Thưởng thức tour du lịch “Ca trù - Vang bóng một thời”

(ICTPress) - Từ 14h00 - 17h00 ngày 21/4/2013 tại Không gian nghệ thuật Ngọc Châu, ngõ 310 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội sẽ diễn ra Chương trình Tour du lịch Windy Day 7 “Ca trù - Vang bóng một thời”.

Ảnh: QH

Đây là tour thứ 7 trong chuỗi sự kiện tour du lịch văn hóa gồm Windy Day 1: “Xê dịch” ở Lào, Windy Day 2: Phật giáo và cuộc sống văn hóa thường ngày của người Việt, Winday Day 3: Tìm hiểu Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Nho học thời cực thịnh, Windy Day 4: Tham quan Hoàng Thành Thăng Long và tìm hiểu văn hóa Hà Nội xưa, Winday Day 5: Tham quan Phủ Tây Hồ và tìm hiểu về Đạo Mẫu, Windy Day 6: “Cầu Rồng kể chuyện”.

Chương trình tìm hiểu văn hóa Windy Day 7 với chủ đề “Ca trù – Vang bóng một thời”, được sự hướng dẫn của cố vấn chuyên môn - TS. Văn học Nguyễn Đức Mậu, là nỗ lực hợp tác giữa Dự án truyền thông văn hóa - du lịch dành cho giới trẻ “Tôi xê dịch” và Không gian nghệ thuật Ngọc Châu.

Đây là cơ hội để những người yêu nghệ thuật và đam mê văn hóa được đắm mình trong một không gian của thi ca và âm nhạc hoà quyện và kết tinh trong một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc - ca trù. Không chỉ có cơ hội được nghe biểu diễn ca trù, các bạn còn được giao lưu với nghệ nhân đàn đáy, xuất thân từ gia tộc 7 đời giữ nghề ca trù - NSƯT Nguyễn Văn Khuê.

Cho đến nay, chưa ai biết chính xác ca trù có từ bao giờ, nhưng theo những chuyên gia nghiên cứu thì tài liệu về ca trù có sớm nhất từ thế kỉ 15 (thời nhà Lê). Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì đời vua Lý Thái Tổ có người ca nương tên là Đào Thị giỏi nghề ca hát, thường được nhà vua ban thưởng. Người thời bấy giờ ngưỡng mộ danh tiếng của Đào Thị nên phàm là con hát đều gọi là Đào nương.

Một chầu hát cần có ba thành phần chính:

Một nữ ca sĩ (gọi là "đào" hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp trong khi hát. Ca nương phải có chất giọng thanh, cao, vang, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt (đổ hột), đổ con kiến. Ca nương phải biết rành 5 khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.

Một nhạc công nam giới (gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn, khổ phách, tiếng ca phải hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn.

Người thưởng ngoạn (gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát) là người cầm chầu, tiếng trống chầu vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương, kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay.

Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch," nghĩa là "ngay ở chiếu."

Sinh ra trong cái nôi của văn hoá dân gian, nhưng ca trù lại trở thành một bộ môn nghệ thuật bác học vào bậc nhất của nền âm nhạc cổ truyền dân tộc. Theo thời gian, tùy vào từng không gian văn hóa và chức năng trong xã hội mà ca trù có những tên gọi khác nhau: hát ả đào, hát ca trù, hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà trò, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát quan công; nhưng dù tên gọi nào thì loại hình âm nhạc này cũng thể hiện một ý thức sâu sắc về bản sắc dân tộc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, để từ đó có một sức sống riêng với những giá trị nghệ thuật và văn hóa rất Việt Nam.

Ngày 1/10/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 2/10/2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo TS. Nguyễn Xuân Diện, một người có nhiều năm nghiên cứu ca trù đã cho biết: “Cái khác lớn nhất giữa xưa và nay là không gian, không khí ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù thì đã mất thật rồi. Người nghe đã khác xưa nhiều. Đào kép cũng khác xưa nhiều. Không gian văn hóa của việc thưởng ngoạn ca trù càng khác xưa, người ta sẽ tìm đến với chiếu hát ca trù, khi người ta cần một trạng thái cân bằng sau tất cả những gì mà cuộc sống công nghiệp đã cuốn họ đi. Tất nhiên, trên cái chiếu đó, trong cái nhà hát đó phải là những nghệ sỹ thực sự, và tiếng hát ấy phải là ca trù đích thực, tức là “ca trù ra ca trù”.

Giá vé tham dự chương trình Tour du lịch Windy Day 7: “Ca trù - Vang bóng một thời” là 50.000đ. Vé được bán vào Chủ Nhật, ngày 21/04/2013 tại Không Gian Nghệ Thuật Ngọc Châu, 310 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội. Tiền bán vé chỉ nhằm mục đích trang trải cho các chi phí của Windy Day, không mang tính lợi nhuận.

Bạn đọc quan tâm có thể tại nội dung chương trình tại đây.

Để tìm hiểu thêm thông tin về chương trình, các bạn trẻ có thể truy cập website: www.toixedich.com hoặc đăng ký trực tiếp tại  http://bit.ly/YTf0jQ.

Minh Anh

Tin nổi bật