Báo Mỹ: Việt Nam là đối thủ rất khó chịu của Trung Quốc

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), thực ra Việt Nam không bị động trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Thậm chí, việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông cũng đã được lường trước.

Trong bài viết có tiêu đề “Vietnam Seeks to Be a Tough Adversary to China” (Việt Nam đang trở thành một đối thủ khó chịu của Trung Quốc), nhật báo kinh tế - tài chính hàng đầu của Mỹ cho rằng ngoài yếu tố dư luận quốc tế và phản ứng của các nước trong khu vực, yếu tố khiến cho Bắc Kinh phải hết sức cân nhắc trước khi đe dọa các lợi ích của Việt Nam là tiềm lực quân sự tiên tiến, đặc biệt là các hệ thống hải quân.

Lễ thượng cờ trên tàu ngầm HQ-182 của Việt Nam.

Cũng giống như nhiều nước láng giềng, Việt Nam có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, khu vực được cho là có trữ lượng năng lượng khá lớn. Trong thập niên 70 (năm 1974) và thập niên 80 (năm 1988) của thế kỷ trước, Trung Quốc đã nhiều lần tiến công và cướp đoạt một số đảo của Việt Nam. “Nhưng các cuộc đụng độ cũng không phải lúc nào cũng mang lại chiến thắng một chiều cho Trung Quốc, điển hình là bài học năm 1979”, tờ Wall Street Journal lấy ví dụ.

Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: “Việt Nam đã đặt mua các loại vũ khí, khí tài mới, coi đó là công cụ răn đe và để minh chứng rằng, nếu nước này bị ép một cách thô bạo, họ sẽ có thể khiến đối thủ phải ân hận”.

Hạm đội tàu ngầm mới của Việt Nam, gồm 6 tàu ngầm Kilo của Nga, sẽ là viên đá quý trên vương miện phòng vệ của Việt Nam khi hoàn tất và hoạt động. Nhưng tới nay mới chỉ có 2 tàu được giao, và chắc chắn các tàu này sẽ không thể hoạt động hết chức năng một sớm một chiều.

Kể cả khi cả lô hàng này được giao, Việt Nam vẫn còn thua kém Trung Quốc nhiều, khi xét về sức mạnh quân sự. Trung Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình và vượt trội so với Việt Nam, đặc biệt là về hải quân. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân Trung Quốc hiện sở hữu 60 tàu khu trục và tàu chiến nhỏ, và 35 tàu ngầm tiến công, tất nhiên không phải tất cả số tàu này thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Việt Nam đang hoạt động trong khu vực quân cảng Cam Ranh

Việt Nam có nhiều loại vũ khí quân sự hiện đại ngoài các tàu ngầm này, trong đó có tàu khu trục nhỏ Gepard 3.9 và 10 tàu tấn công nhanh Molniya từ Nga, cũng như hai tàu hộ tống hiện đại nhất hiện nay mua của Hà Lan. Các tàu này đều thuộc loại tốc độ nhanh. Và trong một số trường hợp có thể tàng hình được trang bị các tên lửa chống tàu có thể ngăn chặn các tàu của Trung Quốc tiếp cận các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nga hiện cũng đang giúp Việt Nam xây dựng cơ sở sản xuất tên lửa chống tàu ở trong nước, đồng thời cung cấp cho lực lượng không quân Việt Nam các máy bay tấn công Sukhoi Su-30MK2 hiện đại.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tính toán một loạt các máy bay chiến đấu của châu Âu, trong đó có Eurofighter Typhoon và Gripen do Tập đoàn công nghiệp SAAB của Thụy Điển sản xuất với hy vọng tăng cường thêm sức mạnh trên không. Việc có thêm các máy bay châu Âu tân tiến này có thể sẽ giúp Hà Nội có được một lợi thế quan trọng đối với Bắc Kinh, vốn vẫn không thể mua các trang thiết bị của phương Tây do lệnh cấm vận. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tự phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của riêng mình.

Theo nhận định của ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) tại châu Á, Việt Nam sẽ không xây dựng một kho vũ khí để ganh đua với Trung Quốc, nhưng Việt Nam quyết tâm nỗ lực hiện đại hóa quân đội vừa đủ để có thể định hình cách hành xử trong tương lai của Trung Quốc.

Ông Huxley nói, “những người Việt Nam là những khách hàng nghiêm túc”, những người có lịch sử kháng chiến chống lại cả Mỹ và Trung Quốc trong thập kỷ 1960 và 1970 vẫn hiển hiện trong nhận thức. “Việt Nam không bao giờ đủ sức đánh bại Trung Quốc”, ông Huxley nhận định, “nhưng họ có thể tạo ra một sức kháng cự đáng kể”.

Cũng theo vị chuyên gia này, “Bắc Kinh không thể chắc về thời điểm nào Việt Nam sẽ phản ứng quân sự”. Sự không chắc chắn đó sẽ là một sự kiềm hãm đối với các hành động của Trung Quốc mà có thể khiến Việt Nam có các hành động mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, việc tăng cường thực lực quân sự của Việt Nam để chống lại Trung Quốc khác biệt hoàn toàn với một số láng giềng khác của Trung Quốc cũng có liên quan tới các đụng độ về lãnh thổ, chẳng hạn như Philippines, nước đang kiện Trung Quốc ra tòa án ở The Hague, cáo buộc các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Một số người tại Việt Nam tự hỏi rằng liệu chỉ tăng cường sức mạnh quân sự có đủ để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc. Ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới quốc gia của Việt Nam nhận định: “Việt Nam cần thực hiện các bước đi ngoại giao mạnh mẽ hơn. Có thể đây là lúc Việt Nam phải nhanh chóng kiện Trung Quốc tại Liên hợp quốc”.

Tuy nhiên, ông Ian Storey cho rằng sự phản của Trung Quốc đối với đề nghị ra tòa của Philippines nhiều khả năng sẽ thuyết phục Việt Nam rằng nước này cần phải tăng cường cách tiếp cận quân sự của mình, và đặt mua thêm nhiều vũ khí. “Các sự kiện như việc triển khai giàn khoan của Trung Quốc đơn thuần sẽ là thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam”, ông Ian Storey nói.

Trần Phong

Infonet

Tin nổi bật