Nhà báo Thông tin và Truyền qua những chuyến đi
(ICTPress) - Ai đó đã nói rằng “Cuộc đời là những chuyến đi”. Điều này càng đúng với các nhà báo, đi để viết và sáng tạo những tác phẩm báo chí. Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 xin có đôi dòng về các nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và những chuyến đi.
Những chuyến đi không thể nào quên
Nhiều năm qua các nhà báo TT&TT đã có nhiều chuyến đi ý nghĩa. Nhưng đặc biệt nhất, ấn tượng nhất có thể kể đến hàng chục nhà báo TT&TT đã được đến với quần đảo Trường Sa và mới đây nhất cũng đã có phóng viên đến với “điểm nóng” Hoàng Sa. Kết quả của những chuyến đi là nhiều tác phẩm báo chí về Trường Sa đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo của Ngành.
Ngọc Khôi, Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, tham gia đoàn công tác đi thăm Quần đảo Trường Sa năm 2012 cho biết cảm xúc: “Được trực tiếp gặp quân dân trên các điểm đảo ở Trường Sa, nghe và thấy những câu chuyện đời thường nơi đảo xa, tôi cảm nhận những gì mình đã biết trước đây chỉ là một góc rất nhỏ so với thực tế từ chuyến đi này. Và với những câu chuyện đời thường đó, chính những người dân, những lính đảo Trường Sa đã giúp tôi trưởng thành hơn sau chuyến đi”.
Lê Trọng Hiếu, phóng viên quay phim Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT trong chuyến công tác lần đó đã xúc động chỉ nói một câu duy nhất về ấn tượng nhất chuyến đi: “Đã là công dân Việt Nam, nếu có cơ hội hãy ra Trường Sa ít nhất 1 lần”.
Kiên Trung, phóng viên Vietnamnet, đã viết mở đầu một bài báo: Tôi năm nay 31 tuổi. Tôi được ra Trường Sa lần đầu tiên trong đời, sau rất nhiều ngày tháng ấp ủ. Cảm xúc của tôi như thế nào, có lẽ không nói các bạn cũng hiểu…
Đọc bài báo của Trung, bạn đọc xúc động với những dòng viết: “Những con người Trường Sa tôi gặp, còn hơn cả những đồng bào ruột thịt. Mỗi con người Trường Sa tôi gặp, với tôi, mỗi người là một pháo đài, kiên trung, bền chắc đến lì lợm, như những cây pơ-mu khổng lồ mọc giữa biển khơi”.
Năm đó, một nhà báo từ Thái Nguyên đã viết về các nhà báo ngành và Kiên Trung: Từ những chuyện rất đời thường như: cây xanh, nước ngọt, họa sĩ vẽ về đảo, sư thầy ra đảo, lễ Phật đản ở Trường Sa, những chú chó ở Đá Lát, đôi chim bồ câu ở Đá Tây,… qua tay Kiên Trung, đều sống động và đầy cảm xúc. Đồng nghiệp í ới gọi nhau đọc rồi trầm trồ: “Cùng đi với mình, mà sao nó quan sát nhanh, viết tài thế nhỉ?”
Nhà báo Kiên Trung đã “thu hoạch” kha khá từ chuyến đi với khoảng 20 bài viết đăng trên báo điện tử VietnamNet và mới đây lại có thêm những bài viết mới về Trường Sa sau chuyến tác nghiệp tháng 4/2014.
Nhà báo TT&TT ghi lại những hình ảnh nơi đầu sóng ngọn gió (Ảnh: Vũ Anh Tuấn) |
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Hải Đường, Trưởng đoàn công tác số 7 năm 2012 đã đánh giá cao nhất các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa vì những hoạt động không ngừng nghỉ kể cả khi các đoàn khác, thành viên khác trong đoàn đã nghỉ ngơi. Đặc biệt, ông cảm động khi biết các nhà báo TT&TT đã dành những phần tiền tiết kiệm cá nhân để gửi ra Trường Sa, trực tiếp trao tặng, giúp đỡ các chiến sỹ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như lực lượng không quân tại đảo Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Đá Lát, Tốc Tan, An Bang, nhà giàn DK1... và xây dựng chùa trên đảo Trường Sa lớn.
Trong chuyến đi thăm Trường Sa năm 2013, 5 nhà báo TT&TT vất vả hơn bởi đi vào mùa bão tố. Nhà báo Hồng Chuyên, Báo Bưu điện đã ghi lại một trong những khoảnh khắc của chuyến đi đó: Càng về những ngày cuối biển càng gầm gào hơn. Đến đảo Sinh Tồn Đông sóng lớn, mưa to. Khi đoàn phóng viên đã mặc áo phao chỉnh tề chờ lên xuồng vào đảo, thấy tình hình nguy hiểm, Trưởng đoàn công tác quyết định không đưa phóng viên lên đảo mà chỉ dám đưa thân nhân lên. Chỉ có phóng viên Mạnh Vỹ (Tạp chí CNTT&TT) trà trộn vào thân nhân và xuống xuồng vào đảo. Những phóng viên còn lại, đến bây giờ vẫn cảm thấy nuối tiếc vì không vào được đảo nhưng cũng không quên được cảnh lên xuống xuồng hôm đó. Tiếng hò hét chỉ huy, những bước chân lẩy bẩy của thân nhân lần đầu xuống xuồng. Chiến sĩ Hải quân phải bắt chân từng người đặt vào thành xuồng đang liên tục lắc lư vì sóng.
Chuyến công tác nơi đầu sóng ngọn gió khiến những nhà báo cùng ngành đã trở nên thân thiết như những người ruột thịt. Nhà báo Hồng Chuyên mỗi lần gặp nhau sau chuyến đi lại nói sẽ không bao giờ quên những cử chỉ ân cần của nhà báo Mạnh Vỹ đã bưng từng bát cháo, vừa đi vừa thổi rồi hòa từng cốc nước đường chăm chút những người bị say sóng như tôi. Chỉ có nơi đầu sóng ngọn gió, nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mới hiểu được tình đồng nghiệp quý giá như thế nào.
Sẵn sàng tác nghiệp (Ảnh: PV) |
Mới đây nhất, nhà báo Hồng Chuyên đã có mắt tại “điểm nóng” Hoàng Sa. Nhà báo Hồng Chuyên đã kể lại: ở nơi ấy, hàng ngày chúng tôi được chứng kiến sự hung hãn, nghênh ngang côn đồ của tàu Trung Quốc. Tôi đã thấy những cái vồi rồng (pháo nước) từ tàu Trung Quốc bắn vào tàu Việt Nam. Ngày 1/6, biên đội tàu của chúng tôi 3 lần bị tàu Trung Quốc uy hiếp, cản trở. 16 giờ 23 phút ngày 1/6, tàu Trung Quốc đã điên cuồng phun vòi rồng vào tàu chúng tôi, sau đó chủ động đâm va vào tàu Cảnh sát biển (CSB) 2016 của chúng tôi. Khi đâm va, tàu nghiêng nhẹ, chúng tôi đang đứng trên tàu chao đảo. Sau khi đâm xong tàu Trung Quốc còn tiếp tục uy hiếp cản trở tàu của chúng tôi đến gần 1 giờ. Con tàu cảnh sát biển mở hết tốc lực tránh đâm va, lúc đấy bản thân phóng viên như chúng tôi ra biển, lần đầu tiên bị tàu Trung Quốc đâm va thoáng chút lo lắng, bàng hoàng. Nhưng nhìn anh em cảnh sát biển bình tĩnh mưu trí lại thấy yên tâm rất nhiều. Với tôi, thời khắc ấy sẽ mãi không bao giờ quên trong đời làm báo của mình.
Hoàng Sa, Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng, ai cũng muốn đến đó dù chỉ một lần. Tôi may mắn là người được đặt chân đến hai nơi ấy, trong hai năm liên tiếp, nhà báo Hồng Chuyên đã xúc động cho biết.
Kinh nghiệm làm báo từ chính đồng nghiệp những chuyến đi
Qua nhiều năm làm báo, kinh nghiệm cho thấy việc học hỏi từ những đồng nghiệp sẽ hiệu quả nhất và nhanh nhất.
Nhà báo Trần Bình Tám, Trưởng đoàn nhà báo TT&TT năm 2012, lần thứ hai đi Trường Sa cho biết dường như mỗi nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa trong chuyến đi đều cảm thấy như không đủ thời gian, chạy đua với thời gian để kịp ghi chép lại tất cả. Từ trải nghiệm đặc biệt trong chuyến công tác lần này mỗi nhà báo ở từng cơ quan ngoài thời gian tác nghiệp, đã có thời gian trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm tác nghiệp, làm việc nhóm, hỗ trợ nhau và phát huy những ưu điểm của nhau. Trưởng đoàn Trần Bình Tám cho biết từ chuyến đi đầy ý nghĩa này, mỗi nhà báo sẽ phát huy nghiệp báo của mình hơn nữa trong tương lai.
Trong chuyến đi Điện Biên dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cuối tháng 4/2014 tôi cũng rất ấn tượng với các nhà báo ngành mình. Đến với Điện Biên Phủ vào những ngày nắng nóng hơn 40o của đầu hè Tây Bắc nhưng các nhà báo đã xông xáo không biết mệt mỏi để thu thập các tư liệu, hình ảnh, những gì nhiều nhất có thể về mảnh đất lịch sử này và tối đến lại làm việc tới tận khuya để truyền những thông tin, hình ảnh kịp thời về trang báo của mình.
Năng suất nhất có lẽ là những người làm báo điện tử, hôm nào cũng phải 2 tin, bài trở lên. Các nhà báo Nguyễn Dũng, Hoài Thu (Báo điện tử Infonet), Khổng Nhung (Báo điện tử VNMedia) là “cày” ghê nhất đoàn. Cặm cụi cả tối để kịp đưa tin. Đi ngủ cũng không tắt máy tính. Sáng sớm chưa kịp rửa mặt, đánh răng đã ngồi xem tin lên chưa và tranh thủ xem hôm nay đi đâu, phỏng vấn ai…
Ba nhà báo “thâm niên” của Báo điện tử VietnamNet lại tìm cách viết khác, đó là tìm những đề tài “độc”. Nhà báo Phong Doanh, Quốc Tín tìm đến một nơi tưởng niệm những binh lính Pháp đã tử trận trong 56 ngày đêm ở nơi mà với họ là hỏa ngục và có một bài viết “Một giọt lệ cho những linh hồn vương vất”. Nơi tưởng niệm đó ở chính ngay trong lòng Điện Biên Phủ. Nhà báo Nguyễn Đăng Tấn với bài viết “Điều ít biết về Tô Vĩnh Diện” đã cho bạn đọc thêm nhiều thông tin về anh hùng Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện: “Tôi đứng lâu trước mộ anh hùng Tô Vĩnh Diện, nghĩ về chiến công của anh, nhớ về ngôi làng đã sinh ra anh. Thật ra trên sách báo vẫn lẫn lộn huyện của anh và ít ai biết được ngôi làng đã sinh ra anh thế nào”.
Trong chuyến đi Điện Biên đáng nhớ ấy, bất cứ lúc nào rảnh một chút nhà báo Nguyễn Đăng Tấn, cũng đã từng là lính cụ Hồ, lại kể nhiều câu chuyện đời, chuyện tác nghiệp, thỉnh thoảng lại ấn tay vào trán nhà báo trẻ Nguyễn Dũng với giọng nói như một người cha “viết như này chưa được con ạ”. Nhà báo Nguyễn Đăng Tấn kết thúc chuyến đi còn sáng tác được 5 bài thơ về Điện Biên Phủ.
Còn nhiều nữa những chuyến đi, những kỷ niệm về con người, địa danh đã qua nhưng trong giới hạn một bài báo không thể nói hết những cảm xúc, những hoạt động của những nhà báo của Ngành, nhưng những kỷ niệm sẽ đi cùng năm tháng với mỗi nhà báo.
Quế Lâm