“Tiếng vọng ngàn năm” - mang Chèo xưa về với ngày nay
(ICTPress) - Chèo vốn từ lâu đã được coi là loại hình sân khấu thuần Việt nhất bởi hiếm có loại hình nghệ thuật nào lại gắn bó, hòa quyện vào cuộc sống lao động, sinh hoạt của nguời Việt ta một cách dung dị, mộc mạc mà tình tứ đến thế.
“Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem
Chẳng thèm ăn chả ăn nem
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”
Cho đến nay, Chèo cùng với ca trù, dân ca quan họ… đã trở thành những “từ khóa” quan trọng cho những ai muốn tìm đến những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Ra đời ở cố đô Hoa Lư bởi một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10 - bà Phạm Thị Trân, từ thủa ban đầu, chèo tồn tại dưới hình thức hát múa dân gian, trải qua năm tháng, chèo tự bao giờ xuất hiện trước sân đình vào mỗi dịp hội hè đình đám, thu hút hết thảy “già trẻ gái trai”, trở thành một môn nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt, là một biểu tượng của văn hóa dân gian Việt Nam.
Chèo đẹp là bởi những Xúy Vân, Thị Kính, Thị Mầu, Mẹ Đốp hay anh hề hầu quan,… bởi họ là những con người đời thật, bước vào chèo để nói lên tiếng nói của dân gian. Tích trò trong chèo dù xưa hay nay vẫn luôn là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mà ở đó cái thiện - cái đẹp luôn chiến thắng, tỏa sáng và cảm hóa cái xấu - cái ác; luôn chứa đựng và gửi gắm ước mơ, tâm hồn người Việt về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng, ấm no, viên mãn!
Sau ngần ấy thăng trầm của lịch sử, bao thế hệ người Việt say mê những Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình Dương Lễ,… Ấy vậy mà chiếu chèo nay đã thiếu vắng đi những gương mặt trẻ - cả ở góc độ nghệ sĩ và khán giả. Nguyên do từ đâu? Vì người Việt trẻ không còn yêu chèo? Vì chúng ta đánh rơi tiếng nói chung giữa khán giả hiện đại và cách truyền tải ngàn xưa của nghệ sĩ? Hay bởi sự lên ngôi những loại hình nghệ thuật hiện đại đang vô tình làm mờ dần đi những tinh túy dân tộc vốn vẫn được tôn vinh bao đời?
Đi tìm câu trả lời, “Tôi xê dịch” xây dựng chương trình Windy Day 9 “Tiếng vọng ngàn năm” với mong muốn mang chèo xưa về với ngày nay, nghĩa là tái hiện chèo một cách trọn vẹn nhất.
Khán giả trẻ sẽ về với sân đình, ngồi khoanh chân trên chiếu cói đỏ, học cách thưởng thức chèo cho ra chèo, nghe tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng sáo, tiếng đàn nhị, đàn bầu… hòa chung một điệu vỡ nước, say mê với cái lúng liếng đưa tình của cô Thị Mầu, thấy tim nhói khi chứng kiến Thị Kính bị bà Sùng đổ oan, dở khóc dở cười với cảnh cả làng phạt vạ nàng Mầu lẳng lơ nhưng trái ngang mang lòng yêu Tiểu Kính… để rồi sẽ thắt lòng khi chia sẻ tâm sự với những nghệ sĩ chèo chân chính, và bối rối với những trăn trở nghề chèo…
Bên cạnh việc tham quan các di tích, thắng cảnh, điểm nhấn của các chương trình này là khi các bạn trẻ có thể lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia văn hóa-lịch sử, nhằm có được những bài học sống động, gần gũi và thú vị nhất về đất nước và con người Việt Nam.
Vua chèo Trần Đình Ngôn: “Đi, thấy và phải ngẫm nữa”
“Sở hữu gia tài đồ sộ với 105 kịch bản dài (tính tới năm 2013) với những đề tài phong phú: đề tài khai thác từ văn học dân gian, đề tài lịch sử danh nhân văn hoá, đề tài hiện đại kể cả từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đề tài cách mạng và lãnh tụ, các đề tài khác như dã sử, nước ngoài,....”
“...đóng góp kịch bản trong 33% Huy chương vàng, 25% tổng số Huy chương Bạc của các vở chèo được tặng giải thưởng từ 1955 đến 2005”
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. ...
TS. Trần Đình Ngôn |
Những con số đầy ấn tượng mà các trang báo dành để viết về TS. Trần Đình Ngôn tưởng đã là nhiều mà vẫn chưa đủ. Là vì đối với bác, con số có giá trị lớn nhất, phải chăng là trên 50 năm đã từng gắn với với những câu thoại, lời hát, những tích xưa; chưa đủ, bởi một lẽ chẳng dễ để truyền đạt: nỗi niềm trăn trở, những đau đáu: phải gìn, phải giữ, phải cưu mang mà người nghệ sĩ ấy dành cho nghệ thuật chèo dân tộc.
Những “nhiều mà chưa đủ” ấy, được bộc lộ dần qua từng dòng chia sẻ về “cái nghiệp chèo” của TS. Trần Đình Ngôn. Người nghệ sĩ vốn sinh ra tại Hải Dương, trưởng thành ở đất Cảng, nhưng lại nảy nở tài năng nghệ thuật tại xứ Hà thành, vẫn nhớ như in từng giây phút trong nghiệp chèo của mình, từ kịch bản chèo đầu tiên “chị Dậu”- chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, với số nhuận bút “đủ mua một chiếc xe đạp Phượng Hoàng”, tới giờ. Cũng đã qua một nửa thế kỉ.... Một nửa thế kỉ, không chỉ giữ lửa cho biết bao sân khấu chèo từ thành phố tới những miền quê Việt, từ trong nước cho tới những cộng đồng văn hóa quốc tế; bác còn mang trong mình niềm nhiệt tâm “truyền lửa” không bao giờ mất: mong mỏi một lớp những người Việt “không già”, trước hết là hay thích, về sau là yêu, là đam mê, rồi từ đó đau đáu một lòng “tiếp lửa”.
Một phần những ấp ủ không nhỏ của TS. Trần Đình Ngôn được truyền tới người con trai hiện giờ là tác giả chèo uy tín: Trần Đình Văn. Nào khắp những chiếu chèo truyền thống nơi sân đình, với sân khấu ba mặt, với những tích chèo cổ Thị Mầu, Thị Kính gắn liền cùng biết bao đời nông dân Việt; cho đến những vở chèo hiện đại tại sân khấu chèo lớn nhất nhì chốn thành thị, cùng hình tượng vị lãnh tụ, người chiến sĩ, người công nhân trong thời kì đổi mới; hai cho con “hổ phụ”, “hổ tử”- người “thất thập cổ lại hy”, kẻ “trạc tứ tuần” cùng tung hoành “ngang dọc” để làm lớn mạnh hơn, phong phú hơn, sâu sắc hơn “chiếu chèo nước nhà”.
Đã ở tuổi xế chiều, nhưng “cái lòng” với chèo của bác chẳng khi nào ngơi nghỉ: vẫn những bản thảo tự viết rồi mới để con gái đánh lại, vì “muốn giữ lại bút tích”, vẫn những chuyến đi ngang dọc đất nước sang sảng những lời tâm huyết với người trong ngoài nghề, và hơn hết, là vẫn những lời tận tụy gửi gắm tới một thế hệ thanh niên Việt yêu văn hóa: “đi, thấy, và phải ngẫm nữa”.
“Đi, thấy, và phải ngẫm nữa”, phải chăng một lời kêu gọi, nhẹ bẫng đấy, nhưng níu giữ khôn nguôi với thế hệ trẻ Việt, những con người cũng sẵn trong mình mong mỏi “Đi nhiều hơn, sống sâu hơn”.
NSƯT Thanh Ngoan: “Người nghệ sĩ của những nghệ thuật dân gian”
“Sau 35 năm gắn bó với chèo, tôi chưa bao giờ hối tiếc điều gì, không cảm thấy ân hận khi chọn Chèo là con đường sự nghiệp của mình” là lời giãi bày mang đầy tâm huyết của NSƯT Thanh Ngoan khi được hỏi về con đường nghệ thuật chị đã trải qua suốt phần ba thế kỉ.
Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Thanh Ngoan |
NSƯT Thanh Ngoan tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngoan, sinh năm 1966 tại Thái Thụy, Thái Bình - một trong những cái nôi của các làn điệu chèo đặc sắc.
Thanh Ngoan bén duyên với Chèo từ năm lên 9 qua những câu Chèo ngân nga vang vọng nếp nhà từ ông, bà, cha, mẹ, cậu, dì… Con đường nghệ thuật thực sự bắt đầu khi năm 13 tuổi, Thanh Ngoan trúng tuyển diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. Kể từ đó đến nay, cuộc sống của cô “đào lệch” ấy không khi nào vắng bóng tiếng Chèo; tiếng của các loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc như là Ca Trù, như là Xẩm, như là Chầu Văn…
TS. Nguyễn Thị Minh Thái đã không ngớt ca ngợi rằng “đây là một nghệ sĩ Chèo đích thực”, một người nghệ sĩ “biết giữ giá cho chèo và làm sáng giá cho chèo” khi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thanh - sắc - thục - tinh -khí - thần”. Điều này không chỉ được khẳng định qua hàng chục huy chương Vàng trong các kì liên hoan sân khấu mà còn được thể hiện trong sự nhiệt huyết của chị suốt mấy chục năm nghề. Thành công đến với Thanh Ngoan ngày hôm nay không được rắc nhung lụa, hoa hồng… đó là con đường đầy chông chênh, vất vả mà phải “vững tay chèo” lắm mới không bị thế thời quật ngã.
Thanh Ngoan là người đầu tiên đưa Ca Trù vào Chèo khi diễn vai chủ quán Hồng Chấu năm 1988; cũng là người đầu tiên mang yếu tố hài hước vào trong những nhân vật tính cách như Hoạn Thư, vợ cả Dọc, Đào Huế… và cũng là một NSƯT hiếm hoi sẵn sàng ngồi chiếu chợ Đồng Xuân suốt mấy năm ròng để hát Xẩm. Sự cố gắng, nỗ lực, hi sinh ấy không gì hơn ngoài mong muốn lưu giữ, truyển tải, phổ biến và phát triển văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên, rơi rớt. Chị tâm sự rằng: “dù là làm gì cũng nhớ đến nghiệp tổ và dù làm gì cũng là để giữ lấy nghiệp tổ”.
Niềm đam mê của Thanh Ngoan với Chèo với văn hóa truyền thống ăn vào máu thịt dường như đã trở thành bản năng sống. Chị tự tin nói rằng nếu niềm đam mê cháy bỏng trong chị mà tắt lịm thì chắc chẳng còn ai đến với Chèo nữa. Qủa thực là thế, người nghệ sĩ ấy đã dành hết tuổi thơ, tuổi thanh xuân của mình bên chiếu Chèo dân tôc. Bây giờ, khi đã trở thành Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, Thanh Ngoan vẫn luôn đau đáu nỗi niềm với nghiệp tổ. Chị cho phục dựng lại chiếu chèo cổ phục vụ vào thứ 6 hàng tuần diễn các vở chèo cổ, tích chèo xưa hay các tác phẩm chèo hiện đại.
Chặng đường Thanh Ngoan đã đi qua, những thành công đã đạt được khiến ta không khỏi thán phục và tự hào thay cho văn hóa truyền thống của dân tôc. Nhưng có lẽ dù là 35 năm đã qua hay bao nhiêu năm kế tiếp, người NSƯT ấy vẫn sẽ đau đáu nỗi niềm “gắn kết những con người trong làng Chèo lại với nhau, truyền lửa cho họ, nhất là thế hệ trẻ, làm sao để các thế hệ diễn viên sau này nhận thức được việc giữ nghiệp chèo truyền thống như Trung Quốc giữ kinh kịch, Nhật Bản giữ kịch nô.
Với hàng loạt các hoạt động triển lãm và biểu diễn, Tôi xê dịch hy vọng mang lại cái nhìn gần gũi, đầy đủ nhất về nghệ thuật Chèo ngàn xưa tới các bạn trẻ! Tôi xê dịch tin tưởng mạnh mẽ rằng: chính vẻ đẹp mộc mạc mà tình tứ từ những câu hát, những điệu múa chèo sẽ trở thành tiếng nói mạnh mẽ nhất, thôi thúc nhất dành cho thế hệ trẻ chúng ta, từ đó cùng nhau bảo vệ và giữ gìn nghệ thuật chèo - “viên ngọc long lanh sắc màu” tỏa sáng trong lòng tinh hoa văn hóa dân tộc Việt!
Bạn đọc quan tâm tới Chương trình có thể tải nội dung tại đây.
Minh Anh