Ra khơi xa - Cơ hội và thách thức
Quý Minh, Phan Trần Phúc
Phát triển kinh doanh trên thị trường quốc tế là ước mơ ra khơi xa của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên ước mơ có thể chỉ mãi mãi là mơ ước, biển cả thênh thang nhưng cũng mênh mang sóng gió, cơ hội và thách thức luôn song hành.
Viettel và VTC là những DN Việt Nam tiêu biểu cho việc đầu tư thành công ra nước ngoài trong những năm gần đây. Làm thế nào để tìm ra được chiếc chìa khóa vàng của sự thành công?Bài viết này tổng hợp lại một số thông tin kinh nghiệm của Viettel và VTC trong việc nắm bắt đúng cơ hội, vượt qua trở ngại để thành công trên thị trường ngoài nước.
Đầu tư ra nước ngoài
Theo số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010 đã có 107 dự án của DN Việt Nam đầu tư đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,926 tỷ USD và 9 dự án đầu tư từ giai đoạn trước điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 87,1 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cả đăng ký mới và tăng vốn trong năm 2010 đạt trên 3 tỷ USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài trong năm 2010 đạt khoảng 900 triệu USD; trong đó lĩnh vực khai khoáng đạt trên 700 triệu USD; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 70 triệu USD; phân phối bán buôn bán lẻ đạt 53 triệu USD; thông tin và truyền thông đạt 33 triệu USD; sản xuất điện 25 triệu USD... Theo kế hoạch, vốn đầu tư ra nước ngoài năm 2011 dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5-2 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 700-900 triệu USD. Nắm bắt nhanh cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách, các DN đầu tư tại nước ngoài đã đã đạt những kết quả đáng khích lệ, trong tương lai gần khi các dự án này đi vào hoạt động có hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), đi đầu trong việc đầu tư ra nước ngoài trong mấy năm gần đây phải kể đến Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC).
Hình ảnh MetFone tại thị trường Campuchia |
Viettel: Mặc dù năm 2009 là năm kinh tế thế giới lẫn trong nước gặp rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, ngay từ năm 2009, Viettel đã triển khai hai mạng di động tại Campuchia và Lào. Mạng MetFone tại Campuchia được khai trương trong tháng 2/2009 và mạng Unitel tại Lào được khai trương vào tháng 10/2009. Hơn hai năm khai thác vận hành, hiện nay mạng Metfone của Viettel ở Campuchia, luôn giữ vững vị trí mạng dẫn đầu với hạ tầng mạng lưới rộng quy mô lớn nhất. Còn ở Lào, với thương hiệu Unitel, công ty liên doanh của Viettel với đối tác Lào cũng luôn đứng đầu về mạng lưới ngay khi khai trương vào tháng 10/2009.
Đồng thời trong lúc khai trương hai mạng di động tại Campuchia và Lào, Viettel vẫn tiếp tục đi tìm mở rộng ra các thị trường mới. Viettel cũng xúc tiến các kế hoạch đầu tư mạng di động tại Bangladesh và Cộng hoà Haiti. Thị trường Haiti có những tín hiệu tích cực ngay khi Natcom, liên doanh của Viettel tại Haiti bắt đầu khôi phục lại việc cung cấp điện thoại cố định sau thảm họa động đất. Do vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ nạn dịch bệnh và tình hình bất ổn sau thảm họa nhưng Natcom vẫn bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet băng rộng trong tháng 12/2010 và triển khai xây dựng mạng lưới với hơn 1000 trạm BTS để cung cấp dịch vụ thông tin di động trong năm 2011. Người dân Haiti đang mong đợi sự chuyển biến lớn về chất lượng dịch vụ viễn thông tại đất nước này. Ở miền Đông Nam châu Phi, Viettel đã trúng thầu và được cấp phép khai thác thị trường viễn thông di động tại quốc gia Mozambique. Các dự án tại thị trường Mozambique được khẩn trương triển khai để để cung cấp dịch vụ trong năm 2011. Movitel - một liên doanh của Viettel với một nhóm nhà đầu tư Mozambique, dự tính trong 5 năm tới sẽ đầu tư hơn 400 triệu USD tại Mozambique và cam kết cung cấp dịch vụ cho khoảng 85% dân số nước này. Viettel cũng đã thắng thầu giấy phép viễn thông ở Peru...
Trong một khoảng thời gian không dài chủ động tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin..., chỉ hơn hai năm, Viettel đã liên tiếp khai trương, đàm phán, mở rộng hợp tác đầu tư ra nhiều nước trên thế giới với số vốn cam kết hàng trăm triệu USD. Doanh thu của Viettel tại các thị trường mới cũng không ngừng tăng trưởng. Trong quý 1/2011, doanh thu của Viettel từ thị trường nước ngoài đã tăng 200% so với cùng kỳ quý 1/2010. Năm 2010, doanh thu viễn thông từ thị trường nước ngoài Campuchia và Lào của Viettel là trên 220 triệu USD, trong đó doanh thu từ Campuchia tăng 2,8 lần so với năm 2009 và doanh thu từ Lào tăng 4,5 lần so với năm trước.
Ngày 7/9/2011, Viettel thông báo chính thức khai trương cung cấp các dịch vụ viễn thông ở Haiti. Sau Lào và Campuchia, đây là mạng viễn thông thứ 3 của Viettel ở nước ngoài đã chính thức hoạt động cung cấp dịch vụ. Mạng viễn thông này được quản lý khai thác bởi công ty liên doanh Natcom với vốn sở hữu 60% của Viettel và 40% của Ngân hàng Trung ương Haiti BRH.
Sau đó 1 tháng, ngày 6/10/2011, Viettel tiếp tục công bố phát sóng mạng di động thứ 4 tại nước ngoài mang tên Movitel tại Mozambique. Đây là mạng di động thuộc liên doanh giữa Công ty cổ phần quốc tế Viettel với đối tác Mozambique là SPI & Invespar, trong đó, Viettel nắm 70% cổ phần. Sau 9 tháng tiền hành khảo sát và triển khai xây dựng hạ tầng, đến nay Movitel đã triển khai xây dựng hơn 5.000 km cáp quang, phủ tới 100% thủ phủ các tỉnh, hơn tổng số cáp quang của cả quốc gia này đã có từ trước tới nay. Hiện tại, Movitel có 570 nhân viên, trong đó có 138 kỹ sư, chuyên gia người Việt Nam.
VTC: Trong lĩnh vực nội dung số thì VTC cũng đã hiện diện tại nhiều quốc gia… Trong chiến lược xúc tiến xuất khẩu nội dung số ra nước ngoài của VTC, thị trường chiến lược là các nước trong khối Asean +3. Hiện VTC đã có mặt tại 11 quốc gia. Cụ thể, trong năm 2009, VTC Online đã thành lập 4 công ty con tại các nước: Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Indonesia. Và chỉ sau 1 năm hoạt động, các công ty đã mang về doanh thu hơn 5 triệu USD. Năm 2010, VTC Online mở thêm 6 chi nhánh nữa tại Mỹ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nâng tổng số công ty con tại nước ngoài lên con số hàng chục.
Việc triển khai ra thị trường nước ngoài ngày càng trở nên mạnh mẽ khi lần lượt các công ty con của VTC đã xuất hiện và tiến hành kinh doanh game online tại Indonesia, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Nga… Hầu hết các hoạt động ở thị trường nước ngoài của VTC đã thu được những bước thành công đầu tiên về cả thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010, VTC tăng trưởng 200%/năm, riêng công ty Intecom tăng trưởng 300%/năm. Từ năm 2011, VTC xác định tập trung về truyền hình, CNTT, công nghệ nội dung số, viễn thông và mở rộng các ngành nghề phụ trợ có liên quan.
Từ năm 2009, VTC Intecom - một công ty con của VTC đã triển khai kinh doanh dịch vụ nội dung số tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, đã và đang xúc tiến các thủ tục để mở chi nhánh tại Nga, Nhật Bản, Indonesia và một số nước khác. Với chiến lược kinh doanh đúng hướng, VTC Intecom đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng 300%/năm, có gần 30 triệu khách hàng; cùng với hạ tầng thanh toán điện tử bằng đồng tiền ảo Vcoin kết nối liên thông với hàng chục ngân hàng và trở thành phương tiện thanh toán có đủ năng lực thanh toán các dịch vụ cả trong và ngoài nước. Mở rộng kinh doanh ra thị trường ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là mục tiêu chiến lược đến năm 2015 của VTC Intecom.
Việc VTC trở thành tập đoàn sẽ bắt kịp xu hướng hội tụ công nghệ giữa 3 ngành truyền hình - CNTT - viễn thông và hình thành tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực truyền thông. Theo đó, VTC sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, cung cấp các chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm dịch vụ trên nền hội tụ công nghệ số của các ngành truyền hình, viễn thông, CNTT, công nghiệp nội dung số, hoạt động trong phạm vi cả nước và đầu tư ra nước ngoài. DN này sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô vốn lên tới 3.000 tỷ đồng, vốn do nhà nước chi phối.
Tìm cơ hội trong thách thức
Trong lĩnh vực ICT, xu thế chung của thế giới hiện nay là kết hợp và sáp nhập. Thế giới đã chứng kiến sự kết hợp và sáp nhập của nhà cung cấp các hệ thống, giải pháp và thiết bị như Alcatel-Lucent, Nokia - Siemens và việc tập đoàn Ericsson mua gọn hãng Nortel…
Trong lĩnh vực khai thác viễn thông, hiện tại thế giới có khoảng 700 DN mạng (operator), nhưng đã được dự báo là trong vòng vài năm tới con số trên sẽ chỉ còn hai chữ số - tức chỉ còn vài chục DN mạng. Như vậy sẽ có khoảng 600 DN khai thác mạng dần biến mất vì không còn thị phần, không còn thuê bao bởi bản chất doanh thu của các nhà khai thác mạng đến từ số lượng thuê bao thực. Điều này thực sự là thách thức to lớn đối với tất cả các DN khai thác viễn thông trên thế giới, tuy nhiên chỉ một số ít - vài chục trong số 700 DN mạng biết nắm bắt lấy thách thức này như là cơ hội kinh doanh.
Viettel là một trong số ít các DN khai thác mạng đã nắm bắt cơ hội như thế. Ngay từ rất sớm, Viettel đã xác định đầu tư ra nước ngoài là chiến lược cần phải làm, vì xu thế kết hợp và sáp nhập đó trực tiếp liên quan đến Viettel, nếu không đầu tư nước ngoài, nếu không mở rộng thị trường, nếu Viettel không lớn mạnh, không có một lượng thuê bao lớn thì sẽ nằm trong số 600 nhà mạng đó.
Trên thị trường viễn thông trong nước, tốc độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt khi có tới 7 nhà mạng cùng tham gia khai thác, chưa kể đến nhiều DN khác cũng đã xin giấy phép hoặc liên kết với doanh nghiệp đã có hạ tầng khác để tham gia vào thị trường Việt Nam. Thị trường viễn thông di động Việt Nam được nhận định là đến ngưỡng bão hòa. Ngay cả khi Viettel hiện đang là một trong ba mạng di động "thống lĩnh thị trường" và có ưu thế nhất về số lượng thị phần thuê bao, nhưng giá cước dịch vụ (chủ yếu là gọi và tin nhắn) đã gần tiệm cận giá thành, không thể hạ thấp hơn. Trong khi đó, doanh thu từ các nhà viễn thông di động trong nước hiện nay đa số vẫn là từ các dịch vụ truyền thống là gọi và SMS. Còn nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng khác thì không nhiều. Thị trường trở nên bão hòa, tốc độ tăng trưởng của thị trường viễn thông trong nước sẽ giảm. Mặt khác, nếu chỉ nhìn vào thị trường bị giới hạn hơn 80 triệu dân ở Việt Nam thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng. Vì vậy, muốn tăng trưởng thì DN cần phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường cho mình và cũng là đặt mình trong thách thức với việc cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới. Như vậy, việc đầu tư ra nước ngoài đã trở thành chiến lược của Viettel.
Từ việc xác định là phải chấp nhận khó khăn vì khó khăn thì mới đến lượt mình, Viettel là DN luôn tìm thấy cơ hội thành công trong vô vàn khó khăn thách thức. Tất nhiên, khi đưa ra quyết định đầu tư tại một thị trường, Viettel đưa ra định hướng rõ ràng, tạo thành chiến lược đầu tư. Việc lựa chọn thị trường để đầu tư được dựa trên việc nhìn vào mật độ điện thoại và tốc độ tăng trưởng chung của thị trường đó. Các thị trường viễn thông trên thế giới được Viettel chia thành ba loại: Thị trường bão hoà, thị trường đang tăng trưởng và thị trường còn non trẻ. Có thể thấy là thị trường non trẻ là nơi tiềm năng nhất, nhưng chỉ còn không nhiều nước trên thế giới như Myanmar, Bắc Triều Tiên và Cuba. Thị trường đang tăng trưởng thì có khoảng 60 nước với 2 tỷ dân. Viettel hiện đã và đang tập trung xúc tiến, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những quốc gia này, với việc tham gia đăng ký thầu giấy phép hoặc mua lại những công ty nhỏ đã có giấy phép.
Có một đặc điểm chung nhất ở hầu hết các nước mà Viettel đầu tư đến là: có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân vào dạng thấp của thế giới; là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi; nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị. Tại sao lại đầu tư ở những quốc gia có đặc điểm "hóc búa" như trên? - Lý do đơn giản, vì những nơi dễ thì đã không còn nữa. Trong lĩnh vực viễn thông, các công ty đi trước đã đầu tư được hơn 20 chục năm nên còn lại chỉ là những nơi khó và nhiều rủi ro. Tuy nhiên, dù là những đất nước đó có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu, nó như là cơm là gạo, vì thế đất nước nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Hơn nữa, viễn thông cũng là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế… Chính vì thế mà Viettel không ngần ngại khi đầu tư vào những thị trường trên. Chỉ với 5 quốc gia Campuchia, Lào, Haitti, Mozambique và Peru mà Viettel đang đầu tư, Viettel đã có thêm một thị trường với trên 83 triệu dân - xấp xỉ với dân số của Việt Nam hiện nay. Đây là những lợi thế để Viettel mua được thiết bị viễn thông, thiết bị đầu cuối với giá rẻ, cũng như để nghiên cứu, sản xuất các thiết bị viễn thông. Tại các thị trường Viettel đã và đang đầu tư, Peru là nước có số dân lớn nhất với gần 30 triệu dân (đứng thứ 42 thế giới). Tiếp đó là Mozambique 23 triệu dân (xếp thứ 51 thế giới), Campuchia, Haitti và Lào. Trong số đó, Peru có cơ cấu dân số gần giống với Việt Nam - dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Theo thống kê, tỷ lệ dân số của Peru dưới độ tuổi lao động là 28,5%, trong độ tuổi lao động 65,1%, ngoài lao động là 6,4% và độ tuổi trung bình là 26,2. Mozambique là nước có dân số trẻ nhất với con số tương ứng là 45,9%, 51,1%, 3% và 16,8 tuổi. Đặc điểm về dân số tại những quốc gia này là cơ hội để Viettel để phát triển thành công nhiều dịch vụ viễn thông.
VTC lại tìm thấy một lối đi khác cho sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh nội dung số. Năm 2009, VTC Game đưa ra tuyên bố gây sốc cho nhiều người khi họ quyết định phát hành webgame Linh Vương ở Hàn Quốc với tên gọi là Websam. Người ta sốc bởi vì Hàn Quốc được xem là một trong những nước có game online phát triển vào loại bậc nhất hiện nay, trong khi đó Việt Nam chỉ mới là bước khởi đầu, vậy mà có DN Việt Nam sẵn sàng bước qua thị trường đó để cạnh tranh một cách trực tiếp.
Thực tế đã chứng minh chiến lược kinh doanh đúng đắn ngay từ bước khởi đầu: Webgame Websam ra mắt tại Hàn Quốc đã tạo nên cơn sốt, khi chỉ trong vòng một thời gian ngắn đã vươn lên vị trí số 1 ở thị trường webgame nước này và được giữ vững cho đến nay.
Ngay sau thành công của Linh Vương ở Hàn Quốc, VTC Game tiếp tục đẩy mạnh việc kinh doanh game của mình tại nước ngoài, điển hình là việc phát hành Audition ở Lào và Campuchia, 2 thị trường game vẫn ở dạng tiềm năng, nhưng bước đầu họ đã thành công.
Ngay sau thành công của VTC Korea, tháng 2/2010, VTC Online Indonesia cũng được thành lập. Chỉ trong 8 tháng chuẩn bị, đến ngày 10/10/2010, game Tây Du Ký phiên bản tiếng Indonesia đã chính thức ra mắt cộng đồng tại quốc gia nhiều đảo này.
Từ năm 2010, lần lượt các công ty con của VTC đã xuất hiện và tiến hành kinh doanh game online tại Indonesia, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Nga… Hầu hết các hoạt động ở thị trường nước ngoài của VTC Global đã thu được những bước thành công đầu tiên về cả thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Tốc độ triển khai các công việc của VTC Online Indonesia rất được một số công ty nước ngoài quan tâm và đánh giá cao. Việc đưa game ra nước ngoài đã đạt được nhiều bước tiến trong việc kinh doanh với những thành công bước đầu và VTC cho biết họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực này ở thị trường quốc tế.
Việc mở rộng hợp tác tại Liên bang Nga và thị trường châu Âu đã đưa VTC tiếp cận với cơ hội kinh doanh tại thị trường game có chất lượng cao nhất và tạo vị thế hợp tác mới cho VTC trên thị trường quốc tế. Với những bước đi được táo bạo, VTC đã tạo được cho mình một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực kinh doanh game online trên thị trường quốc tế.
Chìa khóa thành công
Đầu tư làm ăn tại nước ngoài luôn có nhiều điểm khác biệt, khó có thể lường trước hết được các rủi ro bất trắc. Viettel và VTC đã tìm ra chiếc chìa khóa thành công giữa vô vàn những điểm khác biệt khó khăn đó.
Viettel chọn lĩnh vực di động để đầu tư ra nước ngoài là bước đi được suy tính cẩn trọng. Trên thực tế đến thời điểm này, thế mạnh nhất của Viettel chính là lĩnh vực di động, Viettel dùng thế mạnh này làm chiếc chìa khóa mở cánh cổng bước ra thế giới.
Một khó khăn lớn là so với các tập đoàn quốc tế khác thì Viettel đã muộn hơn họ từ 10 - 20 năm, và còn rất non trẻ về cả tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm. Trong tổng số khoảng 30 nhà đầu tư viễn thông quốc tế, Viettel là “nghèo” nhất. Chính vì nghèo, lại trưởng thành ở một thị trường cũng nghèo nên Viettel có nhiều kinh nghiệm để kinh doanh ở những thị trường khó khăn, hiểu và chia sẻ những điều mà các quốc gia đang phát triển đang trăn trở. Hầu hết các quốc gia mà Viettel tập trung tìm kiếm cơ hội đầu tư đều là các thị trường đang phát triển, về cả kinh tế lẫn viễn thông. Điều này được khai thác như một lợi thế của Viettel trong quá trình tiếp xúc với họ. Một lần nữa Viettel lại khẳng định được vị thế của mình, bằng việc tìm thấy cơ hội thành công trong vô số những khó khăn thử thách, thậm chí là biến điểm yếu của mình thành thế mạnh của sự đồng cảm và thấu hiểu theo phương châm “hãy nói theo cách của bạn”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Viettel đã chia sẻ với các quốc gia đang phát triển về việc sử dụng ICT như là một công cụ phát triển quốc gia, viễn thông là hàng hoá thông thường chứ không phải là dịch vụ sang trọng. Sự phát triển của một đất nước phần nào phụ thuộc vào viễn thông, chứ không phải viễn thông chỉ có thể bùng nổ khi GDP đạt một mức nhất định. Điều này đã đúng ở thị trường Lào và Campuchia, dù GDP còn thấp, nhưng khi Viettel đầu tư, đưa giá cước thấp và sản phẩm tới người dân thì viễn thông đã bùng nổ, kéo theo sự phát triển về kinh tế xã hội. Đây cũng chính là cái mà chính phủ cũng như người dân tại các nước đang phát triển đang rất cần và mong muốn có được từ nhà đầu tư nước ngoài. Với sự đồng cảm như vậy, Viettel coi đàm phán đầu tư là sự chia sẻ kinh nghiệm để đem tới sự phát triển bền vững của một quốc gia thông qua đầu tư viễn thông. Viettel thắng thầu không chỉ bởi bỏ giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh mà còn nhờ công nghệ và cam kết đầu tư phát triển xã hội.
Một trong những khó khăn khác mà bất cứ doanh nghiệp nào đầu tư ra khỏi lãnh thổ của mình đều gặp phải là sự khác biệt về văn hóa. Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty tại thị trường, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhân sự địa phương, giữa công ty và khách hàng địa phương.
Để thích ứng với môi trường, bộ máy nhân viên Viettel đã quyết định vừa phải thay đổi bản thân, vừa phải thay đổi chính cách nhìn và làm việc của nhân viên bản xứ, đồng thời tạo ra một văn hoá DN riêng. Chỉ có cách truyền cho nhân viên bản xứ sự nhiệt huyết, niềm tin vào công việc đang làm thì mới có thể có một tập thể cùng chung chí hướng, xoá bỏ các mâu thuẫn về văn hoá. Về nhân lực, Viettel chủ trương xây dựng bộ máy, đào tạo và chuyển giao tri thức với mục tiêu là sau 3 năm triển khai, bộ máy đó sẽ được vận hành bởi chính những người địa phương, từ kỹ thuật đến kinh doanh; xác định việc sản xuất kinh doanh tại thị trường phải do người bản xứ đảm nhiệm, ưu tiên các đối tác cung cấp thiết bị và dịch vụ là của địa phương để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.
Thương hiệu công ty cũng là một thể hiện về việc “nhập gia tùy tục”. Dù là công ty 100% vốn nước ngoài, nhưng Viettel đã không dùng thương hiệu Viettel mà lại đầu tư hàng trăm ngàn USD để nghiên cứu và chọn lựa cái tên Metfone tại thị trường Campuchia. Trong đó Met có cách phát âm trùng với từ “bạn” trong tiếng Khmer.
Với phương thức kinh doanh linh hoạt và phù hợp, Viettel đã vượt qua được những đối thủ nặng ký để thành công bởi cách làm khác biệt tại các thị trường đầu tư. Những bí quyết đó là: kinh nghiệm kỹ thuật đi trước, kinh doanh theo sau, kinh nghiệm hướng đến người tiêu dung có thu nhập thấp… đã đúc kết thành triết lý 4Any (Anytime: mọi lúc, Anywhere: mọi nơi, Anybody: mọi người, Anyprice: mọi giá).
Viettel xác định mục tiêu của mình tại các thị trường đang đầu tư là đem lại sự phát triển bền vững cho quốc gia đó. Điều này được thể hiện ở các chương trình như hỗ trợ xây dựng cầu mạng truyền hình hội nghị giúp chính phủ điều hành, miễn phí Internet trong mạng giáo dục điện tử, các chương trình từ thiện xã hội, trợ giá viễn thông cho người có thu nhập thấp… đã nhận được sự ủng hộ của mọi thành phần, từ chính phủ đến người dân. Cách làm này đã được người dân đánh giá cao, vì những giá trị thực sự và sự chân thành mà Viettel đang mang đến cho đất nước họ.
VTC lại tìm ra chiếc chìa khóa vàng cho sự thành công theo một cách khác. Về tầm nhìn và chiến lược của VTC Intecom từ 2010 - 2015, nếu chỉ phát triển công nghiệp và nội dung số ở Việt Nam thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, bắt đầu từ quý II/2009, VTC Intecom đã hướng ra thị trường nước ngoài. Chiến lược xuất khẩu nội dung số với những dự án game online đã đi những bước khởi động giữa vô số trở ngại và thách thức.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc dưa game Linh Vương sang Hàn Quốc với những nghi ngại đến từ nhiều phía khi Hàn quốc là nơi xuất xứ của nhiều game online nổi tiếng. Thực tế lại là dự án đầu tư ra nước ngoài thành công vào loại hàng đầu của nhà phát hành game VTC. Chìa khóa thành công ở đây kết hợp nội dung game với các yếu tố địa phương và cơ sở hạ tầng mạng. So sánh thời gian mở máy chủ thì Websam (Hàn Quốc) nhanh hơn hẳn Linh Vương (Việt Nam). So sánh về doanh thu, mặc dù Linh Vương được đánh giá là webgame cho doanh số tốt nhất tại thị trường nội địa kể từ khi ra mắt (ngày 5/1/2009) nhưng chỉ tương đương khoảng 10 - 20% doanh số tại Hàn Quốc.
Sự khác biệt về văn hóa cũng là một trong những khó khăn lớn mà VTC gặp phải khi đầu tư ra nước ngoài. Sự khác biệt về văn hóa càng là một vấn đề lớn trong việc kinh doanh nội dung số, trò chơi…
VTC Indonesia là một ví dụ khác của việc tìm ra bí quyết thành công. Chỉ sau khi thành lập một thời gian ngắn, dù ở một đất nước đa sắc tộc, có luật pháp, phong tục tập quán khác Việt Nam, nhưng tập thể lãnh đạo và cán bộ công ty VTC Indonesia đã nhanh chóng tìm hiểu đặc điểm tình hình, tích cực liên hệ và thiết lập quan hệ với hàng loạt đối tác của Indonesia để triển khai nhiều công việc đạt hiệu quả tốt.
Với mục tiêu trở thành DN cung cấp dịch vụ nội dung số hàng đầu khu vực ASEAN, trong chiến lược sắp tới, VTC Intecom sẽ cung cấp dịch vụ ở tất cả các nước trong khối ASEAN + Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện VTC Intecom đang cung cấp các dịch vụ chủ đạo là game, dịch vụ nội dung cho mạng di động, truyền hình trực tuyến, đào tạo trực tuyến… cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những mục tiêu phía trước
Với những kế hoạch đầu tư ra nước ngoài đã và đang được thực hiện, tập đoàn Viettel để ra mục tiêu: Đến năm 2015 sẽ có một thị trường quy mô khoảng 500 triệu dân, doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 đến 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 DN viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Tới năm 2020, Viettel sẽ phấn đấu có một thị trường với 1 tỷ dân.
VTC cũng đặt ra những mục tiêu to lớn. Đến năm 2015 sẽ có khoảng 10 triệu ngôi nhà số sử dụng công nghệ số và nội dung số của VTC, VTC sẽ cung cấp nội dung số, truyền hình di động tốc độ cao… cho thị trường ASEAN+3, các kho nội dung số như sách giáo khoa, truyện, sách tham khảo… Chỉ riêng VTC Intecom đã đặt mục tiêu vào năm 2015 sẽ đạt 2 tỷ USD doanh thu, có 10.000 nhân viên, trong đó sẽ có khoảng 1.000 triệu phú USD sau khi công ty cổ phần hóa.
Với những kinh nghiệm nắm giữ chìa khóa thành công, tin tưởng rằng Viettel và VTC sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra và tạo đà cho các DN khác của Việt Nam tiến bước mạnh hơn ra thị trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo
[1]. www.viettel.com.vn
[2].www.vtc.com.vn
[3]. www.ICTnews.vn
[4]. VnEconomy 8/2/2011
[5]. Báo Lao động 13/1/2011