Đảo quốc Singapore

Nói đến Singapore là nói đến nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu. Hai cái tên Lý Quang Diệu và Singapore không thể tách rời. Singapore đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển theo đường hướng chủ đạo do Lý Quang Diệu hoạch định.

Tôi đến Singapore nhiều lần, lúc thì đi với vai trò nhà báo, khi thì đi với đoàn doanh nhân và có khi vào vai lữ khách. Mỗi lần đến là thêm những khám phá, mới lạ, cuốn hút về sự phát triển ngoạn mục của Quốc đảo này.

Quốc gia nhỏ, tầm ảnh hưởng lớn

Thế giới nhận xét, Singapore là một “Chấm đỏ nhỏ” trên bản đồ, quốc gia “Bé hạt tiêu”, một quốc gia nhỏ có tầm ảnh hưởng lớn - có thế đứng vững chắc trên thế giới. Vốn là làng chài của người Mã Lai, tên Singapore xuất phát từ tiếng Malaysia, được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là singa (sư tử) và pura (thành phố) - thành phố sư tử.

Một góc thành phố Singapore - Ảnh: Eurosis.org

 Giáo sư, nhà báo quốc tế người Mỹ Tom Plate, trong một lần đến TP.HCM, thông qua phó giáo sư, tiến sĩ sử học Phan Xuân Biên tôi tiếp xúc với ông và cùng ông đến khu công nghiệp Bình Dương, do một tập đoàn Singapore đầu tư. Tom Plate trao đổi về sự “khôn ngoan” và sự “phát triển thần kỳ” của Quốc đảo Sư tử. Ông nhiều lần đến Singapore và trực tiếp phỏng vấn ông Lý Quang Diệu để phác họa rõ nét nhà lãnh đạo tài năng này.

 Một đảo quốc chưa đến 5 triệu dân, diện tích chỉ bằng thành phố Los Angeles của nước Mỹ, hoặc bằng huyện Cần Giờ - TP.HCM. Trong vòng mấy chục năm, Singapore đã phát triển ngoạn mục. Cuộc bứt phá huyền thoại từ nghèo nàn trở thành một quốc gia giàu có, phát triển, hiện đại gắn chặt với tên tuổi, sự nghiệp của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu.

 Việc tách khỏi Liên bang Malaysia đồng nghĩa với việc tự cung, tự cấp, Singapore đối mặt với hàng loạt khó khăn, thất nghiệp, thiếu nhà ở, thiếu lương thực, tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng giá, thiếu nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển. Diện tích đất đai hạn hẹp. Vấn đề “nóng” của sắc tộc - mối hiểm họa đe dọa khủng bố từ Jemaah Islamiah.

 Thủ tướng Lý Quang Diệu và các cộng sự Đảng Nhân dân Hành động (PAP) đã chèo lái, đưa Singapore vào quỹ đạo phát triển bài bản - tầm nhìn thế kỷ.

 Quy hoạch bài bản, mở rộng lãnh thổ

 Công việc đầu tiên mà Thủ tướng Lý Quang Diệu và các cộng sự thực thi là quy hoạch phát triển thành phố, trên cơ sở quỹ đất trên đảo rất hạn hẹp. Lúc đó, thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ rõ, quy hoạch của đảo phải có tầm nhìn xuyên suốt thế kỷ 21, phát triển công nghiệp, dịch vụ, cảng biển gắn với dân sinh.

 Sau khi chắt lọc tinh hoa thành tựu quy hoạch thế giới, trên cơ sở quỹ đất của đảo, căn cứ định hướng phát triển cơ bản, dài hạn của chính mình, quy hoạch xây dựng thành phố được Chính phủ phê duyệt. Công cuộc xây dựng “quốc đảo hiện đại” cứ vậy mà thực thi, chấm dứt mọi bàn cãi. Toàn đảo được chia thành 55 khu vực quy hoạch.

 Singapore quy hoạch thành 12 khu công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là khu công nghiệp Jurong. Khu công nghiệp cảng phát triển ngành đóng tàu, sửa chửa tàu, công nghiệp lọc dầu. Kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán - thương mại và dịch vụ. Singapore trở thành thành phố quốc tế sầm uất, với nhiều tòa nhà cao tầng, công viên xanh.

 Hạ tầng kỹ thuật giao thông, hệ thống đường sá trên quốc đảo phát triển chất lượng được coi tốt nhất thế giới. Hai phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất Singapore là xe bus (hơn 3 triệu lượt khách mỗi ngày) và tàu điện ngầm (hơn 2 triệu lượt khách mỗi ngày).

 Ông Lý Quang Diệu từng tuyên bố:

- Lẽ thường, người đẻ nhưng đất không đẻ. Với đảo quốc, biển cả bao bọc chung quanh, chúng ta bắt đất đẻ ra đất, vì sự sống còn!

 Đảo quốc Singapore rất coi trọng việc mở mang lãnh thổ, bằng cách lấy đất từ những ngọn đồi, đáy biển và mua đất từ những quốc gia lân cận. Nhờ vậy, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5km2 thập niên 60 thế kỷ trước lên 697,25km2 ngày nay. Dự kiến đến năm 2030, diện tích lãnh thổ Singapore sẽ tăng lên xấp xỉ 800km2.

 Singapore còn mở mang lãnh thổ bằng cách xây dựng thành phố ngầm để… tiết kiệm đất. Tiếp xúc với đoàn nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Khaw Boon Wan nêu rõ:

 - Các quốc gia trên thế giới đã có kinh nghiệm mở rộng không gian ngầm dưới lòng đất. Singapore càng phải làm như vậy. Chúng tôi hướng đến không gian ngầm với các kế hoạch xây dựng khu phức hợp giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị hoàn chỉnh dưới lòng đất, hệt Singapore thứ hai vậy.

 Năm 2011, tôi đến Singapore cùng một cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Chúng tôi dành cả buổi sáng để cùng khám phá “thành phố ngầm”. Bắt đầu từ ga tàu điện ngầm UAF, tôi lọt vào “ma trận” đường cao tốc xuyên đất, với không gian ngầm 12 đường cao tốc, 80km đường tàu điện ngầm nối liền các các trung tâm thương mại đô hội, tấp nập người mua sắm. Dòng người đổ về từ các hướng mỗi khi tàu điện ngầm cập bến, tận hưởng sự thoải mái và an ninh khi dạo chơi, mua sắm dưới lòng đất từ con đường Orchard nổi tiếng đến tòa thị chính, Tanjong Pagar và vịnh Marina. Gặp nhóm lữ khách quen thân thuộc Công ty Du lịch lữ hành Bến Thành từ TP.HCM, để cùng ngồi nhâm nhi cà phê với bánh ga tô tại “Orchard ngầm”. Mọi sinh hoạt - cuộc sống con người ở “thành phố ngầm” diễn ra chẳng khác gì trên mặt đất.

 Ông Lý Quang Diệu cho rằng, việc “xuất khẩu tư bản”, cách mà Karl Marx đã nói, bằng cách mở rộng, tăng cường đầu tư ra các nước, trên cơ sở các bên cùng có lợi cũng là cách mở rộng lãnh thổ hợp lý của thời thế giới phẳng. Và trên thực tế, với sự mở rộng đầu tư nghiêm túc ở các quốc gia bạn, Singapore đã thành công.

 Thế mạnh du lịch, phát triển ấn tượng

 Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Goh Chok Tong, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long đều coi trọng phát triển du lịch từ 2 hướng: Xây dựng, tạo lập môi trường sống tự nhiên tốt nhất; tận dụng lợi thế nền văn hóa đa dân tộc.

 Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, đã nói đến Singapore là nói đến một thành phố bản sắc đa văn hóa, xanh, sạch, đẹp; năng động, trật tự và ngăn nắp, truyền thống và hiện đại. Đó là thành phố của những cuộc dạo chơi an bình, thư thái của du khách. Singapore là thành phố sạch, an toàn. Không quá lời khi một du khách người Nga đã nhận xét, ở Singapore muốn gì cũng có, chỉ một thứ khó kiếm, đó là rác. Singapore là nơi dành cho các kỳ nghỉ dưỡng, bởi bầu không khí trong lành, bãi tắm sạch, với những điểm tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn, khám phá và tận hưởng một trải nghiệm du lịch lý thú. Giáo sư Tom Plate đã nhận xét về thế mạnh của “đảo làng chài” này:

 - Môi trường sống của quốc đảo sư tử xếp hàng đầu châu Á. Singapore có hệ thống bệnh viện hiện đại hoàn hảo kết hợp với y học truyền thống của người Trung Hoa. Đến xứ sở này vừa du lịch, vừa kết hợp chữa bệnh - dưỡng bệnh, thật tuyệt vời.

 Hai lần tôi đến vườn thực vật quốc gia rộng 52ha, nơi có vườn hoa lan nhiệt đới với 3 ngàn loài hoa. Khung cảnh thanh bình, yên tĩnh, đẹp mê hồn làm tan biến mọi cảm giác đô hội phố phường. Tôi gặp Trần Ngọc Huyền Trang và nhóm sinh viên người Việt ngồi đọc sách ở “thư quán” trong vườn thực vật quốc gia. Các em đang bảo vệ luận án cao học về môi trường và thường đến đây tìm hiểu về môi sinh vườn thực vật, các loại cây lá, hoa cảnh. Tài liệu rất phong phú, hàng ngàn loài cây, tất cả đều có lý lịch gốc, xuất xứ, đặc tính từng loài, lại có người hướng dẫn chu đáo.

 Công viên, rừng thực vật dành riêng cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu và tận hưởng bầu không khí trong lành nơi đây. Dạo bộ thư thái, bất chợt tôi nhớ đến tản văn lãng mạn của nữ  bác sĩ chuyên khoa thần kinh Lý Vĩ Linh (Lee Wei Ling) con gái của nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu: “Hoa lan nằm dưới tản rừng trù phú, hai bên những con đường dạo bộ đồi dốc thoai thoải. Tiếng chim hót hòa quyện cùng lời ru của gió đại dương. Bầu trời hoa ấy, bầu không khí thiên nhiên trong lành ấy, thay chỗ cho sự  căng thẳng lo toan của cuộc sống thường ngày…”.

 Đất hẹp, mỗi tấc đất một tấc vàng, nhưng bên cạnh các tòa cao ốc vẫn dành đất làm công viên xanh, công viên hoa, thảm cỏ thực vật, những chú sóc rừng, những đàn chim trời bay lượn. Đại lộ cây xanh, rừng nguyên sinh được bảo tồn, chăm sóc, nuôi dưỡng. Hồ nước tự nhiên, hồ nước nhân tạo được tôn tạo, giữ gìn, hai bên hồ là những tuyến đường đi bộ dành cho du khách và người dân bản địa. Cả thành phố như một lá phổi khổng lồ, lọc hết bụi trần.

 Người Singapore thường kể lại sự “độc tài”, “chuyên quyền”, sự hà khắc của Lý Quang Diệu trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị, cuộc sống văn hóa - dù là văn hóa bản sắc đa dân tộc trên quốc đảo. Người nước ngoài nhập cảnh vào quốc đảo chỉ được mang 1 bao thuốc lá, nếu mang nhiều hơn là tịch thu. Hút thuốc lá không đúng quy định, ăn kẹo cao su, khạc nhổ bậy, vứt rác ra đường, không loại trừ bất cứ ai đều phạt tiền nặng, phạt lao động công ích. Đã có thời kỳ ở Singapore, ai vi phạm các quy định làm ô nhiễm môi trường chịu hình phạt bằng roi mây, roi da. Bắt được kẻ móc túi, trộm cắp là bỏ tù; phạm tội buôn bán ma túy, tù chung thân, tử hình.

Trong một lần nhà báo Mỹ Tom Plate đối thoại với Lý Quang Diệu, ông tâm sự: Singapore đã từng bị người Anh và người Nhật chiếm đóng. Lúc mới 18-19 tuổi, tâm hồn trong trắng, Lý Quang Diệu đã chứng kiến cảnh sát Anh phạt roi mây những kẻ phạm tội, cảnh sát Nhật Bản treo cổ bọn ăn cắp. Lý Quang Diệu nói hình phạt hà khắc, nhưng không làm vậy, xã hội không trong sạch, cuộc sống của đa số dân chúng không bình yên. Chỉ bằng cách đó, cuộc sống cộng đồng mới đi vào khuôn phép; nếp sống văn minh đô thị mới được tạo lập. Lý Quang Diệu đối thoại với giáo sư Tom Plate:

- Tôi “độc tài”, nhưng đa số người dân không phản đối nên tôi làm, kiên quyết làm. Nhân nghĩa với người lương thiện, chứ không nhân nghĩa cho kẻ ác, kẻ làm điều xấu. Nhiều năm nhìn lại, Singapore có môi trường sống như hôm nay, nếp sống con người có văn hóa, có ý thức bảo vệ môi trường, tôi càng thấy việc tôi làm là vì cộng đồng, vì quyền lợi số đông. Tôi không sai.

Đặng Tiểu Bình “ba lần vào ra Trung Nam Hải”, người hùng của Trung Quốc phất ngọn cờ cải cách, mở cửa “đại lục” đích thân… mang sách đến “thầy” Lý Quang Diệu học hỏi kinh nghiệm quản lý. Lý Quang Diệu tự hào là người đã truyền kinh nghiệm “đô thị hóa” cho Đặng Tiểu Bình và nhiều quan chức… đồng hương. Lý Quang Diệu nói với chính khách Mỹ Tom Plate: Vẫn biết 5 triệu người truyền kinh nghiệm cho hơn 1 tỷ người, sẽ có ngày Singapore và các lân bang láng giềng “gặp phiền toái”, nhưng “là kẻ sĩ, tôi không thể không làm”. Quả là kẻ sĩ Lý Quang Diệu rất hiểu… đồng hương, thật chí lý! Tất nhiên, Lý Quang Diệu “không cho không”, ông đã tận dụng thời cơ, biết khai thác lợi thế, Đặng Tiểu Bình đã mở rộng cánh cửa để các tập đoàn kinh tế nước này đầu tư vào Trung Quốc…

Ở Việt Nam, từ bài học quản lý đô thị của Singapore, thành phố Đà Nẵng hướng tới xây dựng Một thành phố đáng sống, xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện. Thủ tướng Lý Hiển Long, trong lần đến thăm Việt Nam, đến dự lễ khởi công giai đoạn một  khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi, tháng 9.2013 đã chân thành bộc bạch tâm sự với báo chí: “Việt Nam đổi mới, phát triển nhanh, vị thế lớn. Singapore làm được nhiều việc, nhưng cũng còn không ít việc trong quản lý đô thị chưa làm được, thậm chí có việc chưa thành công. Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam và bè bạn”.

Các nhà lãnh đạo Singapore đặc biệt quan tâm đến báo chí - truyền thông. Họ chú trọng xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hiện đại hóa phương tiện truyền thông. Báo in, báo mạng điện tử - dù là báo chí tư nhân được quy hoạch phát triển, được hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu và đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long không khuyến khích khuynh hướng “lá cải” báo chí. Ông Lý Quang Diệu nói: làm báo “lá cải” gây tổn hại cho sự phát triển đạo đức tinh thần lành mạnh …

***

Phải thay đổi Singapore một lần nữa. Đó là lời khẳng định chắc nịch của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, hậu duệ của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ông nói chuyện với giới trẻ Singapore tại Học viện Nghệ thuật Lasalle.

Thật may mắn cho Quốc đảo Sư tử. Một xã hội dựa trên nền tảng vững bền của nền văn hóa đa dân tộc được thử thách qua thời gian, coi trọng “đọc và học” và đạo đức tinh thần, một xã hội như vậy không gì là không thể… 

“Người nước ngoài nhập cảnh vào quốc đảo chỉ được mang 1 bao thuốc lá, nếu mang nhiều hơn là tịch thu. Hút thuốc lá không đúng quy định, ăn kẹo cao su, khạc nhổ bậy, vứt rác ra đường, không loại trừ bất cứ ai đều phạt tiền nặng, phạt lao động công ích”

“Tôi “độc tài”, nhưng đa số người dân không phản đối nên tôi làm, kiên quyết làm. Nhân nghĩa với người lương thiện, chứ không nhân nghĩa cho kẻ ác, kẻ làm điều xấu” – Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu

Tuấn Bằng

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật