Hòa nhạc “Trống và Tiếng hát”
(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 40 Năm hợp tác và hữu nghị ASEAN - Nhật Bản và Năm hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hân hạnh giới thiệu chương trình hòa nhạc “Trống và Tiếng hát” vào các ngày Thứ Năm ngày 17/10 và Thứ Sáu 18/10/2013 tại Hà Nội.
“Trống và Tiếng hát” là một chương trình âm nhạc đặc biệt được dàn dựng nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ của ASEAN - Nhật Bản và Nhật Bản - Việt Nam, với sự tham gia của 12 nghệ sĩ nhạc cụ bộ gõ truyền thống chuyên nghiệp đến từ 7 nước, gồm Việt Nam, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Brunei và Nhật Bản.
Như chúng ta có thể thấy trống Đông Sơn ở Việt Nam và những làn điệu mê hoặc của châu Á, trống và tiếng hát là những nhạc cụ nguyên thủy nhất trong khu vực đã cuốn hút con người qua từng thiên niên kỷ với sức mạnh nội tại và năng lượng.
“Trống và Tiếng hát” như chúng ta mong chờ, sẽ mang lại âm nhạc đầy năng lượng, sức mạnh và sự lôi cuốn với những nhịp điệu đầy cảm xúc và giai điệu hài hòa làm rung động trái tim.
Hợp tác âm nhạc đặc sắc này được thiết lập qua một quá trình dài. Các nghệ sĩ châu Á đã trải qua tổng cộng 4 tuần làm việc tại Thái Lan (tháng 6 và 7/2013) và Việt Nam (tháng 8 và 9/2013) để làm quen, tìm hiểu về tính cách, văn hóa và định hướng sáng tạo của các thành viên trong dàn nhạc.
Để hỗ trợ dàn nhạc và sự hợp tác của các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc kiêm đạo diễn danh tiếng Nhật Bản, bà Michiru Oshima, cũng tham gia dự án “Trống và Tiếng hát” với vai trò là đạo diễn âm nhạc. Với bề dày kinh nghiệm và loạt giải thưởng sáng tác âm nhạc cho truyền hình, phim hoạt hình và phim truyện, bà đã khéo léo dẫn dắt dàn trống để đạt được “sự hài hòa đa dạng” trong âm nhạc nguyên bản của họ.
Đại diện Việt Nam có hai nghệ sĩ nhạc cụ bộ gõ truyền thống tham gia. Đó là NSƯT Mai Liên từ Bá Phổ Nhạc đường với cây đàn T’rung và các làn điệu dân ca và NSƯT Minh Chí từ Nhà hát Chèo Việt Nam với các nhạc cụ bộ gõ của Chèo và dân tộc.
Nghệ sĩ Mai Liên và Minh Chí đều được đánh giá cao với các kỹ năng điêu luyện, kiến thức về âm nhạc truyền thống Việt Nam và sự linh hoạt của họ cho chương trình hợp tác quốc tế này. Sự tham gia của họ giúp các nghệ sĩ của “Trống và Tiếng hát” sáng tạo nên những nét âm nhạc mới độc đáo dựa trên chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trong số các nghệ sĩ châu Á tham gia biểu diễn còn có các nghệ sĩ tên tuổi như nghệ sĩ Tsubasa Hori từ Nhật Bản, từng là thành viên trong dàn trống “Kodo” huyền thoại của Nhật Bản và bản thân cô là một nhạc sĩ/nhà soạn nhạc, nghệ sĩ Myanmar Pyi Kyauk Sein từ Miến Điện chơi Pattalar (một loại mộc cầm của Miến Điện) với nhiều giải âm nhạc lớn như Giải Âm nhạc hay nhất trong Phim hay nhất tại Motion Picture Academy Awards năm 2012 ở Miến Điện, vv…
Chương trình biểu diễn của “Trống và Tiếng hát” sẽ được giới thiệu tại 6 nước ASEAN (Việt Nam, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Brunei) trong tháng 10 và tháng 11/2013, trước khi kết thúc tour diễn tại Bunkamura Orchard Hall ở Shibuya, Tokyo vào Thứ Tư ngày 18/12/2013.
Chương trình sẽ được công diễn thế giới qua hai buổi hòa nhạc tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội) vào 20h00 các ngày Thứ Năm 17/10 và Thứ Sáu 18/10/2013.
Vé của chương trình được phát miễn phí từ 9h00 ngày thứ Sáu 4/10/2013 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội/TEL 04-3944-7419).
Một số nhạc cụ bộ gõ được dùng biểu diễn trong chương trình:
Trống cái (Việt Nam): Là tên của chiếc trống bass truyền thống này, có nghĩa là “trống lớn”. Thân trống được làm từ gỗ mít, mặt trống được làm từ da trâu. |
Chaiyam (Campuchia): Trống này dùng để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật dân tộc. Thân trống được làm từ gỗ mít. |
Sampho (Campuchia): Trống hai mặt. Mặt trống được làm từ da trâu hoặc bò, với dây căng xung quanh. Âm thanh của trống được chỉnh bằng cách bôi hỗn hợp bột gạo và tro lên giữa mặt trống. |
Thon (trái), Rammana (phải) (Campuchia): Thon là trống nhỏ hình cái cốc được đặt lên đùi khi chơi. Mặt trống được làm từ da rắn hoặc da vòi voi, với dây song căng xung quanh. Rammana là trống có khung nông, mặt trống được đóng chốt đinh. Hai loại trống này thường được biểu diễn bởi cùng một nghệ sĩ. |
Hsaing Waing (Miến Điện): Còn được gọi là pat waing. Khung gỗ được chạm khắc văn hoa xếp thành vòng tròn, một bộ trống từ 19 đến 23 chiếc được treo xung quanh phía trong. Nghệ sĩ biểu diễn ngồi ở trung tâm của vòng tròn đó, gõ và vuốt bộ trống bằng hai bàn tay, tạo âm điệu. Các trống này được chỉnh âm bằng cách bôi hỗn hợp bột gạo và tro lên giữa mặt trống. |
Kyi Waing (trái), Maung Hsaing (phải) (Miến Điện): Kyi waing là một bộ cồng được treo trên khung hình vòng tròn, Maung hsaing là bộ cồng được treo trên khung hình chữ nhật. |
Ranad Ek (Thái Lan): Là một loại mộc cầm (xylophone) với 21 đến 22 thanh tre hoặc gỗ cứng. Ranad là một thuật ngữ chung cho các loại xylophone, trong đó có kích cỡ khác nhau, Ranad ek có âm thanh cao hơn. Bàn phím được treo bằng dây vào một khung hình thuyền, có chức năng như một bảng cộng hưởng. |
Kong Hang (Lào): Là trống một mặt với thân dài, thon. Đường kính của mặt trống thường vào khoảng 20cm, trong khi độ dài của thân trống có thể hơn một mét. Kong hang thường được chơi trong các lễ hội; nghệ sĩ biểu diễn vừa dùng tay vỗ trống vừa nhảy múa hoặc diễu hành. |
Tar (Brunei): Trống một mặt với hàng vít mũ đính xung quanh. Loại nhạc cụ này bắt nguồn từ Trung và Cận Đông; được dùng biểu diễn tại Đông Nam Á nhằm giới thiệu Hồi giáo tới các nước trong khu vực. Trống Tar luôn được chơi cùng các bài hát và điệu múa của vùng Trung và Cận Đông. |
Wadaiko (Nhật Bản): Trống đã được giới thiệu tại Nhật Bản trong thời cổ đại, và sau đó phát triển thành các hình thức biểu diễn khác nhau ở các vùng khác nhau trên cả nước. Phong cách trình diễn hiện tại được thay đổi sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nét khác nhau chủ yếu là, trong phong cách truyền thống, các nghệ sĩ thường không biểu diễn cùng nhau, giờ đây, những chiếc trống này được sắp xếp thành một bộ, và nhiều nghệ sĩ trong nhóm có thể cùng biểu diễn. Trống taiko hiện đại kết hợp nhạc cụ truyền thống với phong cách biểu diễn đương đại. |
Bảo Ngọc