Tài nguyên nước Việt Nam đang bị tác động mạnh từ phát triển kinh tế
(ICTPress) - Nước là nguồn lực cơ bản và không thể thay thế cho sự sống trên trái đất. Toàn cầu đang phải đối mặt với sự khan hiếm nước. 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã nhận thức được vấn đề này và đã lấy năm 2013 là năm về nước.
Logo năm hợp tác về nước quốc tế |
Nhân dịp năm quốc tế về nước và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel, Đại sứ quán tại Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các giải pháp ngành nước tại Việt Nam” để đưa ra những giải pháp thực tiễn để giải quyết các thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực nước nông nghiệp, nước đô thị và nông thôn trong bối cảnh nhu cầu về tiếp cận nguồn nước, phân bổ nước và các dịch vụ về nước ngày càng tăng.
Nguồn tài nguyên nước Việt Nam: con số và phân tích
Dưới đây là những con số và phân tích ngắn đáng chú ý về tài nguyên nước của Việt Nam được một số diễn giả cung cấp tại Hội thảo.
GS. TS. Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Nước Việt Nam cho biết:
Nguồn nước qua lãnh thổ Việt Nam là 853 tỷ m3, đứng thứ 8/40 nước có nhiều tài nguyên nước.
Nguồn nước trong nước do khoảng 22 con sông lớn nội địa tạo ra khoảng 323 tỷ m3 nước, có nghĩa là 40% là trong nước tạo ra và 60% từ bên ngoài.
Bình quân đầu người 10.357m3, đứng thứ 10 trên thế giới nhưng quan trọng là khả năng khai thác và sử dụng.
Khoảng 1 tỷ m3 nước thải chưa được xử lý.
Chất lượng nước ngầm giảm vì thạch tín.
Rừng mất do thủy điện là 30 vạn ha (10 - 30 ha/1MW).
Phá thảm thực vật trồng cao su khoảng 20 vạn ha (Nghệ An 3 vạn ha).
Giám đốc bộ phận phát triển bền vững, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Jenifer Sara cho biết 57% người dân nông thôn và 89% người dân ở thành thị được tiếp cận với nước sạch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng thẳng thắn đánh giá sau gần 30 năm đổi mới Việt Nam đã đảm bảo nguồn nước, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, đạt được nhiều thành tựu mà một trong những đóng góp đó là Việt Nam đã phát triển hệ thống Thủy lợi hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển nguồn nước cùng với sự hạn chế yếu kém trong quản lý lại chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đang đặt nước ta trước những thách thức phát triển nguồn nước.
Bên cạnh đó, nguồn nước của Việt Nam còn đang gặp phải những thách thức:
Hệ thống sông ngòi của Việt Nam đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của phát triển ở thượng nguồn, suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu và khai thác cát quá mức, quản lý đất ở khu vực trước lũ và sau lũ chưa hợp lý dẫn tới thay đổi đường dẫn đặt gần bờ mất khả năng của hệ thống thủy lợi, tác động đến hệ thống đê sông và đê biển và cả rừng ngập mặn.
10 năm trở lại đây nhiều hồ đập, thủy lợi và thủy điện đã và đang được xây dựng nhiều thì vấn đề an toàn đập lại càng trở nên cấp thiết.
Vấn đề năng lực thể chế trong quản lý nước, dù đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng công trình, Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức trong việc nâng cao năng lực thể chế cho việc phát triển bền vững tài nguyên nước. Nguyên tắc quản lý tổng hợp và quản lý theo sử dụng chưa được quản lý triệt để.
Một số vấn đề đang bức xúc như quản lý thượng và hạ ở các lưu vực sông: quản lý chống ngập cho các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và đặc biệt tác động của việc phát triển lún đất hạ và sông ngập mặn của đồng bằng Sông Cửu Long.
6 yếu tố phát triển kinh tế tác động tới tài nguyên nước
GS. TS. Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Nước Việt Nam trình bày tham luận chính tại Hội thảo |
GS. TS. Vũ Trọng Hồng cho biết có 6 yếu tố phát triển kinh tế đã tác động tới tài nguyên nước của Việt Nam:
Thứ nhất, phát triển thủy điện ở miền Trung vừa qua có thể được gọi là cơn sốt. Miền Trung là vùng có điều kiện địa hình không cho phép làm các hồ chứa, các đập. Phát triển thủy điện bây giờ đổ vào miền Trung và trở thành một cơn sốt - cơn sốt gây nên việc phá rừng.
Thứ hai, khai thác khoáng sản tràn lan - nỗi kinh hoàng là người dân mất đất đai. Việc khai thác khoáng sản đã làm cho tất cả các dòng suối trong xanh bị đục ngầu vì ống khói xả lọc rửa.
Thứ ba, trồng rừng cao su đã tàn phá không thương tiếc thảm thực vật bởi vì muốn trồng rừng cao su phải đốt thảm thực vật cho sạch mới trồng được.
Thứ tư, rừng chuyển sang sản xuất để người dân thoát nghèo nhưng sự chuyển đổi sản xuất này rất rủi ro và bấp bênh.
Thứ năm, mâu thuẫn nguồn nước thượng - hạ lưu An Giang.
Thứ sáu, khai thác đại trà nước ngầm để nuôi tôm Cà Mau.
Hai thông điệp chính về quản lý tài nguyên nước từ Israel
TS. Sinaia Netanyahu, Trưởng các nhà khoa học Bộ Bảo vệ Môi trường Israel cho biết tổng nhu cầu nước của Israel là 2.030 triệu m3 mỗi năm, trong khi nước tự nhiên chỉ đáp ứng 1.170 triệu m3/năm. Như vậy, Israel thiếu 45% lượng nước hàng năm. Lượng nước tự nhiên hàng năm của Israel chỉ bằng 1% của Việt Nam.
Nếu Israel không hành động có nghĩa là tăng trưởng kinh tế chậm lại, từ bỏ canh tác, tăng sự phụ thuộc (lương thực, nhập khẩu nước), môi trường suy thoái, tầng ngậm nước bị ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa. Vậy chiến lược quản lý tài nguyên nước của Israel sẽ như thế nào? Đó là quản lý cầu và cung, TS. Sinaia Netanyahu cho biết.
Israel thực hiện quản lý nhu cầu gồm: Giáo dục, nhận thức, các chiến dịch tiết kiệm nước; Tăng khối thuế; Xử phạt: Nộp phạt khi sử dụng nước quá định mức (nông dân và công nghiệp), nộp phí sử dụng quá nhiều trong kỳ hạn (hộ dân, áp dụng hạn chế thời gian sử dụng); Khan hiếm tầng ngậm nước đi thuê: người dân phải trả phí sản xuất nước, để phản ánh sự khan hiếm của tầng ngậm nước đi thuê.
Về cấp nước, Israel quản lý dựa vào: Kỹ thuật và thủy học; Công nghệ xử lý nước khử mặn nước biển và nước lợ, xử lý nước thải để làm nước tưới, khôi phục các tầng ngậm nước bị ô nhiễm; Môi trường: phân bổ nước ngọt tới môi trưởng để duy trì dịch vụ và tài sản sinh thái, đổ nước thải ra suối chỉ sau khi nước đã được xử lý; Chuyển dòng nước mặn và dựa vào Hiệu quả và tính kinh tế. Để tính được hiệu quả, Israel đo việc tiêu thụ nước chính xác hơn, giảm thiểu lãng phí nước bằng cách khắc phục thay thế chỗ rò gỉ, quản lý áp lực nước…
Dù không nhận được ưu đãi nào từ thiên nhiên, đặc biệt khan hiếm nước nhưng nông nghiệp Israel phát triển mạnh mẽ với chỉ 2% trong tổng số 3,3 triệu lao động (tổng dân số xấp xỉ 8 triệu người) tham gia nông nghiệp nhưng tạo ra giá trị hàng năm vượt mốc 4 tỷ USD. Thành công trong nông nghiệp cũng chứng minh thành công trong nỗ lực bảo vệ và phát triển các giải pháp cho nguồn nước của Israel.
Israel cũng được biết đến với các công nghệ nước hàng đầu thế giới như xử lý nước, khử mặn, xử lý nước thải, chống rò gỉ và thất thoát nước, lọc và van, giải pháp tưới tiên tiến...
TS. Sinaia Netanyahu cho biết Israel có 2 thông điệp chính đối với tài nguyên nước ở Israel là: Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước là vấn đề cốt lõi trong xã hội ở Israel và sự phối hợp giữa các Bộ ngành, cơ quan trở nên hết sức quan trọng để có nỗ lực chung.
Đưa ra giải pháp quản lý nước, bà Jenifer Sara, Ngân hàng thế giới cho biết để quản lý nước tốt hơn cần phân phối nước giữa các bên sử dụng, tăng cường cải cách pháp lý và thể chế, cải tiến cung cấp dịch vụ gồm cải tổ cơ quan cấp nước làm khách hàng hài lòng hơn, tăng thêm tài chính công và tăng cơ hội cho khối tư nhân.
Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar cho biết để đối mặt với sự thiếu nước đang gia tăng, quản lý các nguồn nước phục vụ nông nghiệp và sử dụng trong dân sinh đang trở nên cấp thiết. Hơn nữa, việc sáng tạo công nghệ - công nghệ tưới tiêu hiện đại, sử dụng nước bền vững và được xử lý an toàn, tạo ra nước và khử nước mặn là cần thiết cho phép chúng ta đáp ứng nhu cầu nước đang tăng do dân số tăng.
Minh Anh