Xin lỗi vì đã nói… đúng!
Chùa giả, sư giả lộng hành tự ý thu nhận trẻ mồ côi nuôi dưỡng, nhận tiền quyên góp của bá tánh. Khi bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc cưỡng chế giải toả chùa giả thì sư giả đâm đơn kiện vì bị “xúc phạm uy tín danh dự”. Ấy vậy mà toà án vẫn xử cơ quan báo chí thua kiện, vì sao?
Ngày 10.01.2011, Báo Người Lao Động đăng loạt bài phản ánh các tiêu cực tại “chùa” Tiên Phước 2 (17/66/26 đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TP.HCM). Các bài báo “Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi”, “Chuyện bầy hầy ở Tiên Phước 2”, “Hãy sớm giải cứu các em”, “Đủ cơ sở đóng cửa Tiên Phước 2” đã chỉ rõ những chuyện không thể ngờ tại ngôi “chùa” giả này như: treo bảng “chùa Tiên Phước 2”, sử dụng con dấu “chùa Tiên Phước 2”, sử dụng bảo mẫu không có trình độ chuyên môn, phòng ở cho trẻ mồ côi chật hẹp, nhận tiền tài trợ từ các tổ chức nhưng không ghi phiếu thu-chi đầy đủ, để trẻ bệnh tật dẫn đến tử vong (tại bệnh viện - PV), mang quà từ thiện đi trao đổi và cho nơi khác… Báo Người Lao Động còn chỉ rõ “sư trụ trì” Nguyễn Thị Vân không có giấy phép của cơ quan chức năng về tôn giáo nhưng vẫn xây chùa, quyên góp tiền để “nuôi trẻ mồ côi, dạy học tình thương”.
Bài báo thật sự gây chấn động lương tri, đẩy lên sự căm phẫn mạnh mẽ của dư luận xã hội với những gì đang diễn ra tại “chùa Tiên Phước 2”. Ngày 14.01.2011, Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM đã có kết luận thanh tra 201-KL-TTr và kiến nghị ngành năng chấm dứt hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trái phép, chuyển toàn bộ trẻ ở “chùa Tiên Phước 2” về cơ sở nuôi dạy công lập. Và với sự chỉ đạo bằng văn bản của Chủ tịch UBND TP.HCM, UBND quận Bình Tân đã thi hành quyết định cưỡng chế giải tán cơ sở Tiên Phước 2 vào ngày 19.01.2011, mặc dù “sư trụ trì” Nguyễn Thị Vân chống đối quyết liệt và bất hợp tác.
Chùa của bà Nguyễn Thị Vân đóng cửa từ khi bị phản ánh |
Như vậy có thể thấy, từ phản ánh của Báo Người Lao Động, cơ quan chức năng là Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM đã vào cuộc quyết liệt và đưa ra kết luận 201-KL-TTr. Căn cứ vào đó, UBND quận Bình Tân đã cưỡng chế giải tán cơ sở Tiên Phước 2 trong sự đồng thuận của dư luận nhưng dĩ nhiên, vẫn có người không thể đồng thuận, đó là bà Nguyễn Thị Vân. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Vân đã kiện Báo Người Lao Động ra toà vì đã “đăng tin không đúng, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự”. Còn theo Báo Người Lao Động và phóng viên Đoàn Quý Lâm (người trực tiếp thực hiện loạt bài) thì: “Kết quả bài báo là toàn bộ trẻ mồ côi còn lại trong cơ sở trái phép này được cơ quan chức năng giải cứu để đưa về Làng Thiếu niên Thủ Đức chăm sóc. Mục đích giải cứu các em đã đạt được. Trong bài báo có câu, chữ sơ sót song các hoạt động nghiệp vụ của phóng viên đều trong khuôn khổ quy định của Luật Báo chí hiện hành. Thông tin trung thực, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân (Khoản 1, Điều 6-Luật Báo chí); phản ánh dư luận xã hội, làm diễn đàn phục vụ quyền tự do ngôn luận của nhân dân (Khoản 3, Điều 6-Luật Báo chí); khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí (Mục a, Khoản 1, Điều 15-Luật Báo chí); phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân (Mục a, Khoản 2, Điều 15-Luật Báo chí)...”.
Tuy nhiên trong bản án sơ thẩm ngày 4.4.2014 và tại phiên phúc thẩm ngày 28.7.2014, toà án đã căn cứ vào Kết luận Thanh tra của Sở LĐTBXH TP.HCM để xử cho nguyên đơn Nguyễn Thị Vân thắng kiện vì “Theo Kết luận Thanh tra, hầu như các nội dung các bài báo đều đúng; tuy nhiên cũng có những thông tin báo đưa ra không rõ ràng làm người đọc dễ hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự của bà Vân”.
Ngay sau phiên phúc thẩm, Báo Người Lao Động cho rằng: “Việc căn cứ vào Kết luận thanh tra của Thanh tra Sở LĐTBXH TP.HCM để xử cho nguyên đơn thắng kiện là không thuyết phục và cho thấy sự tùy tiện trong việc tuyên án. Thực ra, thanh tra, ở những chi tiết liên quan, chỉ nêu là “chưa đủ cơ sở” chứ không có chi tiết bác bỏ những vấn đề báo phản ánh. Thực tế, cả 2 cơ quan (báo và thanh tra) đều có hoạt động nghiệp vụ nhằm làm rõ các sai phạm gây nguy hiểm cho tính mạng và đời sống của trẻ mồ côi tại Tiên Phước 2. Tuy nhiên, phương pháp và mức độ tìm hiểu, nêu vấn đề của báo và thanh tra là không thể giống nhau. Nghiệp vụ và quyền hạn của báo chí, theo luật, cho phép phản ánh cả ý kiến, nguyện vọng của người dân; trong khi thanh tra chỉ có thể đưa ra những kết luận dựa trên bằng chứng rõ ràng (thấy và sờ được)”.
Ghi nhận trong bản án (11/2014/DS-PT) chúng tôi thấy ghi rằng “lẽ ra phóng viên phải gặp gỡ bà Vân là đối tượng bị phản ánh để nắm thêm thông tin để đưa tin bài cho chính xác và bà Vân có khiếu nại báo thì Báo Người Lao Động phải đăng đầy đủ kết luận của thanh tra sở để làm rõ nội dung...”. Và “Báo Người Lao Động phải đăng bìa cải chính xin lỗi bà Nguyễn Thị Vân trên báo in và báo điện tử”.
Trao đổi sau phiên toà, đại diện Báo Người Lao Động nói rõ: “Việc lấy thông tin chính xác về những sai phạm của đối tượng bị phản ánh từ chính họ là điều không thể; và báo chí cũng không có nghĩa vụ phải đăng đầy đủ bất cứ văn bản hành chính nào. Báo Người Lao Động đang chờ đợi bản án phúc thẩm ban hành và sẽ có những bước ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, dư luận chưa hài lòng với việc bác bỏ các điều khoản trong Luật Báo chí của toà án. Chẳng lẽ báo phải xin lỗi vì nói… đúng?”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Dương Minh Anh
Nguồn: nguoilambao.vn