Những lỗi tiếng Việt thường thấy trên báo chí
Nói không quá đáng, trong việc chuyển tải ngôn ngữ mẹ đẻ đến với đông đảo công chúng, báo chí - truyền thông công rất to nhưng tội cũng nhiều.
Thậm chí có ý kiến cực đoan cho rằng báo chí phải chịu trách nhiệm lớn đối với sự hủy hoại, làm hỏng sự trong sáng, quy chuẩn của tiếng Việt. Xin nêu ra đây một vài lỗi mà chúng ta thường thấy trên báo chí - truyền thông:
Một cách đặt tít đánh đố người đọc |
1. Cách viết không thống nhất những từ nước ngoài đã được Việt hóa, tức là đã được phiên âm, dùng phổ biến trong tiếng Việt. Ví dụ: càphê, ximăng, xíchlô, bêtông, axít, vắcxin, kiốt (trên báo Lao Động) hay là cà phê, xi măng, xích lô, bê tông, a xít, vắc xin, ki ốt? Theo chúng tôi, những từ như thế đã thoát khỏi nguyên gốc, được sử dụng như mọi từ tiếng Việt khác, có dấu tiếng Việt thì cần viết tách ra.
2. Nhiều từ có nghĩa rất rõ ràng nhưng thường bị viết sai: Tham quan viết thành thăm quan, chấp bút - chắp bút, lặp lại - lập lại, trùng lặp - trùng lắp, hằng ngày - hàng ngày, thập niên - thập kỷ; không phân biệt được sự khác nhau giữa giả thuyết - giả thiết, tung tích - tông tích… Chúng tôi nhận thấy hầu hết những trường hợp sai do phóng viên và biên tập viên không chịu hiểu kỹ nghĩa của thành tố ghép (đẳng lập hoặc chính phụ) hoặc không nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ vô nghĩa hoặc sai trầm trọng.
3. Người viết không nắm được kết cấu cơ bản chủ vị của câu tiếng Việt nên thường sai trong các trường hợp đặt câu có vị ngữ là những động từ cho biết, khẳng định, nói, nói rằng khi đặt dấu phẩy ngay sau những từ đó. Theo chúng tôi, để bảo đảm chuẩn tiếng Việt phải viết liền thành phần bổ ngữ ngay sau những động từ đó; còn nếu nội dung có tính liệt kê thì dùng dấu hai chấm (:).
4. Những từ nước ngoài về đo lường viết tắt như: km (ki lô mét), kg (ki lô gam), ha (héc ta), m2 (mét vuông)… bị nhiều phóng viên và tờ báo dùng không chuẩn mực. Cần lưu ý rằng những từ đó khi đi liền với con số cụ thể thì có thể viết tắt (ví dụ 200ha, 15km) nhưng khi đi với chữ thì phải viết đầy đủ (ví dụ 200 ngàn héc ta, 1 vạn ki lô mét). Điều rất đáng lưu ý là trong tiếng Việt đã có những từ thay thế rất gọn nhưng ít được dùng, ví dụ: cây số (ki lô mét), ký (ki lô gam).
Ngoài ra, cần quy định rõ những chữ viết tắt chỉ đơn vị tiền tệ, thời gian, đo lường… (như đồng-đ, mét-m, giờ-g, ki lô wat giờ-kwh…) cần viết sát ngay sau các con số bởi khi nó nằm ở cuối dòng dễ bị đẩy xuống dòng dưới đứng một mình, trái với quy chuẩn tiếng Việt.
5. Dùng dấu phẩy (,) tràn lan. Không chỉ trên mặt báo mà ngay cả những văn bản quan trọng của nhà nước bây giờ cũng nhan nhản sự lạm dụng dấu phảy. Họ lý giải rằng tách ra bằng dấu phẩy để nhấn mạnh, làm rõ từng thành phần, từng yếu tố được nói đến nhưng thực ra không cần thiết bởi không dùng dấu phẩy thì người đọc vẫn hiểu nội dung văn bản đang thể hiện cái gì. Rất nhiều từ ghép, thành ngữ cần phải viết liền thì bị tách ra bằng dấu phẩy khiến văn bản trở nên rối, vô duyên, ví dụ: phòng, chống tham nhũng (trong khi đó lại viết liền phòng chống lụt bão); tắm, giặt; cơm, áo, gạo, tiền; rút dây, động rừng; trọng nam, khinh nữ; mưa to, gió lớn; dạy thêm, học thêm; nhà cao, cửa rộng; giận cá, chém thớt…
PGS-TS Vũ Quang Hào tác giả cuốn sách Ngôn ngữ báo chí |
7. Không hiểu do đâu, từ bao giờ, trên cả báo in lẫn phát thanh, truyền hình các phóng viên, phát thanh viên hay dùng cụm từ “bên cạnh đó”. Trong rất nhiều trường hợp, đúng ra phải dùng từ “ngoài ra” bởi không thể “bên cạnh đó” với những điều được nhắc đến ở dạng vô hình, không cụ thể. Lỗi này rất phổ biến, trên tờ báo nào, buổi phát thanh, truyền hình nào cũng mắc.
8. Tốt nhất là tiến tới bỏ dần các chữ số La mã trên mặt báo vì khó đọc, khó nhớ. Ví dụ: thế kỷ XIX, thế kỷ XXI vừa rườm rà, vừa khó suy; trong khi viết đơn giản 19, 21 thì ai cũng biết.
(Biên tập viên báo Thanh Niên)
Nguồn: Tạp chí Người làm báo