng. Điều ước từ dạo nào của ông chủ tịch xã đã quá cố là chiếc cổng chợ nay đã thành hiện thực. Tôi ngồi bên cổng chợ mà nghĩ đến ngày ấy ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện, bên chiếc cây tre chắn ngang đường. Đó là chuyện tình công chúa Ngọc Hân của làng Nành, tên gọi xa xưa của xã Ninh Hiệp nay. Cổng chợ đã khắc lên hai cái tên với nhau là: “Chợ Nành Ninh Hiệp”. Tên làng Nành cổ gợi nhớ đến thiên tình sử đầy bi phẫn về số phận của Ngọc Hân, khi làm người vợ hiền của vua Quang Trung, vào năm 1786...

Làng Nành, còn gọi là tổng Nành, bởi nơi đây đã từng là hậu cung của triều nhà Lê, nườm nượp giai nhân. Đất đai trù phú, chợ Nành có từ ngàn năm trước bên con sông Thiên Đức, người người tấp nập đông vui. Hơn nữa, nơi đây còn là đất học, nhiều trường chữ Hán đã mở ra. Chả thế đến nay vẫn có người mở lớp chữ nho miễn phí cho bất kể ai muốn đến học.

Các cô gái ở đây vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, không ít người đẹp có tài thi họa và được tiến cung hàng năm. Chuyện nổi bật một thời là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Cũng vào thời gian này, làng còn có bà Nguyễn Thị Điều, cùng được tiến cung làm vợ vua Lê Hiển Tông. Nhưng bà Huyền không những là một tuyệt sắc giai nhân mà còn nổi bật ở tài thơ ca, tinh tường chữ nghĩa nên được vua yêu quý và trở thành nguyên phi, thường ngày bên cạnh vua đàm đạo sách vở, thơ phú. Bà đã sinh hạ cho vua công chúa Lê Ngọc Hân và hoàng tử Lê Duy Cận.

Công chúa Lê Ngọc Hân là người kế thừa được những nét tinh hoa của mẹ cả về sắc đẹp lẫn học vấn... Chính vì thế khi Nguyễn Huệ mang quân ra tiêu diệt chúa Trịnh để cứu triều đình nhà Lê, vua Lê Hiển Tông đã chọn công chúa Lê Ngọc Hân, con gái thứ 21 của mình, gả cho Nguyễn Huệ để tỏ lòng biết ơn và thể hiện sự giao hòa thân thiết. Ngọc Hân theo chồng về Phú Xuân và trở thành Hữu cung hoàng hậu, luôn luôn được sủng ái. Sau chiến thắng quân Thanh, trở về Nguyễn Huệ phong tiếp cho Ngọc Hân là Bắc cung hoàng hậu.

Nhưng hạnh phúc như gió thoảng qua, bởi chỉ sáu năm sau Nguyễn Huệ đột ngột băng hà, Ngọc Hân trở nên cô đơn và lạc lõng sống trong ngôi chùa Kim Tiên để thờ chồng và nuôi con. Tưởng nhớ đến người anh hùng bạc mệnh của mình, Ngọc Hân đã viết một áng thơ bất tuyệt “Ai tư vãn”, thể hiện tình cảm không bao giờ phai nhạt với người mình yêu. Không bao lâu nhà Tây Sơn suy tàn, Nguyễn Ánh lên ngôi đàn áp không thương tiếc những người thân cận và ruột thịt với Nguyễn Huệ. Ba mẹ con Ngọc Hân cũng lâm vào cảnh đường cùng đó. Họ cùng bị chết sớm một cách bí ẩn và oan ức. Ngọc Hân mất năm 29 tuổi (năm 1799). Hai con là Nguyễn Quang Đức mất năm 10 tuổi (1801), Nguyễn Bảo Ngọc mất năm 12 tuổi (1802)...

Tạp kí bên hông chợ vải

Trước đây chợ vải Ninh hiệp chỉ bắt đầu hoạt động vào đầu giờ chiều. Thường là khi mặt trời đứng ngọ. Mỗi lần đến sớm là tôi sà vào ngay hàng cháo trai ở đầu chợ. Bà chủ bán cháo cũng chỉ dọn hàng đúng 12 giờ. Cho dù hiện nay chợ Ninh Hiệp bán hàng từ sáu giờ sáng, thì hàng cháo trai này vẫn 25 năm không hề thay đổi. Bà hàng cháo kể chuyện giờ đây cả làng Ninh Hiệp đều đi bán vải. Chợ Ninh Hiệp đã thành đại siêu thị, tư duy thương nhân cũng đã đổi khác.

Ngày Tết, người đi chợ phải chen vai sát cánh, gửi xe xa hàng cây số mới vào được chợ. Hàng về, hàng đi. Người mua kẻ bán hối hả, vội vã. Ai nấy đều nhanh chân, nhanh tay, thoắt tới, thoắt lui. Những đoàn xe chở vải nườm nượp lên đường. Các ki ốt trong trung tâm và chợ đầu mối mọc lên khắp cánh đồng xã. Phố trong làng và làng thành phố được gọi tên đích danh theo số theo tên cửa hàng và công ty. Chính vì thế dân Ninh Hiệp giàu lên nhanh chóng.

Kẻ chợ hay chữ

Nói kẻ chợ Ninh Hiệp đúng với nghĩa là những người làng Nành còn là đất học và tôn vinh văn hóa mà ông cha đã gìn giữ ngàn năm qua. Đầu làng cũng là đầu con chợ cũ là nhà văn hóa được xây dựng như một công viên với lối kiến trúc đẹp dành cho dân làng sinh hoạt hàng ngày. Còn ở cuối chợ là ngôi đình và chùa cũng đã ở tuổi ngàn năm, thì ở gần có những công trình mới, đó là ngôi thủy đình và Khu tưởng niệm Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân. Kẻ chợ làng Nành cũng thể hiện sự văn minh, đã bàn nhau góp tiền để xây nên những công trình mới này. Họ kiếm tiền nhiều để sinh sống, nhưng điều cuối cùng họ lại để tâm tới những sinh hoạt văn hóa tâm linh và giữ gìn những gì mà làng Nành đã từng có và mãi mãi được tôn vinh. 

Một làng hay chữ, giỏi buôn bán và có nhiều cung nữ và phi tần đã được nhắc đến trong sử sách...

      Nguồn: Cảnh Linh/hanoitv.vn

Tin nổi bật