Biên tập viên Quang Minh, VTV chia sẻ về doanh nghiệp xã hội tại Anh
Kéo dài một tuần (1 3- 17/5), chuyến đi có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung, cùng các đại biểu khác đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM và cơ quan báo chí.
Trong thời gian chuyến thăm, đoàn đã làm việc với Social Enterprise UK, cơ quan quốc gia của Anh về Doanh nghiệp (DN) xã hội, Thứ trưởng phụ trách các Tổ chức từ thiện, DN xã hội và Tình nguyện Nick Hurd, SROI Network (tạm dịch: Mạng lưới các hệ thống đánh giá lợi ích xã hội của Đầu tư), tổ chức có sứ mệnh quảng bá cách xác định giá trị xã hội thu lại từ các hoạt động đầu tư. Đoàn công tác cũng đến thăm một số DN xã hội tại Anh và có buổi ăn trưa tại nhà hàng Brigade, nơi tạo việc làm cho người thất nghiệp và vô gia cư.
Nhà nước hãy là… một bà đỡ
Anh đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, tại sao bây giờ mới đến Anh?
(Cười) Chưa có thời gian ngồi đếm nhưng đến thời điểm này thì tôi đã đi được khoảng 30 - 40 nước. Vậy mà bây giờ mới đi Anh, nhiều khi cũng là cái duyên.
Khi được giới thiệu chuyến đi, tôi cảm thấy rất thích thú vì ngoài việc đi Anh thì DN Xã hội cũng là đề tài tôi rất quan tâm. Cách đây khoảng 4 - 5 tháng, cũng với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, tôi đã thực hiện chương trình Đối thoại chính sách về DN xã hội. Tôi thấy rằng đây là một đề tài có rất nhiều đất sống tại Việt Nam, một đất nước đang phát triển và có nhiều vấn đề cần giải quyết. Chuyến đi Anh là cơ hội để tôi tìm hiểu các DN xã hội tại Anh vận hành như thế nào, biết đâu có thể có lời giải cho nhiều vấn đề xã hội của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh tất cả mọi nguồn lực đều rất hạn chế.
Làm chương trình Đối thoại chính sách và trực tiếp tìm hiểu về chính sách dành cho DN Xã hội tại Anh, anh thấy chính sách dành cho DN Xã hội ở Anh có gì khác biệt?
Rất khó so sánh vì nó là một sự đối lập hoàn toàn. Anh đã thông qua nhiều đạo luật về DN xã hội và các hoạt động có liên quan, hành lang pháp lý rất rõ ràng. Tôi cũng tiếp xúc các đại diện của Chính phủ và Quốc hội Anh thì thấy tất cả các đảng phái và các yếu tố xã hội đều ủng hộ để các DN xã hội có thể hoạt động được. Trong khi đó, ở Việt Nam thì gần như là chưa có gì cả nên không thể so sánh được về chính sách cũng như hành lang pháp lý.
Qua lăng kính quan sát của một nhà báo, một câu chuyện thú vị nào khiến anh có thể chia sẻ?
Tôi rất ấn tượng với một DN xã hội tại Anh cung cấp dịch vụ xe buýt (bus) tại ngoại ô London. Đây là một cách làm rất hay. Chính quyền thành phố tổ chức đấu thầu dịch vụ xe bus tại một khu vực; DN nào có thể bảo đảm dịch vụ xe bus tốt với giá do chính quyền thành phố đưa ra thì DN đó trúng thầu; rất hay là DN trúng thầu lại là DN xã hội.
Như vậy, DN xã hội tham gia cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường với các DN khác. Điểm khác biệt là họ để ý nhiều hơn đến những khía cạnh mang tính chất xã hội, các đối tượng người già, người khuyết tật, trẻ em.
Từ trái qua: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Biên tập viên Quang Minh |
Khi tìm hiểu về đề tài DN xã hội và tiếp xúc với nhiều DN xã hội trong nước, anh thấy khó khăn của DN xã hội Việt Nam là gì?
Khó khăn lớn nhất là sự thừa nhận của Chính phủ - chính quyền Trung ương và Địa phương về mô hình hoạt động và tôn chỉ mục đích của các DN xã hội.
Tôi cũng gặp gỡ một DN xã hội tại Anh và họ đưa ra một con số khiến tôi suy nghĩ: 40% hợp đồng của họ đến từ các hợp đồng với Chính phủ. Như vậy, nhà nước đóng vai trò rất lớn, như một bà đỡ để các DN xã hội phát triển. Chúng ta đều biết, khởi sự một DN bình thường đã khó khăn rồi, chứ chưa nói đến DN xã hội. Nhất là khi nền kinh tế Việt Nam khó khăn như thế này - DN xã hội thì tôn chỉ mục đích của họ lại không phải kiếm tiền bằng mọi giá.
Nên tôi nghĩ rằng chính quyền Trung ương và Địa phương cần hết sức hỗ trợ cho DN Xã hội trong giai đoạn đầu; dành cho các DN xã hội những hợp đồng công, những hợp đồng sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các hoạt động đấu thầu minh bạch; vì hiện nay đặc thù của Việt Nam là vẫn có cơ chế chỉ định thầu.
Vậy tại sao không vì các lý do nhân đạo, các lý do mang tính chất xã hội để tạo điều kiện cho các gói thầu đó, các hợp đồng đó đến với các DN xã hội. Với các DN xã hội hiện nay tại Việt Nam, ấn tượng ban đầu của tôi cho thấy họ sẽ thực hiện tốt các hợp đồng mang tính chất xã hội vì mục tiêu của họ là giải quyết các vấn đề xã hội.
DN xã hội: Họ không có vũ khí!
Cùng tham gia chuyến công tác có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng hay Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, anh có lúc nào “tranh thủ” chia sẻ những suy nghĩ của mình với những cán bộ cấp cao về xây dựng, thực thi và nghiên cứu chính sách này?
Tôi cũng có những trao đổi nhất định. Theo tôi, vấn đề mấu chốt là môi trường kinh doanh hiện tại tại Việt Nam chưa tạo điều kiện cho các DN xã hội có thể phát triển. Xin đơn cử một ví dụ, chúng ta biết rằng luôn có những mối quan hệ, những tác động đằng sau để một DN nào đó trúng thầu hoặc nhận được một hợp đồng nào đó - có thể là hợp đồng sử dụng ngân sách nhà nước hoặc theo một mô hình khác. Vậy thì các DN xã hội sẽ tham gia và nhận được các gói thầu này bằng cách nào?
Rất là khó, bởi vì họ sẽ không có những cơ chế có thể tác động, họ không có vũ khí, công cụ để tạo ra mối quan hệ với các cơ quan, DN nhà nước, để giúp họ có được gói thầu đó. Và như thế chúng ta chỉ có quyền hy vọng là chính quyền Trung ương và Địa phương nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh các DN xã hội hiện nay đang làm, để tạo điều kiện cho họ thôi. Chứ không có cách khác, không có hoa hồng, sẽ không có những mối quan hệ để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn.
Đoàn làm việc tại Trung tâm DN xã hội Skoll, Said Business School, Đại học Oxford |
Là một gương mặt truyền hình nổi bật, chương trình mang thương hiệu riêng - Đối thoại chính sách có sức ảnh hưởng nhất định, sau chuyến đi này, anh dự định làm gì để hỗ trợ sự phát triển của DN xã hội tại Việt Nam?
Với tư cách là người dẫn chương trình Thời sự 19h, làm chương trình Đối thoại Chính sách và là một phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi luôn luôn cam kết thúc đẩy những nỗ lực hiện chúng ta đang theo đuổi.
Là một đất nước đang phát triển, Việt Nam đang gặp rất nhiều các vấn đề về xã hội, kinh tế mà chính quyền cũng như toàn xã hội cần nỗ lực giải quyết. Chúng ta vẫn luôn hô hào tất cả các thành phần xã hội tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay như xóa đói giảm nghèo hay các tệ nạn xã hội; nhưng chúng ta vẫn dừng lại ở hô hào, cần phải có một cơ chế, thiết lập được một hệ thống để có biện pháp tích cực hơn để giải quyết vấn đề này.
Bằng cách diễn đàn khác nhau như Đối thoại Chính sách, các phóng sự và chương trình, tôi đã, đang và sẽ luôn gợi mở ra những vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ. Ở thời điểm này, nhận thức của riêng tôi về DN xã hội cũng chưa thể sâu ngay được nhưng cảm quan ban đầu cho thấy đây là mô hình rất hay; có thể điền vào chỗ trống, những chỗ trống hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn lực để giải quyết.
Hóa ra… Nhà nước chưa chắc đã làm tốt hơn
Còn gì khác về chuyến đi mà anh muốn chia sẻ?
Vâng, còn! Về thời điểm chuyến đi, mọi người đùa tôi là “Sao sướng thế, được đi Anh vào đúng thời điểm Hà Nội nóng lịch sử, nóng nhất trong mấy chục năm qua” (Cười).
Nói chung tôi có ấn tượng rất tốt với nước Anh. Tôi thấy nhà nước và Chính phủ Anh luôn tìm cách làm sao can thiệp càng ít càng tốt vào trong các hoạt động kinh doanh và xã hội.
Như việc họ để cho DN xã hội làm những việc mà có thể theo quan điểm của chúng ta thì đó là việc của nhà nước. Trong khi đó, tôi thấy ở Anh mọi thứ, cảnh quan, đô thị, trật tự xã hội đâu vào đấy. Chúng ta cứ nghĩ rằng nhà nước cần phải đảm trách rất nhiều việc từ bộ mặt đô thị cho đến các hoạt động kinh tế, xã hội; thì hóa ra là mọi thứ, nhà nước chưa chắc đã làm tốt hơn tư nhân làm.
Anh nhận xét như thế nào về công tác tổ chức của Hội đồng Anh?
Tôi thấy công tác tổ chức của Hội đồng Anh rất tốt khi sắp xếp gặp gỡ với đại diện Quốc hội Anh, những đơn vị vận động và chuẩn bị cho việc ra đời của đạo luật về DN xã hội, gặp được Chính phủ và đại diện tiếng nói của DN xã hội, các thiết chế tài chính tài trợ cho hoạt động của DN xã hội, các think tanks thiết lập ra các mô hình DN xã hội tại Anh. Tôi nghĩ trong các chương trình tới, Hội đồng Anh nên thiết kế nhiều hơn các cuộc tiếp xúc với các DN xã hội, ví dụ như DN cung cấp dịch vụ xe bus tôi đã nêu ở trên.
Phong trào DN Xã hội khởi nguồn từ Vương quốc Anh. Hiện nay, ở Anh có khoảng 68.000 DN xã hội (chiếm 5% tổng số DN), đóng góp 30 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế và tạo việc làm cho hơn 800.000 người. Tháng 1/2013, Đạo luật Giá trị Xã hội và Dịch vụ công chính thức có hiệu lực. Theo luật này, tất cả các quyết định lựa chọn thầu hay lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công đều phải bao gồm công tác đánh giá tác động xã hội của việc cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện cho các DN xã hội tham gia cung cấp dịch vụ công. Trước đó, Văn phòng Nội các Chính phủ Anh cũng đã thực thi Kế hoạch hành động vì sự phát triển của DN xã hội (2006). Kế hoạch đưa ra những hành động cụ thể như lựa chọn 20 nhân vật có sức ảnh hưởng sâu rộng để làm đại sứ DN Xã hội, khẳng định cam kết của Ủy ban Olympic trong việc bảo đảm các DN xã hội được tham gia đấu thầu cung cấp các dịch vụ cho Olympic London 2012 thông qua quy trình đấu thầu minh bạch và công bằng, lồng ghép nội dung DN Xã hội vào chương trình GCSE, A-level và nhiều chương trình đào tạo khác. Vai trò và trách nhiệm của các Bộ liên quan và phương thức đánh giá kết quả của từng hành động cũng được nêu rõ trong kế hoạch này. Hội đồng Anh bắt đầu thực hiện Chương trình DN xã hội tại Việt Nam từ năm 2009; cho đến nay, cùng với các đối tác trong nước như Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ủy ban các vấn đề xã hôi, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), và các đối tác khu vực, quốc tế, chúng tôi đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các nhà hoạc định, thực thi chính sách và người dân Việt Nam về DN xã hội. Đặc biệt vai trò của DN xã hội trong tổng thể nền kinh tế và tiềm năng của các mô hình này trong việc giải quyết hiệu quả và bền vững các vấn đề xã hội đã dần được ghi nhận rộng rãi. Mục đích của chương trình DN xã hội là huy động các nguồn lực và sự tham gia của Quốc hội, các cơ quan Bộ, ngành, cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ, cộng đồng DN và giới truyền thông vào việc hình thành một môi trường thuận lợi cho các DN xã hội phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Hiện tại, Hội đồng Anh và CIEM đang thực hiện các nghiên cứu: 1. Đánh giá tác động pháp lý của DN xã hội trong việc soạn thảo Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi, 2. Khả năng áp dụng mô hình DN xã hội vào khối hành chính sự nghiệp, 3. Lồng ghép DN xã hội trong việc xây dựng và thực thi chính sách. Trong Chiến lược phát triển DNXH năm 2002, Chính phủ Anh định nghĩa: “DN Xã hội là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”. Cách định nghĩa này rất toàn diện, bám sát những đặc điểm cơ bản của DN Xã hội. Một là, kinh doanh (business) cần được hiểu như một mô hình, phương án, giải pháp có và thông qua hoạt động kinh doanh. Hai là, mục tiêu xã hội được đặt ra như một sứ mệnh cơ bản và trước tiên (primarily) của việc thành lập một DN Xã hội. Ba là, về nguyên tắc (principally) lợi nhuận của DN Xã hội được tái phân phối lại cho tổ chức hoặc cộng đồng, không phải cho cá nhân. Trên toàn cầu, DN Xã hội được nhìn nhận là những mô hình kinh tế bổ sung đầy tính sáng tạo giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội mà nhà nước và DN tư nhân chưa giải quyết được triệt để.
|
Nguồn: Hội đồng Anh