Hướng dẫn thực hiện điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam Khóa IX

Ngày 8/4/2011, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản số 40/TV-HNBVN hướng dẫn thực hiện điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam Khóa IX gửi Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Liên chi hội và các Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Dưới đây là toàn văn hướng dẫn này.

Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam gồm 10 Chương, 38 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam thông qua tại Hà Nội ngày 12 tháng 8 năm 2010 và có hiệu lực theo quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ ngày 09 tháng 02 năm 2011.

 
Thực hiện khoản 2, Điều 38, Chương X, Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện một số điểm quy định của Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa IX) như sau:
 
1- Chương I - Tên gọi, tôn chỉ, mục đích, phạm vi và nguyên tắc tổ chức hoạt động của Hội.
 
Tên chương này có thay đổi so với Điều lệ cũ, song về cơ bản nội dung vẫn giữ như Điều lệ năm 2005 (khóa VIII). Các cấp Hội cần tiếp tục quán triệt hội viên về tôn chỉ, mục đích của Hội (Điều 2, Điều 3), làm cho hội viên nhận thức rõ Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tính xã hội và tính nghề nghiệp không thể tách rời tính chính trị.
 
Điều 6 của chương này (về mối quan hệ của Hội) có 01 điểm mới là Hội Nhà báo Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động. Quy định này không chỉ áp dụng đối với Trung ương Hội mà cả với Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố. Hội Nhà báo tỉnh, thành phố ngoài việc chịu sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo cần thực hiện đầy đủ những quy định của Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Hội trong mối quan hệ với Sở Thông tin và Truyền thông.
 
2- Chương II - Nhiệm vụ quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Chương này giữ nguyên các nội dung cơ bản của Điều lệ khóa VIII, có hai điểm được bổ sung tại Điều 8 là: quyền của Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật và được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật.
 
Tổ chức thực hiện Chương II, các cấp Hội cần lưu ý:
 
- Cần thường xuyên cập nhật, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với báo chí và người làm báo, tiếp tục quán triệt Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 18-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới: Thông báo kết luận số 221-TB/TW, ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về việc tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội nhà báo Việt Nam;
 
- Chủ động tham gia ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, góp phần xây dựng và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thông tin, báo chí; tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chế độ, chính sách đối với báo chí và người làm báo, thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí;
 
- Phối hợp với các tổ chức hữu quan, các cơ quan báo chí để bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức và nghiệp vụ cho các hội viên - nhà báo; động viên, khen thưởng kịp thời hội viên - nhà báo và cơ quan báo chí phát huy tài năng, sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ;
 
- Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, Ban Kiểm tra của Hội và các cơ quan có liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội, hội viên - nhà báo trong hoạt động báo chí.
 
3- Chương III - Hội viên
 
a) Điều 9 - Ðiều kiện, tiêu chuẩn hội viên.
 
Điều 9 quy định cụ thể điều kiện và tiêu chuẩn của hội viên và về cơ bản được giữ như Điều lệ khóa VIII; có hai điểm mới là: 1) Các nhà báo có trình độ học vấn cao đẳng có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn khác được xem xét kết nạp làm hội viên; 2) Những trường hợp đặc biệt chưa hội đủ các điều kiện nêu trong Điều 9 sẽ do Ban Thường vụ xem xét quyết định.
 
Tổ chức thực hiện Điều 9 các cấp Hội cần lưu ý mấy điểm sau:
 
- Đối với các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên làm việc tại các cơ quan báo chí ở miền núi, các biên tập viên, phát thanh viên tiếng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số làm việc tại các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên đều có thể được xem xét kết nạp vào Hội.
 
- Đối với các đồng chí Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập báo, tạp chí hoặc Giám đốc, Phó giám đốc Đài PT-TH mới được đề bạt, bổ nhiệm hoặc từ cơ quan khác chuyển đến, chưa đủ thời gian làm báo theo quy định nhưng có nhu cầu kết nạp, thuộc trường hợp đặc biệt, các cấp Hội làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, quyết định.
 
- Đối với các cán bộ chuyên trách công tác Hội có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cán bộ thuộc ngạch cán sự làm việc tại Cơ quan Trung ương Hội, Văn phòng Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội cũng thuộc trường hợp đặc biệt, nếu có đủ các điều kiện khác thì các cấp Hội làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, quyết định.
 
- Đối với cán bộ chuyên trách công tác Hội làm việc tại các phòng, ban, Văn phòng Trung ương Hội và Văn phòng Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Liên Chi hội Nhà báo cần hội đủ các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2, Điều 9, song không lấy tác phẩm báo chí làm thước đo như quy định chung tại điểm b, khoản 2. Việc xét kết nạp hay không, thuộc quyền của Chi hội Nhà báo.
 
- Đối với những người công tác tại các đài truyền thanh, truyền hình huyện: chỉ xem xét kết nạp các nhà báo do đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biệt phái xuống công tác tại đài huyện hoặc do Đài PT-TH tỉnh trực tiếp quản lý.
 
b) Điều 13
 
- Căn cứ khoản 1, 3 và 4 điều này, khi có hội viên chuyển sinh hoạt, xin ra khỏi Hội hoặc bị xóa tên nhất thiết các cấp Hội phải lập danh sách gửi về Trung ương Hội theo đúng thời gian quy định.
 
- Hội viên nhà báo thuộc các cơ quan đại diện báo chí Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường trú tại các địa phương có nhu cầu chuyển sinh hoạt chính thức về Hội Nhà báo tỉnh nơi công tác phải thực hiện đúng thủ tục như khoản 1, Điều 13 của Điều lệ này. Đối với các hội viên không chuyển sinh hoạt chính thức thì tổ chức hội quản lý hội viên đó phải giới thiệu hội viên thường trú tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố quyết định thành lập chi hội riêng hoặc bố trí sinh hoạt trong các chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Trong trường hợp có từ 3 hội viên - nhà báo Trung ương và thành phố trở lên thường trú ở một địa phương thì có thể thành lập Chi hội Nhà báo (đại diện các báo chí Trung ương) trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Thủ tục lập Chi hội do Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tiến hành. Đây là nội dung mới bổ sung nhằm tạo điều kiện cho hội viên được tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố nơi hội viên đó thường trú, đồng thời tăng cường công tác quản lý hội viên thường trú tại các địa phương.
 
- Đối với hội viên đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội:
 
Theo khoản 6 và 7, Điều 13, hội viên nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội mà không thuộc diện quy định tại Điều 9 (tức là không tiếp tục làm việc thường xuyên cho một cơ quan báo chí) thì nghỉ sinh hoạt chi hội. Những hội viên muốn tiếp tục sinh hoạt vẫn được xem xét đổi thẻ hội viên và sinh hoạt trong câu lạc bộ nhà báo cao tuổi do các cấp hội trực thuộc Trung ương Hội thành lập. Việc đổi thẻ hội viên khi hết hạn do các liên chi hội, chi hội trực thuộc Trung ương Hội, Hội tỉnh, thành phố nơi hội viên đó công tác trước khi nghỉ hưu làm thủ tục đề nghị Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đổi thẻ.
 
4- Chương IV - Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam
 
Chương này có hai điểm mới: 1) Điều 20 quy định rõ chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Hội là người giúp Chủ tịch điều hành công việc hàng ngày của Hội; 2) Ban Kiểm tra của Hội do Đại hội bầu bằng phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay (trước đây do Ban Chấp hành bầu); tuy nhiên việc bầu bổ sung hay bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên và trưởng Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành thực hiện theo đề nghị của Ban Kiểm tra (khoản 7, Điều 17 và Điều 21); Ban Kiểm tra của các tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội vẫn do Ban Chấp hành bầu (khoản 8, Điều 24).
 
5- Chương V - Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
 
a) Hai điểm mới trong chương này:
 
- Khoản 1, Điều 23 quy định rõ: Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng.
 
- Bổ sung khoản 9, Điều 24 về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành: Quyết định thành lập các đơn vị giúp việc của Ban Chấp hành, các tổ chức trực thuộc như: Văn phòng; các ban chuyên môn, nghiệp vụ của Hội, liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ báo chí.
 
Vận dụng điều này, các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội, nếu cần thiết và có đủ điều kiện thì có thể thành lập văn phòng Hội và các ban chuyên môn.
 
b) Khoản 2 - Điều 23 quy định các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố được thành lập liên chi hội trực thuộc. Chức danh lãnh đạo của các liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố là Ban Thư ký liên chi hội bao gồm: Thư ký, Phó Thư ký và Ủy viên Ban Thư ký liên chi. Liên chi hội có từ 100 đến 150 hội viên, Ban Thư ký nên là 5 - 7 người; các nơi có số lượng từ 200 đến trên 300 hội viên trở lên thì Ban Thư ký 7 - 9 người. Việc công nhận các chức danh Ban Thư ký kể trên do Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội chuẩn y và gửi báo cáo về Trung ương Hội.
 
c) Khoản 3 - Điều 23 - Theo quy định tại khoản này, trước khi chính thức triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phải báo cáo cấp ủy và được cấp ủy tán thành, đồng thời phải báo cáo và gửi nội dung chuẩn bị đại hội (bao gồm: dự thảo Báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự chủ chốt, đối với Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường; nội dung làm việc đối với Hội nghị giữa nhiệm kỳ) về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, chậm nhất trước 20 ngày. Sau khi có chỉ đạo bằng văn bản của Trung ương Hội, mới tiến hành Đại hội hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố bầu các chức danh lãnh đạo, Ban Kiểm tra bằng phiếu kín. Trưởng Ban Kiểm tra nên là ủy viên Ban Thường vụ (ở những nơi có Ban Thường vụ) hoặc phải là thành viên của Ban Chấp hành Hội. Người trúng cử phải có quá nửa số phiếu bầu hợp lệ tán thành.
 
6- Chương VI - Liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Vận dụng Khoản 3, Điều 4 - Chương I, Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, đã có con dấu riêng tiếp tục được giữ tư cách pháp nhân và con dấu (dấu ướt, dấu nổi) do cơ quan có thẩm quyền cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.
 
Đối với các Liên chi hội nhà báo trực thuộc trung ương mới được thành lập, thì tùy quy mô và phạm vi hoạt động của Liên chi, Ban Thường vụ báo cáo và đề nghị Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập mới có tư cách pháp nhân và mới được khắc con dấu riêng.
 
Vận dụng Điều 22, các Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội có thể thành lập các ban chuyên môn.
 
Khoản 3 - Điều 26 - Trước khi chính thức triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Liên chi hội Nhà báo phải báo cáo cấp ủy và được cấp ủy tán thành, đồng thời phải báo cáo và gửi nội dung chuẩn bị đại hội (bao gồm: dự thảo Báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự chủ chốt, đối với Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường; nội dung làm việc đối với Hội nghị giữa nhiệm kỳ) về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, chậm nhất trước 15 ngày. Sau khi có chỉ đạo bằng văn bản của Trung ương Hội, mới tiến hành Đại hội hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ.
 
Chức danh lãnh đạo của Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội là Ban Chấp hành Liên chi hội. Tùy theo số lượng hội viên, Ban Chấp hành Liên chi hội nên từ 9 đến 17 người. Ban Chấp hành Liên chi hội bầu các chức danh, gồm: Thường vụ; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Kiểm tra.
 
7- Chương VII - Tổ chức cơ sở của Hội
 
Đây là chương mới, quy định rõ vị trí, tổ chức và nhiệm vụ của Chi hội - tổ chức cơ sở của Hội.
 
a) Về việc thành lập, giải thể các chi hội (khoản 3, Điều 29) Ban Chấp hành hướng dẫn thực hiện thống nhất như sau:
 
- Đối với Chi hội trực thuộc Trung ương Hội, do Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ra quyết định thành lập.
 
- Đối với các Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố và Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội do Ban Chấp hành các tổ chức nói trên ra quyết định thành lập và báo cáo Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
 
b) Số lượng thành viên Ban Thư ký Chi hội: tùy theo số lượng hội viên của từng chi hội, cấp trên trực tiếp phê chuẩn số lượng thành viên Ban Thư ký từ 1 đến 5 người. Các chức danh lãnh đạo chi hội bao gồm: Thư ký, Phó thư ký, ủy viên Ban Thư ký.
 
8- Chương IX - Khen thưởng, kỷ luật.
 
Thực hiện theo Quy chế thi đua, khen thưởng và hướng dẫn riêng về công tác khen thưởng.

Các cấp Hội Nhà báo căn cứ vào Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) và văn bản Hướng dẫn này để thực hiện.

 
T/M THƯỜNG VỤ HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Hà Minh Huệ
Tin nổi bật