Mở rộng trái tim và thấu cảm tận cùng nỗi đau
“Đến khi rời Philippines, tôi mới thật sự cảm thấy mình may mắn, may mắn vì có cơ hội được tác nghiệp ở một nơi thiên tai kinh khủng như Tacloban, vì thế càng thấy may mắn vì mình không phải trải qua những giây phút đối mặt với siêu bão khủng khiếp đó sau khi chứng kiến cả thành phố gần như bị san phẳng, những gương mặt người dân sạm đen vì mệt mỏi, đói khát, những tiếng khóc, những lời kể lể về việc mất chồng, mất con vì bão… Về đến VN rồi mà nhiều ngày sau tôi vẫn bị chìm trong những hình ảnh hoang tàn của cơn bão..."- đó là chia sẻ của nữ nhà báo Đức Hạnh, báo Lao Động khi tác nghiệp trong tâm bão HaiYan tại Philippines vào hồi đầu tháng 11/2013.
Chưa chuyến nào khẩn cấp như chuyến này
Những người làm báo sang được Philippines, chỉ có duy nhất một suy nghĩ trong đầu: Bằng mọi cách phải tiếp cận được tâm bão, đó là sự quyết tâm, thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, và đó chính là sự say nghề. Vì thế khi nhận nhiệm vụ, những người làm báo lên đường sang nước bạn “đón bão” trong tâm thế khẩn trương, không chậm trễ.
Nhà báo Quốc Việt giữa cảnh đổ nát ở sân bay Tacloban. |
Nhà báo Quốc Việt - báo Tuổi trẻ - chia sẻ: "Tôi đã có nhiều chuyến công tác khẩn cấp, nhưng chưa chuyến nào khẩn cấp như chuyến này. Khoảng 11 giờ sáng chủ nhật, tôi còn đang ở Long An, làm tư liệu cho báo xuân, thì cơ quan gọi về chuẩn bị đi Philippines ngay. Số lượng người chết vì bão tăng lên vùn vụt trên các hãng thông tấn quốc tế đã làm toà soạn Tuổi Trẻ sốt ruột. Họ là láng giềng gần chúng ta, cùng hứng chịu bao nhiêu trận cuồng phong. Làm sao người làm báo chúng ta vô cảm được trước nỗi đau này. 2 giờ chiều, tôi và phóng viên Thanh Tuấn, ban Quốc tế, đã có mặt ở sân bay. Chỉ có gần 2 tiếng để xoay sở, gần như chẳng làm được gì, thậm chí không kịp lấy một số dụng cụ cá nhân. Cơ quan phải lo cho gần như tất cả, từ vé máy bay gấp, thiết bị làm việc, bảo hiểm. Thậm chí, điện thoại vệ tinh, cơ quan cũng phải cử người giao giúp tận sân bay. Bình thường, chuyện bảo hiểm có vẻ không quan trọng. Nhưng với những chuyến công tác vào vùng thảm hoạ nguy hiểm thế này, “tấm vé” bảo hiểm cũng góp phần làm người tác nghiệp an lòng dấn thân… 3 giờ chiều, chúng tôi đã bay".
Nhà báo Đức Hạnh- Báo Lao Động tại Philippines. |
Nhà báo Đức Hạnh- báo Lao động- chia sẻ: "Đến sân bay Manila, chúng tôi hỏi mua vé đến Tacloban nhưng lúc đó, Tacloban đã hoàn toàn bị cô lập, không có một chuyến bay thương mại nào có thể tiếp cận, trừ máy bay quân đội… Sau nhiều khó khăn, đến phút cuối cùng, vô cùng may mắn là chúng tôi mua được vé trên chuyến bay đầu tiên từ Cebu đến Tacloban. Mất toàn bộ liên lạc là tình trạng chung ở Tacloban lúc đó. Gần như toàn bộ thành phố bị phá hủy, mọi sóng điện thoại đều không có tác dụng, chỉ duy nhất điện thoại vệ tinh là có thể liên lạc được, nhưng chúng tôi không được trang bị cái đó. Chúng tôi đã lang thang nhiều giờ trên những con đường ngập bùn đất, đi giữa các đống đổ nát và xác người chết la liệt ven đường hay trong các nhà chờ xe bus, nhìn từng đoàn người Tacloban trốn chạy khỏi nơi địa ngục hay những đứa trẻ hứng nước từ những vòi nước bẩn, đào bới trong các đống đổ nát… Bao trùm lên tất cả là một bầu không khí hoang tàn, chết chóc".
Sốc. Sốc. Sốc…
Qua lời kể của những người làm báo mới thấy hết được sự khó khăn, nguy hiểm của nghề nghiệp trong tâm bão. Nhà báo Quốc Việt vẫn còn đầy cảm xúc khẳng định: "Sốc. Sốc. Sốc… Đó là cảm giác, là khó khăn tâm lý ban đầu mà chúng tôi vấp phải khi vào vùng thảm hoạ. Sau đó lại tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn khác khi nơi ăn ngủ không có, thường thì có ai để ý đến một chai nước, nhưng lúc này có tiền thật nhiều cũng chẳng thể mua được một chai nước uống dù nhỏ nhất ở thành phố này. Thức ăn hoàn toàn cũng không có. Thực phẩm, nước uống chúng tôi mang đủ dùng vài bữa nhanh chóng cạn sạch. Chúng tôi bắt đầu đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn như chính người dân trong tâm bão. Điện đóm, viễn thông cũng không có 100%. Cả thành phố chỉ trông chờ vào điểm viễn thông yếu ớt được lắp tạm ở toà Thị chính. Các nhà báo chỉ có duy nhất một kênh này để truyền bài vở về. Nhiều người mệt mỏi vì truyền mãi không được, nằm ngủ vạ vật luôn tại chỗ. Sau đó là vấn đề an ninh quá nguy hiểm. Cả thành phố đói khát mà lại nhiều súng đạn. Người ta bắn nhau, cướp bóc chỉ vì gói bánh, chai nước. Chúng tôi được khuyến cáo không nên đi một mình, không được đi đêm (thiết quân luật), không được mang nhiều đồ đạc vì dễ bị cướp giết. Nếu xảy ra chuyện đó, thì chắc chắn không thể cầu xin sự giúp đỡ của ai. Cảnh sát địa phương đã chết vì bão, tê liệt 100%. Người nơi khác đến cũng lo những điểm cứu trợ công cộng cũng chưa xong. Tuy nhiên, thật sự khi ngồi viết lại những khó khăn này là khi chúng tôi đã xong việc, rời khỏi vùng thảm họa. Còn lúc ấy, không có thời gian, tâm trí nào để mà nghĩ đến mình nữa. Công việc tác nghiệp cuốn lấy chúng tôi. Những cảnh tượng đau khổ của đồng loại ập vào mắt chúng tôi. Nhà báo nào còn có thể nghĩ đến bản thân mình nữa?!!!".
Nhà báo Đức Hạnh cũng nói thêm: "Khó khăn nhất của tôi là làm cách nào để gửi tin bài về được tòa soạn kịp thời. Mặc dù khi sang đến nơi, chúng tôi đã mua sim 3G của Philippines để sử dụng, tuy nhiên, khi đi vào các nơi tâm bão (thị trấn Daan Bantayan ở phía bắc đảo Cebu hay Tacloban), sim 3G cũng không có tác dụng. Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là tranh thủ mọi lúc, mọi chỗ để tác nghiệp, thu thập thông tin, đoạn đường nào may mắn bắt được một chút sóng thì gọi điện, nhắn tin thông báo sơ bộ tình hình về tòa soạn, còn lại thì đều phải quay về trung tâm TP. Cebu mới có thể có sóng 3G hoặc wifi để truyền bài về tòa soạn".
Quả thực những khó khăn rất nhiều nhưng sự dũng cảm và say nghề của những người làm báo Việt Nam tác nghiệp trong tâm bão thực sự đáng nể phục. Tình yêu nghề và sự quả cảm ấy như lời nhà báo Quốc Việt khẳng định: "Có nhiều kỹ năng làm báo mà chúng tôi đã biết cũng như sẽ phải rút kinh nghiệm, học hỏi thêm sau những chuyến công tác đặc biệt này. Nhưng tôi muốn nói rằng “phẩm chất” cao nhất trong các “phẩm chất” của nhà báo là mở rộng trái tim và thấu cảm tận cùng nỗi đau của đồng loại mình. Khi đó, nhà báo sẽ tự biết làm gì, viết gì, và sẽ không sợ bị lạc đường".
Sông Mây
Nguồn: Nhà báo và Công luận