Gặp người thân cố vấn quân sự Trung Quốc tại Điện Biên

Trên tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người vui mừng tới bắt tay chào bà Hứa Kỳ Sảnh, phu nhân của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhận lời mời của Bộ Quốc phòng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đoàn thân nhân gia đình các cựu chuyên gia, cố vấn Trung Quốc do đồng chí Tề Kiến Quốc, Phó Hội trưởng Hội hữu nghị Trung - Việt làm Trưởng đoàn sang thăm Việt Nam từ ngày 22-29/4/2014.

Được biết, trong đoàn thân nhân gia đình các đồng chí cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc có bà Hứa Kỳ Sảnh, phu nhân của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Hứa Kỳ Sảnh năm nay đã 84 tuổi và là người lớn tuổi nhất trong đoàn.

Những ngày ở Điện Biên, đoàn đã đi thăm di tích Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; tới viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1; thăm tượng đại Chiến thắng và một số di tích khác.

Đoàn thân nhân gia đình các đồng chí cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc tới thăm Điện Biên

Tại tượng đài Chiến thắng Điện Biên, trên đỉnh đồi D1, nhiều người đã nhận ra phu nhân của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, họ rất vui mừng được gặp bà đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên - cuộc chiến có nhiều đóng góp của các đồng chí chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc. Bà Hứa Kỳ Sảnh rất thân thiện chào lại và vui vẻ chụp những tấm hình lưu niệm với mọi người.

Cũng trong dịp thăm Điện Biên, bà Hứa Kỳ Sảnh được chăm sóc rất đặc biệt. Đoạn đường đi bộ từ Ban quản lý di tích vào Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng có nhiều đoạn dốc, cầu nhỏ qua suối, biết bà có tiền sử bệnh tim mạch nên Ban tổ chức đã thuyết phục mời bà ngồi xe lăn để các chiến sĩ khiêng…

Bà Hứa Kỳ Sảnh, phu nhân của Thượng tướng Vi Quốc Thanh (đứng giữa)

Được biết, trước khi tới Điện Biên, ngày 24/4, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thân mật tiếp Đoàn. Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh chào mừng Đoàn sang thăm Việt Nam, tin tưởng chuyến thăm lần này góp phần làm sâu sắc hơn tình cảm gắn bó sâu đậm giữa nhân dân hai nước. Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ lòng biết ơn đối với những cống hiến to lớn của các đồng chí chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc; trân trọng cảm ơn Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã cử những cán bộ, tướng lĩnh sang giúp đỡ  Việt Nam trong những thời điểm khó khăn nhất, quan trọng nhất, đồng thời khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam không thể tách rời sự giúp đỡ to lớn về người và vật chất của các nước XHCN, trong đó có sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc.

Bà Hứa Kỳ Sảnh cho biết: "60 năm trước khi nhận lệnh sang Việt Nam tham gia chiến dịch ông ấy (ông Vi Quốc Thanh - PV) rất vui mừng. Khi Việt Nam giành được chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Thanh chưa về nước ngay vì Bác Hồ nói với Chủ tịch Mao Trạch Đông là ông Thanh có thể ở lại để giúp Việt Nam xây dựng quân đội trong các giai đoạn tiếp theo. Mùa xuân 1956 ông ấy mới về nước. Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lưu luyến khi chia tay”.

Theo Hồi ức của Trương Đức Duy, Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Văn Trang, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt nam; Vương Đức Luân, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam công bố nhân dịp 50 năm (7/5/1954-7/5/2004) Chiến thắng Điện Biên Phủ, những kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ được nhắc tới rất sống động:

Năm 1949, khi cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam bước vào giai đoạn cầm cự, cuộc đấu tranh ở vào thời khắc vô cùng gian khổ, nặng nề, cuộc Chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi mang tính toàn quốc, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập. Sự kiện này tạo ra hoàn cảnh vô cùng có lợi cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cũng khiến cho Trung Quốc có khả năng ra sức chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam.

Bà Hứa Kỳ Sảnh và đoàn người thân nhân gia đình các đồng chí cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc ở tượng đài Chiến thắng.

Tháng 1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không từ gian khổ nguy hiểm, vượt núi băng sông, đi bộ tới Trung Quốc, lần lượt cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông và cá đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, v.v… thương nghị vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam kháng chiến.

Ngay sau đó, Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ra sức chi viện cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đồng thời lập tức cử đồng chí La Quý Ba, Chủ nhiệm Văn phòng Quân uỷ Trung ương làm Đại biểu liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đi trước sang Khu giải phóng Việt Nam tìm hiểu tình hình, để cung cấp viện trợ.

Tiếp theo, lần lượt cử Đại tướng Trần Canh thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Cố vấn Quân sự do Thượng tướng Vi Quốc Thanh đứng đầu và Đoàn Cố vấn Chính trị do đồng chí La Quý Ba đứng đầu, sang Việt Nam giúp đỡ Việt Nam kháng chiến….

Sự hợp tác thân mật của tình bạn chiến đấu Việt Trung đã được thể hiện đầy đủ nhất trong chiến dịch này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Vi Quốc Thanh là Tổng cố vấn quân sự. Cố vấn quân sự các cấp của phía Trung Quốc ra tiền tuyến dốc toàn lực hiệp tác giúp đỡ. Sự hợp tác giữa hai bên vô cùng ăn ý, cùng tiến hành nghiên cứu bố trí tác chiến, phương pháp tác chiến, vận dụng chiến thuật, kế hoạch rất chu toàn bí mật…

Bà Hứa Kỳ Sảnh năm nay đã 84 tuổi và là người lớn tuổi nhất trong đoàn.Ban tổ chức đã rất chu đáo chăm sóc bà.

Bà Hứa Kỳ Sảnh năm nay đã 84 tuổi và là người lớn tuổi nhất trong đoàn.Ban tổ chức đã rất chu đáo chăm sóc bà.

 Khổng Nhung - (Ảnh:Phong Doanh)

VNMedia

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật