Báo chí & “không gian cộng đồng” năm 2013
Khi “không gian cộng đồng” không còn bó hẹp
Đất nước Việt Nam vừa trải qua những ngày thương nhớ, nuối tiếc vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã có rất nhiều tin, bài báo và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng cả trong nước và quốc tế ca ngợi Đại tướng như người anh hùng dân tộc, Vị tướng của nhân dân ở thế kỷ 20. Những hình ảnh, những dòng chữ thấm đẫm nước mắt về sự ra đi của Đại tướng làm xúc động lòng người. Tất cả người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đã chờ đón mất mát này như một tất yếu sẽ xảy ra trong cuộc đời sống một con người. Tuy nhiên, khi tin Đại tướng qua đời, nhiều người mới cảm thấy thực sự của sự mất mát và không ai bảo ai, mọi người tìm đến các thông tin, mong muốn được biết hơn nữa về Đại tướng, về những chiến thắng lẫy lừng của Quân đội Việt Nam trong các trận đánh dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Đại tướng được mệnh danh là “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người dân cũng muốn được chứng kiến về các cuộc viếng thăm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế trong những ngày tang lễ qua các phương tiện báo chí truyền thông.
Báo chí của chúng ta đã làm rất tốt để đáp lại mong mỏi đó của những người dân.
“Cũng trong sự kiện này, các trang mạng xã hội như Facebook và một số diễn đàn của các nhóm trên mạng đã không ngừng cập nhật hình ảnh, thông tin, cảm nghĩ của cá nhân trước sự ra đi của Đại tướng” - Ảnh: INTERNET |
Tuy nhiên, vẫn còn những phàn nàn chưa thỏa mãn của công chúng đối với báo chí trong việc đưa tin liên quan đến lễ tang Đại tướng. Để thỏa mãn nhu cầu của mình, nhiều người đã chuyển sang xem kênh truyền hình của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Kênh này đã sử dụng các máy quay phim, đặt trên các tuyến đường theo dõi giao thông của hệ phát thanh VOV giao thông, để tường thuật truyền tải hình ảnh đoàn xe tang chở Đại tướng đi qua ra sân bay quốc tế Nội Bài về quê hương của Người ở Quảng Bình. Hình ảnh không rõ ràng nhưng đã đáp ứng nhu cầu được chứng kiến đoàn xe tang Đại tướng rời Thủ đô Hà Nội của công chúng. Cũng trong sự kiện này, các trang mạng xã hội như Facebook và một số diễn đàn của các nhóm trên mạng đã không ngừng cập nhật hình ảnh, thông tin, cảm nghĩ của cá nhân trước sự ra đi của Đại tướng.
Cũng có lẽ, chưa bao giờ những người sử dụng mạng xã hội lại đồng nhất đến như thế khi họ đăng tải và chia sẻ những hình ảnh, những cảm xúc cá nhân bày tỏ sự khâm phục về vị Đại tướng tài đức vẹn toàn.
Sự phát triển của công nghệ thông tin Internet đã làm sống lại “không gian cộng đồng” của Nhà tư tưởng người Đức, Habermas. Ngày nay, người dân không cần phải đến quán trà, quán cà phê để diễn thuyết, tranh luận và chờ được đăng ý kiến của họ trên truyền thông đại chúng nếu có mặt phóng viên ở đó. Người dân đã làm chủ nhu cầu hưởng thụ thông tin của họ. Và không gian cộng đồng của thế kỷ 21 không còn nhỏ hẹp trong quán trà, hay quán cà phê của Habermas mà nó không có giới hạn. Với chiếc điện thoại trên tay, người dân có thể chia sẻ bất cứ gì họ muốn, bất cứ lúc nào họ muốn lên không gian cộng đồng mênh mông, đó là mạng xã hội. Họ không phải “lụy” vào báo chí như trước mà có thể chủ động tham gia vào cuộc chơi cùng cung cấp, chia sẻ đăng tải thông tin cho công chúng và cho cả báo chí. Công nghệ thông tin đã mang lại sức mạnh cho người dân: họ ở thể chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và cung cấp thông tin. Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với nhà báo và các cơ quan báo chí.
Thách thức “đi ra khỏi chiếc hộp”
Tác động của công nghệ thông tin với sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành truyền thông đã được nhiều nghiên cứu nói đến, cũng không còn là vấn đề mới mẻ. Nhu cầu tiếp nhận và tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng cũng đã thay đổi. Thói quen và nhu cầu đọc báo giấy giường như không có ở lớp tuổi trẻ thế hệ 8X, 9X mà thậm trí cả những thế hệ lớn tuổi hơn. Thay vào văn hóa đọc báo in truyền thống, nghe đài truyền thông hay ngồi trước TV xem là văn hóa lướt mạng, họ xem báo chí qua mạng và rồi lại đăng tải thông tin lên mạng.
Thách thức của của cơ quan báo chí và nhà báo hiện nay trước sự phát triển của công nghệ thông tin đó là làm thể nào kết hợp giữa báo chí truyền thống và các loại hình báo chí mới. Họ đang rất cần có chiến lược số, truyền thông đa phương tiện. Họ cần phải mạnh dạn “đi ra khỏi chiếc hộp” đó là thói quen làm báo chí truyền thống, xóa bỏ những nếp làm việc và suy nghĩ đưa tin theo kiểu cũ, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của khán giả, độc giả của thời đại Internet. Sự kiện đám tang Đại tướng như đã phân tích ở trên là một ví dụ. Khi đài truyền hình Trung ương chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người dân thì họ tự phục vụ chính họ: họ tự chụp ảnh, quay phim đưa lên các mạng xã hội như facebook, Youtube, Twitter… Họ chính là người xuất bản. Tính gác cổng thông tin của báo chí đã vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà báo và cơ quan báo chí. Báo chí vẫn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nếu như báo chí tự điều chỉnh mình bằng kết hợp truyền thông mới thông qua ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.
Truyền thông hội tụ hay truyền thông đa phương tiện là vấn đề chiến lược, chứ không phải vấn đề về không gian, nguồn lực, công nghệ hay thời gian. Cho đến hiện nay, còn nhiều cơ quan báo chí, truyền thông vẫn e ngại, đưa ra đủ mọi lý do để biện minh cho sự trì hoãn hoặc phản đối việc triển khai truyền thông đa phương tiện. Truyền thông đa phương tiện cũng không phải là một lựa chọn mang tính hình thức mà đó là yếu tố cần thiết cho việc vận hành hiệu quả một phòng tin hiện đại ngày nay trên cơ sở công nghệ giúp cho việc tổ chức sản xuất rẻ, không tốn kém. Các cơ quan truyền thông có thể triển khai truyền thông đa phương tiện không phải bỏ ra chi phí lớn. Thực tế của một số cơ quan báo chí, truyền thông cơ nước ngoài và ở Việt Nam cho thấy họ chỉ có một vài phóng viên làm việc trong một văn phòng với kích cỡ nhỏ nhưng hoạt động truyền thông đa phương tiện rất có hiệu quả. Có nhiều cơ quan truyền thông truyền thống có công sở, phòng rộng, có tới hàng trăm nhân viên biên chế nhưng sản phẩm của họ lại chỉ phục vụ một số lượng độc giả không lớn. Vấn đề không nằm ở kích thước của cơ quan truyền thông, vấn đề là việc thay đổi để thích nghi với chiến lược, sao cho phù hợp với cơ quan và công chúng.
Việc có những thông tin nhất quán trên tất cả các phương tiện truyền thông sẽ củng cố thêm thương hiệu của cơ quan. Việc quản lý chất lượng tập trung sẽ đảm bảo chất lượng nội dung tốt nhất trên mọi loại kênh thông tin của cơ quan báo chí đó. Áp dụng chung một kế hoạch thống nhất sẽ đảm bảo nguồn cung cấp ổn định thông tin độc quyền về những vấn đề đang được công chúng quan tâm nhất.
Nắm lấy cơ hội
Những lợi ích của chiến lược truyền thông đa phương tiện sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan báo chí. Việc thu thập tin tức được sắp xếp hợp lý sẽ cải thiện tốc độ phản ứng và hiệu quả với thông tin, giảm sự chồng chéo trong phân công công việc, từ đó tiết kiệm chi phí cho nguồn lực. Đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công chúng của báo in đang giảm mạnh, dự báo một tương lai không mấy sáng sủa của báo tin thì phương thức truyền thông đa phương tiện sẽ có khả năng thích ứng với nhiều cơ hội kinh doanh mới từ các nguồn lực sẵn có. Những cơ hội và thách thức cho mà các cơ quan báo chí Việt Nam đang hiện hữu và cấp bách đòi hỏi họ cần phải hành động.
Về cơ bản, việc cạnh tranh để thu hút nhà quảng cáo cũng không có mâu thuẫn với việc làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của độc giả - khán giả. Để độc giả quan tâm đến báo chí thì nhà báo cần phải phản ánh những vấn đề gắn với quyền lợi của họ, những vấn đề họ đang trăn trở. Như nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài Sứ mệnh của Nhà báo nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã viết: “Các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống... Báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.
PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng
Nguồn: Tạp chí Người làm báo