Đọc lại bài báo đoạt giải B báo chí Quốc Gia 2013
Tối 21-6, đúng ngày kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lễ trao giải Báo chí quốc gia đã được tổ chức trang trọng tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội.
Trong đêm trao giải, Tác phẩm "Thuế báo chí - Cần một cái nhìn chuẩn mực" của tác giả Trần Lan Anh (Khánh An, Nguyên Huy) – Chi hội Nhà báo Báo và Tạp chí, Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã lên nhận giải B.
Nhóm tác giả đoạt giải B (Ảnh:Tuổi Trẻ) |
Congluan.vn trân trọng giới thiệu lại tác phẩm báo chí Thuế báo chí - Cần một cái nhìn chuẩn mực
Tại dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP chỉ cho phép tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của cơ quan báo chí là 1 lần tiền lương trả cho người lao động, phần còn lại lấy từ lợi nhuận sau thuế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phần thu nhập phải chịu thuế TNDN của cơ quan báo chí. Cũng theo các báo thì thời gian qua, hoạt động phát hành báo hầu như không có lãi, thậm chí lỗ, còn hoạt động quảng cáo lại tách riêng để tính theo mức thuế suất 25%, không cho bù trừ chi phí với hoạt động phát hành. Do đó, mức thuế suất 25% là quá cao.
Với những lý do đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế đối với hoạt động báo chí trên nguyên tắc: các báo được dùng thu nhập từ hoạt động quảng cáo để bù đắp chênh lệch chi lớn hơn thu (nếu có) của hoạt động báo chí trước khi xác định thu nhập tính thuế TNDN, đồng thời vận dụng cách xác định thu nhập tính thuế TNDN phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ quan báo chí và hướng dẫn các báo được trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
Theo phân ngành kinh tế quốc dân của Tổng cục Thống kê, báo chí được xếp vào lĩnh vực văn hóa, tuy nhiên đến nay, thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí vẫn ở mức 25%. Có ý kiến cho rằng, nên thay đổi mức thuế suất thuế TNDN áp dụng để tạo điều kiện cho kinh tế báo chí phát triển.
Báo chí: Cần chính sách thuế hợp lý hơn
Không phủ nhận Quốc hội, Chính phủ đã có sự ưu đãi nhất định về thuế đối với báo chí, như không thu thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu từ xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành. Tuy nhiên, sự ưu đãi về thuế là chưa đủ để báo in tăng sức cạnh tranh với các phương tiện thông tin truyền thông khác; chưa đủ để các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng ấn phẩm nhằm đấu tranh trực diện với những thông tin độc hại, phản cảm, phi văn hoá, thậm chí là phản động xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet trong thời đại bùng nổ thông tin.
Theo số liệu tại Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế do Bộ Công thương thực hiện năm 2012, thị trường quảng cáo tại Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Nếu như năm 2008, tổng doanh thu của thị trường quảng cáo mới đạt 9.057 tỷ đồng, thì đến năm 2011 đã đạt 17.206 tỷ đồng và theo ước tính, vào năm 2015, tổng doanh thu quảng cáo sẽ đạt trên 24.000 tỷ đồng cùng với sự góp mặt của trên 4.000 DN cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Thị trường quảng cáo tăng trưởng 20-30%/năm, nhưng doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo in lại tăng trưởng rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 2.332 tỷ đồng, chỉ tăng 13% so với năm 2008. Như vậy, nếu trừ đi tốc độ lạm phát trong 5 năm vừa qua là 63% thì doanh thu quảng cáo trên báo in giảm khoảng 25%.
Cả nước hiện có trên 780 cơ quan báo in với hơn 1.000 ấn phẩm đang phải chia nhau “miếng bánh quảng cáo” quá nhỏ, chỉ chiếm 13% tổng doanh thu quảng cáo trên báo chí và khó có thể nâng được thị phần trước sự cạnh tranh quyết liệt của truyền hình (chiếm 81% thị phần), báo điện tử (chiếm 5% thị phần) nếu không có cơ chế đặc thù về thuế đối với báo in.
Với mức thuế suất 10%, hiện ngân sách cũng chỉ thu được khoảng 233 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng từ hoạt động quảng cáo của báo in - số tiền quá nhỏ nếu đem so với khoản tiền mà các cơ quan thụ hưởng ngân sách chi tiêu không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ (năm 2012, Kho bạc Nhà nước tạm dừng chưa thanh toán trên 800 tỷ đồng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức). Nhưng số tiền này lại đủ lớn để hỗ trợ các cơ quan báo in nâng cao chất lượng ấn phẩm, cải thiện đời sống cho người làm báo, tăng sức cạnh tranh trong thu hút quảng cáo với Internet và truyền hình.
Luật Thuế Thu nhập DN và Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các quy định về thuế suất, ưu đãi thuế đối với cơ quan báo chí nói chung, báo in, tạp chí nói riêng. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi xem xét sửa đổi Luật Thuế Thu nhập DN và Luật Thuế Giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, Quốc hội cần cân nhắc tính đặc thù của báo chí để ưu đãi thuế như đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường để áp thuế thu nhập DN với thuế suất 10%. Coi doanh thu quảng cáo của báo in, tạp chí như doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh, dịch vụ bưu chính, dạy học, dạy nghề… để đưa vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Báo chí rất cần có sự ưu đãi về thuế hợp lý mới thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình. Tổng biên tập một số cơ quan báo chí lớn cho biết, họ mong muốn có một cuộc đối thoại với các cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách thuế với báo chí, nhằm góp phần làm cho luật pháp của nước ta trở nên hoàn thiện, công bằng và bình đẳng hơn.
N.Huy
Trong thời gian gần đây, kinh tế báo chí trở thành vấn đề được các cơ quan báo chí hết sức quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay, chúng tôi cho rằng, để báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực sự là vũ khí của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, vấn đề kinh tế báo chí cần được nhìn nhận, đánh giá một cách sâu sắc, đầy đủ hơn, để từ đó có sự điều chỉnh chính sách tài chính đối với cơ quan báo chí phù hợp hơn với tình hình thực tế. Qua trao đổi với lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, chúng tôi thấy đây cũng là nguyện vọng chung của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo in. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Nhà nước nên hỗ trợ các cơ quan báo in bằng việc cấp trở lại một phần thuế thu nhập DN đã thực nộp vào ngân sách Nhà nước để đầu tư cho phát triển, đồng thời nên cho phép các cơ quan báo chí được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với DN quy mô vừa và nhỏ. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách nói trên sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình. Ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Kinh tế báo chí, câu chuyện cần được giải quyết thấu đáo
Là người rất quan tâm đến vấn đề kinh tế báo chí, TS. Nguyễn Anh Tuấn- Tổng Biên tập Báo Đầu tư- đã có những phân tích rất sâu sắc thuế báo chí.
Chủ trương khuyến khích các cơ quan báo chí tự trang trải tài chính là đúng đắn nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhưng đây là một công việc hoàn toàn không dễ dàng đối với các cơ quan báo chí. Để trang trải chi phí sản xuất, các cơ quan báo chí thực hiện kinh doanh thông qua hoạt động phát hành và quảng cáo. Kết quả kinh doanh tùy thuộc vào nhiều yếu tố, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Liên tiếp trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy giảm kinh tế trong nước đã tác động rất lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các cơ quan báo chí hoạt động tự chủ, tự trang trải về tài chính. Theo thống kê sơ bộ của Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong số hơn 600 tờ báo đang hoạt động, chỉ có khoảng 50 tờ cân đối được thu - chi và có lãi. Ngay cả đối với 50 đơn vị này cũng có năm lãi, năm lỗ. Khi có lãi phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khá cao nhưng khi lỗ, khó có thể được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Luật Báo chí đã xác định Báo chí “là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân” với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận xã hội. Như vậy, Báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Xét về cả tính chất, chức năng và nội dung hoạt động, cơ quan báo chí không thể được xem là một doanh nghiệp thuần túy, bởi vì doanh nghiệp được thành lập là để kinh doanh còn cơ quan báo chí phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là một thứ sản phẩm có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ, sản phẩm báo chí là sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao. Do đó, việc quy định báo chí nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thuần túy là chưa hợp lý.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã điều chỉnh một số chính sách tài chính nhằm tạo thêm thuận lợi cho các cơ quan báo chí. Đặc biệt, Thông tư số 150/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ Tài chính đã cho phép các cơ quan báo chí được hạch toán đầy đủ tiền lương vào chi phí hợp lý, qua đó thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ quan báo chí giảm đi so với trước. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan báo chí vẫn phải nộp thuế TNDN với mức thuế suất 25% là mức cao nhất trong các mức thuế suất.
Chúng tôi kiến nghị cần xem xét áp dụng thuế suất ưu đãi đối với cơ quan báo chí ở mức 10% để có điều kiện tích lũy, đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên và đầu tư cho công tác đào tạo. Trong tình hình khó khăn hiện nay, các cơ quan báo chí cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước thông qua các chính sách, trong đó có chính sách về thuế nhập khẩu giấy in báo.
Giảm thuế không giảm thu ngân sách
Tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, trong báo cáo tổng hợp chung của ba cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo VN tại hội nghị cho hay về hoạt động kinh tế báo chí đang gặp nhiều khó khăn. Khá nhiều doanh nghiệp làm ăn sa sút, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí.
Cụ thể, theo thống kê bước đầu, tổng doanh thu quảng cáo trên báo chí năm 2012 ước đạt 18.600 tỉ đồng (gần 900 triệu USD), tăng gần 30% so với năm 2011, tuy nhiên tăng chủ yếu từ khối các đài truyền hình, phát thanh - truyền hình và một số ít cơ quan báo chí có khả năng chi phối thông tin và thị trường quảng cáo từ nhiều năm nay. Đáng chú ý là quảng cáo trên báo điện tử và các đài phát thanh vẫn chưa có bước chuyển đáng kể. Khó khăn về tài chính, về nguồn thu quảng cáo khiến nhiều cơ quan báo chí phải giảm kỳ xuất bản, giảm số lượng phát hành...
Liên quan đến hoạt động kinh tế báo chí, tại hội nghị nhiều đại biểu đề cập đến việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cần có nội dung bổ sung quy định ưu đãi về thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo). Ông Nguyễn Quang Thông (Tổng biên tập báo Thanh Niên) nói: “Khi chúng ta đang tiến hành hội nghị ở đây thì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang cho ý kiến về dự thảo luật, sắp tới sẽ trình Quốc hội. Dự thảo luật có điều khoản rất mới và rất phấn khởi cho khối báo in. Đó là đề xuất về thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) thay vì ở mức 25% được đề nghị giảm xuống 10%”. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết đề nghị này cũng là kết quả của văn bản do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo VN chính thức gửi các cơ quan chức năng.
Theo quy định của Luật Báo chí thì sản phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa. Báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Thực tế trong thời gian vừa qua, hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo chí đều bị lỗ, phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Đặc biệt, đối với các báo in, số liệu thống kê trong năm 2011 cho thấy, cả hoạt động phát hành và hoạt động quảng cáo cũng bị lỗ.
Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo trong hoạt động báo in, tạo điều kiện giúp cơ quan báo có nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 Luật Thuế TNDN theo hướng bổ sung quy định thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí (được thành lập và hoạt động theo Luật Báo chí) được áp dụng mức thuế suất 10% (những hoạt động khác của cơ quan báo chí như chuyển nhượng bất động sản, tổ chức sự kiện, kinh doanh khách sạn, du lịch... thì nộp theo mức thuế suất quy định chung đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các loại hình tương tự).
Giảm thuế cho cơ quan báo chí, giúp cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động tốt, vận hành hiệu quả, mang lại lợi ích cho bản thân và lợi ích to lớn hơn cho xã hội, đồng thời, nuôi dưỡng được nguồn thu... Đó chính là sự nhìn xa trông rộng của các nhà làm chính sách, giảm thuế nhưng không giảm thu ngân sách.
K.A
*Nhà báo Đinh Đức Lập- Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết:
Cần phải sắp xếp và phân loại hệ thống báo chí của chúng ta hiện nay ra thành từng nhóm với những tiêu chí cụ thể: về tôn chỉ mục đích, về trách nhiệm tuyên truyền chính trị, văn hóa thuần phong mỹ tục và về trách nhiệm xã hội, về vai trò và hiệu quả hoạt động… căn cứ vào đó để xem xét việc đánh thuế. Việc thu thuế báo chí như hiện nay là cào bằng, và đánh đồng tất cả, rất thiệt thòi cho một bộ phận cơ quan báo chí và dễ đẩy báo chí đến chỗ buộc phải “xa rời tôn chỉ, thương mại hóa” để tồn tại.
*Nhà báo Nguyễn Như Phong- Tổng biên tập báo Năng lượng mới:
Thuế báo chí như hiện nay là một điều vô lí. Trừ những tờ báo được Nhà nước nuôi, cấp kinh phí bằng tiền hoặc bằng cơ chế (bắt buộc các đơn vị phải mua) thì khác, còn các tờ báo ngoài thị trường để sống được là rất khó khăn. Thế cho nên cần phải chia các tờ báo ra, loại báo nào, ấn phẩm nào cần khuyến khích không đánh thuế, thậm chí phải khuyến khích để cho phát triển, tạo điều kiện ưu đãi về cấp vốn, về các cơ chế phát hành báo…
*Nhà báo Lê Quốc Vinh- Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Le Group:
Xét về sự bình đẳng giữa các tổ chức kinh doanh có lợi nhuận và trách nhiệm xã hội, tôi ủng hộ việc báo chí cũng phải nộp thuế như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, thuế suất bao nhiêu thì phải bàn. Chính sách thuế phải đảm bảo cho báo chí có cơ hội tồn tại và không buộc phải đánh mất mình để duy trì sự tồn tại. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đánh vào lợi nhuận của cơ quan báo chí, nên áp dụng thuế suất dành cho các loại hàng hoá ưu tiên.
NB Nguyễn Tiến Thanh- Tổng Biên tập báo Đời sống & Pháp luật:
Trong điều kiện thực tế hiện nay, cần nhìn nhận báo chí như một lĩnh vực khuyến khích đặc biệt, hoặc được coi là lĩnh vực cần khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá (giống như xã hội hoá văn hoá, y tế, giáo dục,...) và cơ quan báo chí cần được áp dụng thuế suất ưu đãi với mức thuế suất thuế TNDN tối đa là 10%.
Nguồn: congluan.vn