Tặng một bộ áo veston thì không cần đăng báo!

Ngày 9/10, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) đã phối hợp cùng Hội nhà báo Việt Nam tổ chức buổi hội thảo, tập huấn chủ đề về: Đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố và Thực hành kỹ năng đối thoại báo chí.

Tham gia hội thảo có 40 đại biểu, trong đó 25 người phụ trách phát ngôn CQNN tại TP.HCM và một số phóng viên, nhà báo đại diện cơ quan báo chí trên địa bàn. Giảng viên hội thảo là ông Phạm Quốc Toàn - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng ban TGTW; ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phòng pháp luật - chính sách Cục Báo chí; ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng), chuyên gia tư vấn; ông Mai Phan Lợi - Phó TKTS Báo Pháp luật TP.HCM; bà Nguyễn Kim Loan - Trưởng đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM

Buổi khai mạc giới thiệu, làm quen và thực hành các tình huống trước camera, giới thiệu quy định của pháp luật về cung cấp thông tin trả lời báo chí; xác định các vấn đề phức tạp - nhạy cảm trong cơ quan, đánh giá về các rủi ro truyền thông, các phương pháp xử lý khủng hoảng truyền thông, xử lý vấn đề phức tạp nhạy cảm, kỹ năng viết TCBC và họp báo.

Buổi tọa đàm của Hội nhà báo

Buổi tọa đàm nêu cao tính tự chủ, lương tâm đạo đức của người làm báo, nhất là các vấn đề giải quyết đơn thư khiếu tố, các hiệu ứng theo làn sóng. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Phòng Giáo dục quận 8 (TP.HCM) cho biết: “Khi ngành giáo dục được nêu các mặt tốt thì sự quan tâm, chú trọng của nhiều người nhưng khi đưa ra các vấn đề nhạy cảm như bạo hành, ngược đãi học sinh và những việc làm sai trái trong xã hội thì lại gây hiệu ứng, hiệu quả rõ rệt. Ví dụ: Một số trường muốn quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cho học sinh, họ đã thu thêm mỗi tháng 3.000đ cho một cháu để chi phí phục vụ nước uống cho các cháu. Nhưng tin này cũng bị đưa ra để đăng thành bài báo, làm vấn đề trở nên nghiêm trọng. Xét thấy đó là việc làm chính đáng mà bất cứ phụ huynh nào cũng mong muốn con mình được tốt hơn trong sinh hoạt và học tập tại trường.

Nhà báo Nam Đồng cho biết, đôi khi những việc làm vô cùng bình thường và không làm tổn hại đến điều gì về kinh tế cũng như vi phạm đạo đức thì báo chí lại đưa tin. Ví dụ: Khi một nhà báo giúp đỡ cho một đơn vị doanh nghiệp, doanh nghiệp đó cảm kích đã tặng cho nhà báo một bộ áo vét để nhà báo kịp đi nước ngoài làm tin. Đây là việc làm rất nhỏ không đáng để phải đăng báo, một việc làm nhỏ khi đăng báo thành việc lớn. Khi việc làm tốt, đôi khi lại thành xấu khi bị đăng báo, cho nên người làm báo cần có một đạo đức nhất định trong nghề nghiệp.

Khi một công dân họ có quyền kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo gửi về báo chí giải quyết. Người làm báo cần có trách nhiệm truyền đạt thông tin lên cấp trên bằng nhiều hình thức, như công văn, đơn thư. Cơ quan cần có phương pháp giải quyết triệt để trong vòng một tháng. Trong các cơ quan báo chí cần có ban chuyên xử lý, giải quyết các vấn đề đơn thư khiếu tố, trích nguồn kinh phí cho nhà báo đi tác nghiệp, tìm hiểu rõ nguồn thông tin để giải quyết triệt để các vấn đề đơn thư khiếu nại đó.

Các nhà báo cũng cần được cơ quan quản lý quan tâm đến đời sống, có chính sách đãi ngộ trích thưởng, chi trả nhuận bút đầy đủ để đảm bảo không lạm dụng trục lợi tham ô bằng nhiều hình thức khi đi tác nghiệp.

Buổi tọa đàm còn xoay quanh việc xử lý tình huống báo chí, đơn thư, đạo đức, thực hành các nghiệp vụ chuyên nghiệp hơn.

                                                                                                                                   Trần Hồng Anh

Nguồn: Báo Nhà báo và Công luận

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật