Con đường mới mang tên một nhà báo Nhân Dân
Nhà báo Thép Mới, tác giả của cái tên “Điện Biên Phủ trên không”, vừa được đặt tên cho một đường phố mới tại khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội. Lễ gắn biển tên đường vừa được Báo Nhân Dân và chính quyền quận Long Biên và phường Giang Biên tổ chức trang trọng sáng 18-3.
Lễ gắn biển tên đường |
Con đường mang tên nhà báo Thép Mới nằm trong khu đô thị Việt Hưng, nối từ đường Vạn Hạnh tới đường Lưu Khánh Đàm, dài 770m, rộng 10,5m, chạy qua các tòa nhà cao tầng của khu đô thị. Việc thành phố Hà Nội đặt tên nhà báo Thép Mới cho một tuyến phố mới của Thủ đô thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đối với những cống hiến to lớn của nhà báo Thép Mới đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.
Tại lễ gắn biển, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu nói: “Cuộc đời làm báo liên tục gần nửa thế kỷ của Thép Mới phong phú biết bao. Xông pha trong lửa đạn suốt ba mươi năm, ông là nhân chứng lịch sử quý báu về những sự kiện lớn, nhỏ của cách mạng… Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân đã từng nói: “Thép Mới là một nhà báo cách mạng chân thành, sôi nổi. Lẽ sống của ông là viết để cống hiến cho cách mạng”.
Tên thật của nhà báo Thép Mới là Hà Văn Lộc, sinh năm 1925 tại thành phố Nam Định, nhưng nguyên quán của ông là ở xã Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
Nhà báo Thép Mới tham gia Cách mạng từ rất sớm, năm 1938, tức là mới 13 tuổi, ông đã gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương, rồi bị thực dân Pháp bắt giam. Ra tù, ông lên Hà Nội học Trường Bưởi, sau đó vào học Trường Luật. Năm 19 tuổi, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Hội Sinh viên Cứu quốc và phong trào Văn hóa Cứu quốc, rồi sau đó tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Thép Mới về làm phóng viên báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan của Trung ương Đảng, viết nhiều bài về khí thế cách mạng của Thủ đô, đấu tranh với những luận điệu xấu của các tờ báo phản động.
Tháng 11-1945, Đảng ta rút vào bí mật, Báo Sự Thật thay báo Cờ Giải Phóng. Thép Mới tiếp tục trở thành một trong những cây bút chủ lực của báo về phóng sự, điều tra.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà báo Thép Mới đã đi nhiều nơi, đến nhiều mặt trận, vào cả những vùng sau lưng địch, viết nhiều bài phóng sự sắc bén, làm nức lòng người.
Tháng 2-1951, Báo Nhân Dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam ra đời, Thép Mới là một trong những thành viên đầu tiên của Ban Biên tập Báo Nhân Dân. Ông đã dự Chiến dịch Điện Biên Phủ, viết nhiều bài về chiến dịch này.
Khi tiếp quản Hà Nội, Thép Mới viết bài đầu tiên về Hà Nội trên Báo Nhân Dân xuất bản hằng ngày tại Thủ đô ngày 12-10-1954. Đó là phóng sự “Ngày đầu Hà Nội giải phóng” ghi lại chân thực niềm hân hoan sung sướng đón nhận ánh sáng tự do của nhân dân Thủ đô và những hình ảnh ảm đạm cuốn cờ không kèn, không trống lặng lẽ rút qua cầu Long Biên của đạo quân lê dương thất trận.
Từ năm 1964, nhà báo Thép Mới vào chiến trường miền Nam, đến những nơi chiến đấu ác liệt, lăn lộn cùng đồng bào, đồng chí, vừa viết báo vừa chiến đấu. Ông được Trung ương Cục miền Nam cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Tổng Biên tập Báo Giải Phóng, Cơ quan T.Ư của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Trưởng Ban Báo chí miền Nam. Đồng chí tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, viết nhiều bài về chiến dịch Mậu Thân.
Năm 1972, nhà báo Thép Mới trở ra miền bắc, làm Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Cuối năm đó, diễn ra cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Thủ đô chống cuộc không kích bằng máy bay B52 của Mỹ. Thép Mới được phân công chỉ đạo trực tiếp tuyên truyền về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trên Báo Nhân Dân, từ điều động phóng viên đến cách trình bày trên báo, bảo đảm báo ra đúng giờ bất chấp sự đánh phá của địch. Ngoài sáng kiến đặt tên “Trận Điện Biên Phủ trên không”, Thép Mới còn có nhiều bài viết sôi nổi về cuộc chiến đấu, trong đó có bài xã luận nổi tiếng “Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người”.
Bên cạnh những bài báo nóng hổi sức chiến đấu, Thép Mới là một nhà văn nổi tiếng. Ông từng viết nhiều bút ký, ngoài “Cây tre Việt Nam” (năm 1958), “Điện Biên Phủ - Một danh từ Việt Nam” (năm 1965), “Trường Sơn hùng tráng” (năm 1967); ông còn thuyết minh các phim “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin” (năm 1980), “Đường về Tổ quốc” (năm 1980); dịch các tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, “Viết dưới giá treo cổ”…
Nguồn: nhandan.org.vn