Một giọt lệ cho những linh hồn vương vất

Có một nơi tưởng niệm những binh lính Pháp đã tử trận trong 56 ngày đêm ở nơi mà với họ là hỏa ngục. Nơi tưởng niệm đó ở chính ngay trong lòng Điện Biên Phủ.

Trở lại nơi chiến trường xưa, Điện Biên nay đã là một thành phố trẻ đang thay đổi từng ngày. Cách đây vài chục năm, đứng ở những điểm cao, phóng tầm mắt ra xung quanh, có thể thấy những địa danh lịch sử nổi tiếng từng quen thuộc trong sách vở thì nay nhiều nơi đã bị che khuất bởi những ngôi nhà cao tầng, những con phố, những công trình xây dựng mới.

Sau gần một ngày đến với những địa danh đã đi vào lịch sử, còn chút ít thời gian của buổi chiều muộn, chúng tôi đến thăm một địa điểm không nằm trong danh sách di tích liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hỏi đường, không người nào biết đến - kể cả dân vốn thạo đường nhất là cánh lái taxi. Chúng tôi đành nhờ một nhà báo địa phương dẫn đường mà chính anh cũng chưa đặt chân đến, phải gọi điện về tòa soạn để được một thông tin ngắn gọn: nơi ấy cách hầm De Castries 300 mét ở phía tây nam thành phố.

Đó là nơi tưởng niệm những người lính Pháp đã ngã xuống trong 56 ngày đêm ở nơi mà với họ đã trở thành hỏa ngục.

Chúng tôi tìm đến khu tưởng niệm vào lúc xế chiều, trời đã bắt đầu chạng vạng. Qua hầm De Castries, chiếc taxi đi chậm lại. Nháo nhác nhìn quanh, cứ nghĩ sẽ thấy một khu tiêu điều các nấm mồ vô chủ "rầu rầu ngọn có nửa vàng nửa xanh" như cụ Nguyễn Du đã tả mà không gặp.

Anh lái xe đưa tay chỉ: không hiểu nó có thể là chỗ kia không. Một khu đất vuông vắn rộng chừng 1.200 mét vuông, có tường bao quanh, quét vôi trắng, nằm giữa khu dân cư trông tựa như một công viên.

Chúng tôi dừng xe bước lại gần. Cửa khóa. Không một tấm biển gắn ngoài cửa để biết đây là đâu. Nhìn qua những qua chấn song, thấy một chiếc tháp, nổi lên ở giữa vườn cây rất sạch có những vuông cỏ xanh mướt, bố trí khá đẹp. 

Tấm biển đồng gắn trên tháp quá nhỏ và gỉ loang lổ, dùng ống kính máy ảnh chụp được ở khoảng cách lớn, zoom lên cũng không đọc nổi. Chúng tôi đang lúng túng thì có mấy em nhỏ nhà ở xung quanh tò mò, bước đến và cho hay đây chính là địa điểm tưởng niệm quân Pháp tử trận ở Điện Biên.

Thấy trong một góc của khuôn viên, ánh đèn vẫn sáng từ trong một phòng trực hắt ra, biết là có người chúng tôi gọi nhưng không ai trả lời. Người bảo vệ đi vắng. Chúng tôi lúng túng và rất sốt ruột đi vòng quanh hồi lâu, tìm cách vào thì may thay, người bảo vệ trở về. Anh vui vẻ mở cửa đón khách vào và tình nguyện làm người hướng dẫn cho đoàn.

Qua chiếc cổng sắt có chân song thưa, khi vào tận nơi, đập vào mắt là tấm biển đồng gắn trên đài "Dành cho các sĩ quan và binh sĩ quân đội Pháp tử trận tại Điện Biên Phủ", dưới ngay đó là một tâm bia đá trắng nằm nghiêng một góc chừng 15 độ.

Trời tối, dưới ánh sáng từ xa rọi vào đủ để chúng tôi vừa nhìn, vừa sờ vết khắc để đọc những dòng chữ, trên tiếng Pháp, dưới tiếng Việt: "Đài tưởng niệm này được dựng lên do sáng kiến của ông Rolf Roder - cựu chiến binh Pháp, trung sĩ chỉ huy đội biệt động xung kích, thuộc Đại đội 10, tiểu đoàn 4, trung đoàn 3 bộ binh lê dương đóng tại Hồng Cúm khánh thành ngày 7/5/1994 nhân dịp kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ với sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh quốc gia và Hội cựu chiến binh lê dương".

Phía trước bệ của tương đài là những tấm biển nhỏ của các đơn vị phiên chế những người đã khuất hoặc của thân nhân của họ gắn chặt trên tường với những lời tiếc thương, phía sau 5 bát hương.

Vậy là, Đài tưởng niệm đã tồn tại đúng 20 năm về trước. Chúng tôi hình dung ra ngày khánh thành trùng với ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên lần thứ 40 nên có lẽ cũng khá trang nghiêm. 

Ngoài các quan chức Việt Nam, hẳn còn có mặt những nhân vật quan trọng trong Đại sứ quán Pháp và ít nhất có đại diện của các đơn vị từng tham gia chiến dịch cùng thân nhân của những người trong quân đội Liên hiệp Pháp đã bỏ mình ở Điện Biên. 

Bằng chứng là những tấm biển đồng hoặc bia đá họ mang từ Pháp sang, gắn chắc bằng xi măng dưới chân tượng đài.

Anh Lò Ngọc Thuyên, một thanh niên người Thái rất nhanh nhẹn phụ trách việc bảo vệ Khu tưởng niệm đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp ngày 8/5/2004 và cho biết: Cách đây 5 năm, một đoàn Pháp từ Hà Nội lên thăm viếng và đặt mấy vòng hoa tại đây. 

Anh bảo, nếu anh không lầm, thì hôm ấy có Bộ trưởng Quốc phòng mà anh không nhớ tên từ Pháp sang cùng các nhân viên sứ quán Pháp và những sĩ quan cao cấp thuộc một số binh chủng mà anh nhận biết qua trang phục.

Anh cho biết thêm, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên luôn có những đoàn nước ngoài xa xôi ngàn dặm tới thăm - chủ yếu là người Pháp - và đặt hoa tưởng niệm. 

Khách du lịch đôi khi có những người nước khác nữa đến viếng, có thể vì sự tò mò, xem lời đồn có thực hay không: một đài tưởng niệm dành cho đối phương đâu phải là chuyện thường gặp trên thế giới? Phải có tấm lòng bao dung đến thế nào mới có cách ứng xử độ lượng và nhân văn như vậy?

 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên quan sát sự hiện diện của 5 chiếc bát hương với chân nhang còn mới, anh Thuyên giải thích: Trong phong tục dân gian của những người được tưởng niệm, chỉ có nến và hoa mà không có hương, nhưng bọn tôi thấy nếu thiếu mùi hương thơm ngát và những làn khói mờ ảo thì thiếu một cái gì đó trong đời sống tâm linh để "giao lưu" với những người ở thế giới bên kia. 

Thế nên những ngày rằm, mồng một bọn tôi (các anh có 3 người, chia ngày để trực quanh năm) đều thắp cho họ những nén hương.

Anh nói đùa: Những buổi tối trăng thanh, thắp hương lên ngồi dưới bệ đá này, trong khung cảnh vắng vẻ, chúng tôi cảm thấy dù âm dương cách biệt, ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn có cảm giác "thấy hiu hiu gió là hay "họ" về (lẩy Kiều).

Một người trong đoàn châm mấy điếu thuốc, cắm xuống những chiếc chân nhang bảo: "Thứ này chắc hợp với "họ" hơn".

Trước khi về, chúng tôi cúi đầu mặc niệm trong bầu không khí thoang thoảng mùi thuốc là thơm. Hình như có "hiu hiu gió" thật. 

Trong lòng chợt nghĩ, quá khứ đã khép lại. Các đoàn cựu chiến binh ở hai bên chiến tuyến vẫn thường xuyên có những cuộc hồ hởi gặp gỡ, bắt tay nhau, huống hồ với những người đã khuất.

Phong Doanh - Quốc Tín

VietnamNet

Tin nổi bật