Chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao: người dùng hưởng lợi nhiều nhất
(ICTPress) - Ban chỉ đạo Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao Việt Nam (MNP) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện vừa họp phiên thứ nhất tại Hà Nội để đưa ra lộ trình thực hiện Đề án này.
Theo đó, dự kiến lộ trình thực hiện gồm 3 nội dung chính từ nay đến hết 2016 và chính thức cung cấp dịch vụ vào 1/1/2017: Hoàn thành xây dựng và kết nối Trung tâm chuyển mạng quốc gia với các doanh nghiệp viễn thông trước 30/6/2015; Cung cấp thử nghiệm dịch vụ MNP: thời gian thử nghiệm kéo dài ít nhất 6 tháng, hoàn thành trước ngày 30/6/2016 và cung cấp chính thức từ ngày 1/1/2017.
Hệ thống MNP sẽ được xây dựng theo mô hình sau:
Theo mô hình này, trung tâm chuyển mạng quốc gia kết nối đến mạng viễn thông của tất cả các doanh nghiệp thông tin di động, doanh nghiệp cố định và doanh nghiệp viễn thông cung cấp cổng báo hiệu tập trung, thực hiện 3 chức năng chính: Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ MNP dưới kết nối và quy trình tập trung, đồng bộ; Cung cấp thông tin định tuyến về thuê bao chuyển mạng cho các doanh nghiệp viễn thông; Trung chuyển bản tin trao đổi giữa các doanh nghiệp và giám sát việc chấp hành của doanh nghiệp đối với các quy định về việc cung cấp dịch vụ MNP.
Quá trình cung cấp dịch vụ chuyển mạng được mô tả dưới đây gồm 12 bước:
Theo Ban chỉ đạo, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ có 3 lợi ích chính:
Thứ nhất, sử dụng kho số sẽ hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp viễn thông xin cấp phát, phân bổ kho số phải sử dụng kho số hiệu quả, đẩy mạnh nâng cao chất lượng, giảm giá thành để giảm giá cước, mang lại lợi ích cho bản thân nhà mạng tiết kiệm chi phí sử dụng kho số. Theo đó người sử dụng được hưởng lợi thông qua qua việc nhà mạng nâng cao chất lượng, giảm giá cước.
Thứ hai, khi cung cấp dịch vụ MNP, người sử dụng được hưởng lợi nhiều nhất vì khách hàng không phụ thuộc vào họ dùng dịch vụ của mạng nào. Khách hàng đi đâu cũng có một số liên lạc gắn theo mình, dù là dùng di động, cố định, nhà mạng này hay nhà mạng khác, hay từ địa điểm này đến địa điểm khác. Một số liên lạc giống như số định danh cá nhân, rất tiện cho người sử dụng.
Thứ ba, Đề án sẽ thúc đẩy cạnh tranh bởi người dùng có thể nhà mạng này sang nhà mạng kia nên nhà mạng phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành, giá cước, thu hút khách hàng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án cho biết triển khai đề án MNP có 3 giai đoạn chính: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm cung cấp được dịch vụ MNP, đáp ứng thuê bao chuyển từ mạng này sang mạng khác; Sau khi có hạ tầng kỹ thuật, thì thử nghiệm dịch vụ và Cung cấp chính thức. Từ kế hoạch tổng thể này, Ban chỉ đạo sẽ đưa ra từng công việc cụ thể. Từng doanh nghiệp cũng dựa trên kế hoạch tổng thể đó để xây dựng kế hoạch của mình để thực hiện. Trong đề án MNP đã nêu rõ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch MNP của doanh nghiệp mình và báo cáo Bộ TT&TT, Bộ TT&TT có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn xây dựng kế hoạch.
Theo kế hoạch, sau cuộc họp lần thứ nhất, trong tháng 10/2014, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn về hạ tầng kỹ thuật của MNP và dự kiến ban hành vào tháng 11.
Được biết, châu Âu đã thực hiện MNP từ những năm 1990, châu Mỹ và Nhật Bản cũng đã thực hiện. Các nước đang phát triển đã triển khai thành công.
Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam được Bộ trưởng Bộ TT&TT ký khê duyệt ngày 23/9/2013 và Ban chỉ đạo của Đề án được quyết định thành lập ngày 15/9/2014 theo Quyết định 1316/QĐ-BTTTT do Thứ trưởng Lê Nam Thắng làm Trưởng Ban, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải làm Phó Trưởng Ban và sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam gồm VNPT, Viettel, VMS, GTel, HanoiTelecom.
HM