Khi nhà mạng cho khách hàng làm tỉ phú
Có người cho rằng, các nhà mạng nhỏ buộc phải làm vậy để cạnh tranh với ba nhà mạng nắm giữ 90% thị phần. Nhưng trên thực tế, hai mạng nhỏ kể trên chỉ là "học trò" của Viettel, Vinaphone và Mobifone.
Beeline tung ra gói cước 1 tỉ đồng - version 2, cuối tháng 11.2011, chỉ vài ngày ngay sau khi bị cơ quan quản lý "tuýt còi" gói cước cùng giá trị mà hãng dịch vụ viễn thông này đưa ra thị trường một tháng trước. Ảnh: Lê Quang Nhật. |
Không được triển khai gói cước tỉ phú 1, mạng di động Beeline đưa ra gói cước tỉ phú thứ hai. Theo đó, mỗi tháng khách hàng phải trả tối thiểu 40.500 đồng để được hưởng số tiền gọi nội mạng là 270.000 đồng. Tính trong mười năm, giá trị miễn cước lên tới 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, gói cước thứ hai vẫn có dấu hiệu bán phá giá và yêu cầu Beeline phải điều chỉnh mới được lưu hành. Cuối cùng, Beeline chấp nhận mức tối thiểu hàng tháng người dùng phải trả là 66.000 đồng/phút.
Xét trên góc độ người sử dụng, các tỉ phú của Beeline chưa thật sự được ưu đãi khi mỗi ngày khách hàng Beeline phải trả 2.200 đồng để được gọi miễn phí ba tiếng nội mạng. Trong lúc đó, người sử dụng gói cước Nhân đôi giá trị Maxi Talk của mạng di động Vietnammobile, mỗi ngày tuy phải trả nhiều hơn 300 đồng, nhưng lại được gọi miễn phí nội mạng khoảng sáu tiếng và nhắn tin không giới hạn. Điều giúp khách hàng Beeline trở thành tỉ phú, là thời hạn sử dụng tới mười năm, còn khách hàng gói cước nhân đôi giá trị của Vietnammobile bắt đầu từ ngày 17.10.2011 nhưng có thể không thành tỉ phú bởi thời hạn kết thúc phụ thuộc thông báo mới của nhà mạng này.
Có người cho rằng, các nhà mạng nhỏ buộc phải làm vậy để cạnh tranh với Viettel, Vinaphone và Mobifone, ba nhà mạng nắm giữ 90% thị phần. Nhưng trên thực tế, hai mạng nhỏ kể trên chỉ là "học trò" bởi một năm trước, ba nhà mạng này đều có gói tương tự. Sự khác biệt nằm ở chỗ mức tối thiểu hàng tháng khách hàng phải đóng vào khoảng 110.000 đồng, tuỳ nhà mạng và chính sách.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dù có quy định, doanh nghiệp viễn thông không chiếm thị phần chi phối (chiếm dưới 30% thị phần) được quyền tự quyết định giá bán nhưng nếu bán giá thấp quá mức so với mức trung bình của thị trường vẫn được cho là hành vi bán phá giá. Thừa nhận chưa có văn bản nào quy định về mức cước trung bình trên thị trường viễn thông di động, ông Hải cho biết thêm, văn bản như vậy sẽ được ban hành trong năm 2012.
Để chứng minh gói cước tỉ phú không phá giá, ông Michael Cluzel, Tổng Giám đốc của Beeline Vietnam (GTEL-Mobile) khẳng định, doanh thu bình quân mỗi thuê bao (ARPU) của gói cước tỉ phú tương đương hoặc cao hơn các gói cước của các mạng di động nhỏ. Tuy nhiên, ông Cluzel không đưa ra con số cụ thể. Theo hãng nghiên cứu thị trường viễn thông quốc tế BMI công bố cho quý 2 năm nay, ARPU năm 2010 của thị trường viễn thông Việt Nam là mỗi tháng, mỗi thuê bao sử dụng khoảng 5 USD, giảm nhẹ so với mức 5,52 USD của năm 2009.
Nếu dựa theo mức này, tuy miễn cước cho các cuộc gọi nội mạng không quá mười phút, có thể thấy ba nhà mạng lớn năm ngoái vẫn thu đúng và thu đủ, như các khách hàng khác. Cũng theo quan điểm này, được tiếng cho không cả tỉ đồng, song nhà mạng như Beeline có thể không phải đánh đổi gì, xét về doanh thu trung bình. Điều lợi hơn mà nhà mạng lớn và nhỏ đều biết, chi phí tạo thêm khách hàng mới của họ gần như bằng không. Trong khi đó, dân kinh doanh thường tính toán, 70% doanh số đến từ khách hàng cũ. Và chi phí bán thêm hàng cho khách hàng cũ thấp hơn vài ba lần so với chi phí tìm kiếm một khách hàng mới.
Cũng theo báo cáo của BMI, nếu tình hình cạnh tranh không thay đổi, dịch vụ nội dung không cải thiện, thì mức ARPU có thể giảm xuống còn 3,51 USD vào năm 2015. Nếu tỷ giá từ đây đến năm 2015 không đổi, coi như gói cước tỉ phú có thể giúp Beeline ăn nên, làm ra.
Vân Oanh
Theo SGTT