"Đi một ngày đàng”- Cửa rộng mở nhìn ra thế giới

Đầu năm 2014, nhà báo Phạm Quốc Toàn ra mắt bạn đọc cuốn sách mới: “Đi một ngày đàng…” (1).

Nếu như hai cuốn sách trước(2) là những tiểu phẩm về chuyện vui buồn  trong nghề báo, trong làng báo Việt Nam thì cuốn “Đi một ngày đàng…” lại là tập bút ký ghi lại những kỷ niệm sâu sắc, những trải nghiệm, ấn tượng về những chuyến xuất ngoại. Phần lớn hành trình là vì công việc phải làm của một nhà báo. 18 bút ký về 18 quốc gia với các vùng đất thuộc nhiều châu lục. Dù hoàn cảnh nào, qua lăng kính báo chí, tác giả luôn hướng ngòi bút vào sự khám phá “Đất” và “Người” theo tiêu chí CHÂN - THIỆN - MỸ. Với gần 500 trang, “Đi một ngày đàng…” như một khung cửa rộng mở và thoáng đãng nhìn ra thế giới.

Thú du lịch

Gấp quyển “Đi một ngày đàng…” lại, cảm giác đầu tiên của tôi: nó như một cẩm nang cần mang theo nếu ta sắp đi một nước nào đó trong 18 quốc gia có trong cuốn sách. Tác giả không chỉ giới thiệu khá kỹ càng về địa lý, dân số, mà khi cần, còn giới thiệu lịch sử hình thành, chi li phân tích phong tục tập quán và những nét đặc sắc về văn hóa các dân tộc của quốc gia sở tại... Du lịch, xét cho cùng, là để chiêm ngưỡng những phong cảnh kỳ thú, khám phá những nét độc đáo về văn hóa bản xứ và gặp được những “kỳ nhân”, “quái khách”. Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhờ có kiến thức sâu rộng và trái tim mẫn cảm, đã phát hiện những điểm độc đáo ở mỗi vùng miền, tạo nên sự đa dạng và phong phú của cuốn sách.

Ảnh: Bìa sách Đi một ngày đàng...

Không phải tự nhiên mà Phạm Quốc Toàn chọn nước Nga mở đầu cuốn bút ký. Nước Nga là một trong những cái nôi văn hóa của nhân loại. Dân tộc Nga là một dân tộc vĩ đại. Nước Nga là cột trụ của một thời oanh liệt Liên bang Xô Viết. Nước Nga hiện đại với ông Vladimir Putin làm Tổng thống, đã và đang viết nên những kỳ tích của thế kỷ XX-XXI… Khi viết “Nước Nga hùng vĩ”, chắc hẳn nhà báo Phạm Quốc Toàn không thể quên những ngày ở báo Quân đội Nhân dân, trằn trọc trước trang giấy trắng, bởi những sai lầm chết người của Mikhail Gorbachyov, những hệ lụy khó lường của một Boris Yeltsin đồng bóng. Rồi khi tác giả đau đáu một nỗi niềm lúc Liên Xô sụp đổ. Tất cả những dồn nén ấy được giải tỏa phần nào khi xuất hiện một tổng thống quyết đoán,  mạnh mẽ và khôn khéo. Và do đó ngòi bút của nhà báo Quốc Toàn vùng vẫy thoải mái khi viết về “Đêm trắng”, về Tổng thống Vladimir Putin.

Tháng 3-2014, cuốn “Đi một ngày đàng…” đã lên khuôn thì đột nhiên xảy ra “sự cố Ukraina”. Mỹ và EU chưa kịp phản ứng thì Tổng thống Vladimir Putin, thể theo nguyên vọng của nhân dân Crimea, đã thu gọn mảnh đất có giá trị chiến lược tuyệt hảo này cùng với cảng Sevastopol. Vĩ thanh của bài bút ký không chỉ có tính thời sự mà còn mang âm hưởng hào sảng của khúc tráng ca: “…Bất chấp các đòn “trừng phạt” kinh tế, đe dọa cô lập cả chính trị và thương mại của Mỹ và các nước EU, Điện Kremlin vẫn bình tĩnh, tự tin đón nhận bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, theo ý nguyện của 96% người dân Crimea sau kết quả trưng cầu dân ý ngày 16-3-2014. Các bước đi của người Nga tại Crimea bản lĩnh, bài bản…”.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn chọn nước Nga, một quốc gia rộng nhất hành tinh, có dân số đứng thứ 3 thế giới để mở đầu và sau cùng lại chọn một nước diện tích chỉ bằng huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) với dân số vẻn vẹn 5 triệu để kết thúc cuốn sách. Vì sao? Vì quả thật nước Singapore nhỏ bé nhưng lại là con Rồng điển hình của châu Á! Ở Quốc đảo này có một kỳ nhân: Lý Quang Diệu. Năm 1965, xứ Singapore chơi vơi, nghèo nàn mới tách khỏi Malaysia; ấy vậy mà, chỉ trong hơn một thập kỷ, ông Lý Quang Diệu  đã biến đổi nó toàn diện. Ở đây, ngòi bút của nhà báo rất khôn ngoan khi xoay quanh chủ đề quy hoạch lại đất nước và đào tạo lại nhân tài, trong đó anh giành những lời tốt đẹp cho vị kiến trúc sư tài ba họ Lý.

Sang Mỹ là một chuyến đi thú vị nhưng phải cẩn trọng bởi đất nước có “nữ thần Tự do” này chắc chắn có nhiều cái hay và cũng không ít cái… chưa hay! Nếu yếu bóng vía sẽ bị coi thường, nếu “cứng nhắc” sẽ là “ông đồ gàn”, cũng có nghĩa là thiếu bản lĩnh. Nhà báo Phạm Quốc Toàn vốn dĩ là nhà bình luận thời sự từ khi bom đạn Mỹ trùm khắp hai miền Nam - Bắc Việt Nam, và cũng đương nhiệm khi Việt-Mỹ “gác lại quá khứ - hướng tới tương lai”. Và anh đã chọn cái tít khá hay cho bài viết: “Nước Mỹ và nền báo chí “nữ thần tự do”. Cùng với những khám phá về cảnh và người, về một nền báo chí phát triển trên miền đất lạ, nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu nghiệp vụ với những câu hỏi khá hóc búa, bản lĩnh và sòng phẳng giữa chủ và khách đã mang lại hứng thú cho người đọc.

Trung Quốc lại mang đặc điểm phức tạp khác. Sau “Cách mạng văn hóa”, Trung Quốc thực hiện cải cách và thu được những kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng có những hành động đối ngoại mang tính cường quyền, nhất là với các nước láng giềng, bất chấp luật pháp quốc tế. Tư tưởng “bành trướng Đại Hán” là căn bệnh nan y, nó khiến nhà cầm quyền “nóng”-“lạnh” thất thường. Trong lời dẫn bài “Trung Quốc-cơ hội và thách thức”, tác giả viết: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước anh em có truyền thống lâu đời, nhưng ít ai ngờ đất nước “núi liền núi sông liền sông” với Việt Nam, nhưng ngày 17-2-1979, 60 vạn quân chính qui Trung Quốc lại ào ạt tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam! Và gần đây, Trung Quốc lại tưởng tượng ra đường lưỡi bò-chín đoạn,“ngoạm” lấy gần trọn biển Đông làm của riêng mình?...”.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn cũng như anh em cầm bút khác của Việt Nam, từ trong sâu thẳm của mình, thấm đẫm tình hữu nghị Việt-Trung, và do đó cực đau mỗi khi Trung Quốc gây sự “huynh đệ huých tường”(3). Sách của Phạm Quốc Toàn in chưa ráo mực thì  xảy ra chuyện dàn khoan “khủng” của Trung Quốc Hải Dương - 981 được tàu chiến và máy bay hộ tống “trôi” vào sâu vùng biển Việt Nam. Thời đại ngày nay, làm gì có cái lý “Tôi bảo của tôi là của tôi-bất khả tư nghị(4) ”? Giá như sách anh Quốc Toàn ra trễ vài tuần, chắc chắn đoạn cuối của bài “Trung Quốc, cơ hội và thách thức” sẽ có những dòng phẫn hận!

Cùng với nhà báo xứ Nghê tại 18 quốc gia, tôi luôn thấy hào hứng, ăn luôn ngon miệng vì anh biết chọn những cảnh quan độc đáo, những con người nhân văn và những món ăn đặc sản hợp khẩu vị. Cùng với những điều mắt thấy tai nghe, anh còn huy động vốn sống, vốn hiểu biết để “vừa đi đường vừa kể chuyện”. Ở St. Peterburg là trận chiến ác liệt chống phát xít Đức thế chiến thứ 2, là dòng Neva trong vắt và bảo tàng Ermitage trứ danh. Ở Hà Lan là bạt ngàn hoa, là 700 con kênh và khu phố “Đèn đỏ”. Ở Australia là chuyện phun thuốc diệt khuẩn trước khi xuống máy bay. Ở đất nước Triệu Voi là Champasak có “Thác Khôn cười trắng xóa” v.v…

Những điều mới lạ trong làng báo các nước:

Là  Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phạm Quốc Toàn có nhiều điều kiện giao lưu cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước. Dù điểm đứng tác nghiệp có khác nhau nhưng có ba điều các nhà báo buộc phải có. Đó là: đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp trong hành nghề và phương tiện làm việc. Nhà báo Phạm Quốc Toàn chọn cho mình ba điểm chung đó khi bàn về nghề báo-cái nghề nguy hiểm, với các bạn đồng nghiệp nước ngoài, rút ra những kinh nghiệm quí báu về góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại.

Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thái Lan có quan hệ thân tình từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX với tình thân của hai nhà trí thức tiêu biểu là Tướng Trần Công Mân và ông Bandhit Rajavatandhanin. Cuộc giao lưu nghề nghiệp của hai tổ chức báo chí hai nước, qua ngòi bút của Phạm Quốc Toàn, diễn ra nhiều lần và ngày càng tâm đắc. Chỉ với hai chi tiết lựa chọn, ta thấy hiện lên rõ nét tình thân ấy. Một là ông Badhit Rajavatandhanin thỉnh chuông tại ngôi chùa thiêng ở Chiang Mai cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho ông Trần Công Mân qua cơn bạo bệnh; và hai là, không khí đoàn nhà báo Việt Nam-Thái Lan trao đổi về đạo đức người làm báo.

Có 3 cuộc xuất ngoại công tác của nhà báo Phạm Quốc Toàn, theo tôi, là khó khăn. Đó là lần tác giả cùng đoàn ngoại giao sang Thụy Sĩ, sang Na Uy đối thoại về nhân quyền và lần sang Mỹ trao đổi thẳng thắn về quyền tự do hành nghề truyền thông. Trong các cuộc trao đổi thẳng thắn ấy, cả hai bên đều lật bài ngửa. Những câu hỏi hóc búa được nêu lên và cần lời giải đáp có sức thuyết phục.

Trong bài “Nụ cười dòng sông băng”, tác giả có hẳn một chương mang tựa đề khá chói: “Nhân quyền của ai, cho ai?”. Phạm Quốc Toàn thẳng thừng nhận xét: “Báo chí Hoa Kỳ-báo chí của đất nước “Nữ thần tự do”, tưởng là tự do, nhưng trên thực tế chẳng có tự do theo đúng nghĩa của nó. Nếu có ai viết bài tiết lộ những điều hệ lụy, đụng chạm đến điều “cốt lõi” liên quan đến sự tồn vong của thể chế chính trị Hoa Kỳ, hãy coi chừng, cảnh sát sẽ vào cuộc ngay”. Mặt khác, tác giả rất công bằng và đầy thiện chí, khen những cái hay của làng báo Mỹ: “Quan sát, lắng nghe bầu không khí dân chủ trong trao đổi, tranh luận, phản biện, quyết định nội dung cho một số báo, chúng tôi cảm nhận được tính chuyên nghiệp, kỷ luật và sự nghiêm túc trong tác nghiệp, trong thẩm định và xử lý thông tin, sự quyết đoán của người đứng đầu”.

 ***

“Đi một ngày đàng…” là để học ở bạn bè đồng nghiệp xa gần cái hay, cái đẹp. Bởi vậy, tới đâu Phạm Quốc Toàn cũng dụng công tìm tòi những điều mới lạ trong làng báo của các nước và nơi nào cũng có những nhà báo tiêu biểu để anh khắc họa chân dung. Bản lĩnh, sự tận tụy, ý thức kỷ luật, tính chuyên nghiệp là điều kiện tiên quyết giúp tác giả “Đi một ngày đàng …” thành công.

                                                                                 TP. Hồ Chí Minh, ngày 14-5-2014 

Khánh Tường

Nguồn: nguoilambao.vn

Tin nổi bật