Dịch giả Hugo Nguyen: Thần thoại Hy Lạp lôi cuốn tôi như gió bão
(ICTPress) - Bộ truyện Thần thoại Hy Lạp gồm 2 tập được Nhà Xuất bản (NXB) Kim Đồng mua bản quyền của NXB Usborne (Anh), do nhà văn Anna Milbourne và Louie Stowell viết lời, họa sĩ Elena Temorin và Petra Brown vẽ minh họa ra mắt bản tiếng Việt lần đầu năm 2013 và tái bản cuối năm 2014.
Cuốn sách thu hút độc giả thiếu nhi không chỉ bởi những truyện nổi tiếng nhất trong Thần thoại Hy Lạp được chọn lọc và kể lại với lời văn cảm xúc; những chú giải về các nhân vật, địa danh tiêu biểu nổi tiếng; bảng đối chiếu tên riêng giữa thần thoại Hy Lạp và thần thoại La Mã mà còn bởi những minh họa vô cùng sinh động, giúp độc giả dễ dàng ghi nhớ những sự tích, điển tích; những nhân vật thần thoại nổi tiếng như chiếc tráp của Pandora, cỗ xe mặt trời, tiên nữ Daphne biến thành cây nguyệt quế, hay anh hùng Heracles với mười hai chiến công lừng lẫy, anh hùng Odysseus và cuộc chiến thành Troy, gót chân Achilles, vua Midas có đôi tai lừa…
Cuộc trò chuyện với dịch giả Hugo Nguyen dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu thêm về bộ Thần thoại Hy Lạp này.
Dịch giả Hugo Nguyen |
Xin chào dịch giả Hugo Nguyen, ông có thể kể đôi chút về cơ duyên ông đến với công việc dịch thuật bộ truyện “Thần thoại Hy Lạp” sang tiếng Việt? Lí do gì khiến ông quyết định bắt tay vào dịch bộ truyện kinh điển này?
Thực ra tôi làm nghề dịch thuật từ năm 1982, nhưng chỉ dịch các tài liệu. Khi con còn nhỏ, tôi ước mơ có cơ hội dịch truyện cho thiếu niên, nhi đồng. Mấy năm gần đây, tôi về nước công tác thường xuyên nên tranh thủ làm thêm một việc gì đó cho thế hệ trẻ Việt Nam. Chắc vì cũng có duyên nợ với công việc dịch thuật này nên đã tình cờ gặp được Nhà xuất bản Kim Đồng, và tôi đã yêu cầu được dịch thử. Bộ truyện “Thần thoại Hy Lạp” mới viết bằng tiếng Anh đến tay tôi chắc cũng là một việc của các thần sai khiến. Và dĩ nhiên, “Thần thoại Hy Lạp” là bộ truyện kì thú, ai mà chẳng muốn được đọc, dịch giả nào chẳng muốn được dịch.
“Thần thoại Hy Lạp” tập hợp các truyền thuyết về các vị thần và sự hình thành thế giới, trong quá trình dịch thuật, bộ sách đã tạo cho ông cảm hứng như thế nào?
Các câu chuyện đầu tiên của “Thần thoại Hy Lạp” nói về thuở sơ khai của thế giới, ít chi tiết sôi nổi và sinh động, nên dù muốn thu hút người đọc ngay từ đầu, tôi vẫn phải “cầm cương” để dịch cho sát bản gốc và hợp với tiếng Việt ngày nay, để rồi những câu chuyện tiếp đó lôi cuốn mình như gió bão. Tôi dịch ngốn ngấu, lúc cười hiên ngang như chính mình chiến thắng, lúc lại vừa gạt nước mắt vừa bấm bàn phím máy tính bằng những ngón tay đẫm lệ để dịch những kết cục đầy cảm xúc. Hồi còn trẻ, cách đây khoảng 30 năm, tôi có đọc bộ truyện này bằng tiếng Thuỵ Điển, nhưng chỉ còn nhớ một cách chung chung về các nhân vật và chi tiết. Lần này đọc để dịch nên mọi nhân vật và sự tích được hệ thống lại một cách hoàn chỉnh. Thật là may mắn, vì ngoài việc được dịch bộ truyện này, tôi còn được một cảm giác thu lượm những tinh hoa văn học cổ điển nổi tiếng của thế giới.
Những truyện nổi tiếng nhất trong Thần thoại Hy Lạp được chọn lọc và kể lại với lời văn giàu cảm xúc, minh họa sống động |
Bản thân “Thần thoại Hy Lạp” là một bộ truyện được đánh giá là “khó dịch” với nhiều từ khó, lối miêu tả độc đáo và giọng văn uyển chuyển, ông đã cố gắng truyền tải cái hay, cái đẹp đó của bộ truyện khi dịch thuật như thế nào?
Vâng, không dễ. Cái đầu tiên là tên các nhân vật. Mình dùng các tên cũ như Héc-Quyn, hay Hercules, Thần Dớt hay Thần Zeus. Sau khi trao đổi với Nhà xuất bản Kim Đồng, tên các nhân vật được để nguyên bằng tiếng Anh như trong bản gốc. Lí do là người Việt ngày nay, nhất là giới trẻ, đã giỏi và rất sính tiếng Anh. Ra nước ngoài mà nói Hercules và Zeus thì ai cũng hiểu. Tiếp theo đó là các từ khó, có tính chất văn học cổ điển. Văn chương các nước châu Âu thường mượn tiếng Hy Lạp để thể hiện điều đó.
Còn văn học Việt Nam, theo truyền thống, thì dùng Hán ngữ. Tôi không muốn dùng nhiều Hán ngữ vì đây là bộ truyện mới, được viết cho trẻ em thời nay. Vì vậy nhiều từ phải cân nhắc khi dịch, để không làm mất chất văn học cổ điển mà cũng không làm các em đọc cảm thấy cổ kính, khô khan. Tôi chuyển ngữ bằng cách dịch nhiều lần. Lần thứ nhất dịch thô, chủ yếu là nội dung đầy đủ và sát nghĩa với bản gốc tiếng Anh. Sau đấy xếp bản dịch sang một bên cả gần hai tháng cho quên từ ngữ trong bản gốc. Lần thứ hai dịch lại hoàn toàn với sự sáng tạo và chủ động của mình, và không đối chiếu với bản gốc. Những chỗ chưa chắc chắn thì tham khảo thêm tài liệu trên mạng. Lần thứ ba, cũng sau vài tuần, là lúc câu văn được chải chuốt cho hợp với ngôn ngữ và trí tưởng tượng của thanh thiếu niên hiện nay, vì những hình ảnh họ tưởng tượng nên trong đầu khi đọc mang ảnh hưởng của phim ảnh và văn học ngày nay. Cũng như ta xem phim Tôn Ngộ Không ngày xưa và phim Tôn Ngộ Không ngày nay, cả hai bộ phim được xây dựng từ cùng một cốt truyện, nhưng quang cảnh, màu sắc, trang phục và hành động thì khác hẳn. Cái quan trọng là đặt được mình vào vị trí của người đọc khi chuyển ngữ và tôi mong rằng tôi đã thành công phần nào trong việc này. Xin để bạn đọc tự đánh giá.
Có người cho rằng, đọc “Thần thoại Hy Lạp” không chỉ giúp bạn đọc bước vào một thế giới cổ xưa, huyền bí, tìm hiểu về sự hình thành thế giới cũng như truyền thuyết về các vị thần mà hơn thế, đây còn là bức tranh thể hiện triết lý của con người. Theo ông, giá trị lớn nhất của bộ truyện này là gì?
Khó mà xếp hạnng được giá trị nào lớn nhất. Một trong những giá trị lớn là hiểu được sự giải thích về thiên nhiên, thế giới của con người thời cổ xưa. Mặt khác, khi có hiểu biết về các sự tích của thần thoại Hy Lạp thì việc thu thập kiến thức mới sẽ dễ hơn khi gặp các khái niệm có trích dẫn, hoặc bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Chẳng hạn trong văn học có thành ngữ “gót chân Archiles”, trong y học có đốt sống Atlas, trong tâm lý học có khái niệm Narcicism… Lời nói của một người khi có trích dẫn đúng ngữ cảnh các sự tích văn học kinh điển, như từ Thần thoại Hy Lạp này, bao giờ cũng có trọng lượng lớn hơn. Bộ truyện này cũng có các triết lý về lối sống và giá trị luân lý lớn. Ví dụ như một mình phải giữ bí mật thì thật là khó. Vì thế người thợ cạo đã phải ra đồng nói thầm vào đất là “Vua Midas có đôi tai lừa”. Không nghe lời cha mẹ sẽ gặp phải tai nạn, như Icarus bị rơi xuống biến mất tăm. Khi đứa con nông nổi gặp nạn, tử vong, thì cha mẹ anh em là những người đau buồn, chết sững, như trong câu chuyện Ngự phu Phaithon - con trai thần mặt trời Helios.
Được biết ông đang giảng dạy tại trường Đại học Uppsala - trường đại học nổi tiếng của Thụy Điển- quê hương của bộ “Thần Thoại Bắc Âu” nổi tiếng. Ông có thể nói khái quát những điểm giống và khác nhau giữa hai bộ thần thoại này?
“Thần Thoại Bắc Âu” có điểm giống “Thần thoại Hy Lạp” ở chỗ là cũng có các thần cai quản mùa màng, tình yêu, sinh nở, mưa gió, sấm chớp… Tuy nhiên, sự hình thành của thế giới và nơi ở của các thần lại gắn liền với địa hình đặc trưng của Bắc Âu, là núi cao, rừng thẳm và tuyết dày, không giống như thế giới của các thần Hy Lạp, là nơi nhiều núi đá, hang động và rừng thưa. Các thần Hy Lạp ở trên núi Olympus. Còn các thần Bắc Âu thì ở nhiều nơi, thuộc nhiều dòng họ khác nhau. Các cuộc chiến giữa các thần Bắc Âu cũng khốc liệt hơn, đến mức cả thế giới bị huỷ diệt.
Tổng kết lại, truyện thần thoại của nước nào cũng gắn liền với địa hình, thiên nhiên và cuộc sống thời xưa của nước ấy. Thần thoại bắt đầu từ những sự tích truyền miệng về thần thánh, sau đó được kết đúc lại thành văn, thành thơ. Vì vậy, đọc “Thần Thoại Bắc Âu” là đọc về văn hoá Bắc Âu, đọc “Thần thoại Hy Lạp” là đọc về văn hoá Nam Âu.
Phạm Vũ Lộc