"Tôi chỉ muốn sống trong hòa bình, hàng ngày trồng khoai tây và mộng mơ thôi!"
(ICTPress) - Đó là lời của Mumi, nhân vật chính trong bộ truyện diệu kì của Tove Jansson, nơi chứa đựng tất cả những gì bạn cần biết về cuộc sống.
Tove Jansson (1914 - 2001) là nữ văn sĩ người Phần Lan đã viết những cuốn sách về thế giới Mumi, những cuốn sách CẦN cho đứa trẻ. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn nói: “Tôi viết cho chính mình, nhưng đôi khi, tôi viết cho một đứa trẻ nào đó đang không được quan tâm và bị tổn thương”. Trên thực tế thì đứa trẻ nào trong đời cũng có những giai đoạn cảm thấy bị bỏ rơi, nhạy cảm, cay đắng vì một điều nhỏ nhặt nào đó.
Mumi từ con vật "xấu xí nhất có thể tượng tượng" đến biểu tượng văn hóa của Phần Lan |
“Thế giới Mumi” là một thế giới hiện đại và là một thế giới “không có thật” không giống như thế giới thông tục đang hiện hữu. Con người trong “Thế giới Mumi” và mọi hoạt động trong thế giới này đều “khác thường” tựa như một trò chơi ở trong một nhà trẻ mà các nhân vật như Mumi Bố, Mumi Mẹ, nhà triết gia, nhà thiên văn học, bác bảo vệ công viên, bà bán hàng tạp hóa, bà già cô đơn Vilijonka... tất cả đều sống nhân hậu, ứng xử tế nhị lịch lãm, thương yêu độ lượng tự nhiên như “trời sinh ra” đã là như thế...
Người đọc mở cuốn sách là bước vào một cuộc chơi lớn 1 cùng các nhân vật tham gia vào một thế giới tưởng tượng đặc biệt vui nhộn thích thú và rất văn minh có lẽ đó chính là “thế giới mơ ước” của tác giả Tove Jansson.
Đi tìm sự cân bằng
Loạt truyện về gia đình Mumi mũi to được Jansson chắp bút vào thế chiến thứ II, xuất bản đầu tiên vào năm 1945. Có thể hiểu rằng, chiến tranh và những đau khổ, bất trắc nó mang lại cho con người đã thôi thúc con người đi tìm sự cân bằng trong việc nhớ lại, và dựng lại tuổi thơ êm đềm, vô lo qua cuốn sách.
Và cho dù trong các tác phẩm về Mumi sau đó nữa, hầu như gia đình Mumi và những cư dân của thung lũng đều phải trải qua rất nhiều tai ương như nạn hồng thủy, sóng thần, sự đe dọa của sao chổi, cơn bão lốc, bị phù phép... Thế nhưng, những tai ương được biến thành những cuộc phiêu lưu thú vị và bao giờ cũng có hậu: các Mumi trở về nhà êm ấm. Những chi tiết hài hước đầy ắp trong các câu chuyện thật gần gũi với tâm lý các độc giả nhí. Bọn trẻ luôn nhìn thấy khía cạnh hài hước trong mọi chuyện, kể cả khi chúng bị phạt. Chỉ cần người lớn cũng hiểu và nhớ được điều đó thì dù bị phạt, những đứa trẻ vẫn thấy dễ chịu hơn nhiều.
Jansson lúc bấy giờ đã đả động đến nhiều vấn đề trong các cuốn sách của mình, kể cả cái chết, say rượu, bi kịch, thậm chí cả các triệu chứng trầm cảm nữa – là những điều dường như những người lớn đều e ngại khi nói với trẻ con. Nhưng độc giả nhỏ tuổi luôn tìm được trong các câu chuyện sự cân bằng thông qua cách nhìn hài hước khiến mọi bi kịch, thất bại đều có vẻ đẹp của chúng.
Vẻ đẹp của thiên nhiên trong các câu chuyện về Mumi
Trong cuốn “Những đứa trẻ vô hình”, có đoạn nói về cây thông Giáng sinh được trang trí “đẹp như có thể được”. Bố Mumi nói, vẻ đẹp ấy không dùng để ẩn nấp mà để “xoa dịu cơn nguy hiểm”.
Cũng đúng như vậy khi nói về vẻ đẹp của thiên nhiên trong lời văn của Tove Jansson. Với các nhân vật Mumi và các em nhỏ của chúng ta thì thiên nhiên không phải là nơi ẩn nấp, trốn tránh mâu thuẫn hay bi kịch mà để xoa dịu mọi sự căng thẳng, khiến nguy hiểm trở nên đỡ nguy hiểm hơn, đau khổ dễ chịu đựng hơn.
Trong các cuốn sách về Mumi, nhà văn chưa bao giờ quên Thiên nhiên. Có thể nói, đó là một nhân vật luôn luôn xuất hiện bên cạnh các nhân vật khác. Thiên nhiên vừa làm một cảnh phông nền thể hiện tâm lý nhân vật – khi buồn bực, khi lo lắng sợ hãi, lúc thấy được an toàn, vừa xuất hiện như một chỗ bấu víu cho mọi cảm xúc ấy. Có thể trích dẫn rất nhiều đoạn mô tả thiên nhiên với lời văn của một họa sĩ.
Cảm giác sợ hại, bất trắc như: “Những bụi cỏ ướt đung đưa và đổ rạp dưới chân cậu ta (Homsu), những vũng nước đen lườm lườm nhìn nó như những con mắt to tướng và bùn đen tràn ngập kẽ hở của ngón chân” (Sđd, tr. 36).
Hay là cảm giác cân bằng, bình an: “Một con sóng lớn vỗ vào cửa vịnh, nơi mùa hè đang phô diễn sự thanh bình thuần khiết của nó. Trên bờ vịnh không có dấu hiệu gì của núi lửa ngoài những đám mây tro và ánh hoàng hôn đỏ sậm rất đẹp mà Muikunen thường được chiêm ngưỡng” (Ngày hạ chí nguy hiểm, tr. 91).
“Mặt trời đã lên cao, những chiếc lá ướt và mạng nhện sáng lấp lánh. Trong sương mù tan dần, tôi nhìn thấy Con Đường. Nó uốn lượn qua đồng cỏ vươn ra thế giới, dẫn thẳng đến tương lai cuộc đời tôi...” Rồi: “Dòng suối lững lờ chảy như bao con suối khác, theo ý thích của nó và không chút vội vàng. Có chỗ nó róc rách, trong vắt và có rất nhiều đá cuội, nhưng cũng có chỗ nó sâu dần, tối đen và tĩnh lặng. Mặt trời rất thấp và đỏ lòm. Ánh sáng của nó xuyên qua kẽ hở giữa những cây thông và chiếu thẳng vào mắt tôi.” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, tr.33; tr.41) – những cảm xúc buồn vui lẫn lộn, lúc hoang mang lúc tự tin của Mumi Bố trong những dòng hồi ký của mình....
Trưng bày bộ truyện về Mumi tại Hội thảo "Tove Jasson và thế giới Mumi" |
Loạt truyện về gia đình Mumi và cư dân thung lũng Mumi cần cho trẻ em Việt Nam...
Đây là các tác phẩm kinh điển của nền văn học thiếu nhi thế giới, trong đó có câu chuyện của cả một và nhiều nền văn hóa. Độc giả Việt Nam cũng cần được tiếp cận để dần xây dựng cho mình phông văn hóa phong phú, sâu rộng.
Với những cuộc phiêu lưu bất ngờ sẽ thỏa mãn trí tưởng tượng của trẻ, cho chúng những ước mơ xa và trong đó có dấu vết của tất cả những gì chúng ta từng trải qua: sự sợ hãi, nghi ngờ, hoang mang, cô đơn, bất an. Vì thế, những cuốn sách có giá trị chia sẻ.
Những cuốn sách sẽ cân bằng được thiết lập trong tâm hồn mỗi người sau khi đọc, sống và chia sẻ với Mumi bởi qua đó, cả vẻ đẹp của cái Thiện, của sự tôn trọng, của sự chia sẻ, và cả của thiên nhiên đầy ắp trong các cuốn sách sẽ khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhõm và đáng sống hơn. Tuy nhiên, những câu chuyện về Mumi cũng không chỉ dành cho độc giả nhí. Chúng viết cả cho người lớn nữa. Trong đó, chúng ta thấy các câu chuyện cổ tích, thấy các huyền thoại, thấy yếu tố thần tiên, thấy cả yếu tố viễn tưởng và... kinh dị.
TS. Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con cho rằng: "Đọc truyện về Mumi của Jansson, tôi thấy ranh giới giữa trẻ con và người lớn thường rất mong manh. Đôi khi bọn trẻ mang trong mình những suy tính rất điềm đạm mà những người lớn lại ngây ngô nông nổi làm sao! Sự kết hợp giữa trẻ con và người lớn có lẽ cũng luôn cần cho mỗi con người chúng ta khi trưởng thành. Để hiểu nhau. Để biết sống.".
Tại hội thảo "Tove Jasson và thế giới Mumi" tại Hà Nội ngày 4/12, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: "Xung quanh nhân vật Mumi của văn chương là cả một thế giới Mumi trong đời sống xã hội, trong vật dụng hành ngày, trong các loại hình nghệ thuật, trong sinh hoạt văn hóa. Vô tình hay hữu ý thì việc này đã hình thành biện pháp quảng bá văn chương rất hữu hiệu."
Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ, Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản bộ truyện bằng tiếng Việt giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Có lẽ điều khiến bạn đọc Việt Nam dễ gần gụi nhất với tác giả Phần Lan Tove Jansson chính là ở tấm lòng nhân hậu, ước mơ sống trong một thế giới hòa hợp và hòa bình. Đó cũng chính là niềm mơ ước của chú Dế mèn mà nhà văn Tô Hoài đã sáng tạo và 70 năm qua vẫn đồng hành cùng các thế hệ bạn đọc Việt Nam.
Tove Jasson là nhà văn Phần Lan có tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới (44 ngôn ngữ), chỉ sau Elias Lönnrot. Jove Jasson vừa là nhà văn, cừa là họa sĩ, trong cả sự nghiệp của mình, bà nhận được hơn 50 giải thưởng Hans Christian Andersen (1996) - được ví như Giải Nobel cho Văn học thiếu nhi.
Theo TS. Bùi Việt Hoa, người hiệu đính bộ truyện Mumi: "Tove Jansson là một nghệ sĩ tự do và phóng khoáng nhưng lại rất nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Bà đã từng chỉ trích những người làm phim Mumi người Nhật vì đưa vào những cảnh chè chén, say sưa, bạo lực, thậm chí những nét vẽ màu không thích hợp và không như trong tranh vẽ của bà. Chính nhờ đó mà thế giới Mumi giữ được những đặc trưng riêng của thiên nhiên và cuộc sống Phần Lan: thanh bình và nhân ái.".
Mumi là tên gọi chung của các nhân vật chính trong bộ truyện dài (9 tập) và cả truyện tranh (5 tập) do Tove Jasson sáng tạo nên, mang dấu ấn sâu đậm của chú lùn Mumi trong thần thoại xứ Scandiavia mà bà được nghe từ thời thơ ấu.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta đã cho biết từ cuối những năm 1990 trở đi, Mumi càng trở nên quen thuộc và yêu thích hơn ở Phần Lan và thực sự đã trở thành biểu tượng văn hóa của quốc gia. Cho đến nay bộ truyện Mumi của Tove Jasson đã dịch ra 44 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.
Mumi chắc chắn sẽ trở thành người bạn không thể thiếu trong kí ức của những ai đã tìm đọc thực sự. Đây cũng là món quà ý nghĩa dành cho các bạn nhỏ nhân dịp Giáng sinh và năm mới đến gần.
Nguyễn Quyên