Cố đô Indravarman - Quần thể di tích còn nhiều bí ẩn
(ICTPress) - Ngoài Trà Kiệu còn có một cố đô Chămpa nữa trên đất Quảng Nam mà ít ai biết đến. Quần thể di tích bây giờ chỉ còn lại một tháp cổ đổ nát và một ao sen nhưng lịch sử của nó thì chứa đầy bí ẩn.
Nằm trên Quốc lộ 14E đoạn qua làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam là quần thể di tích cố đô của triều đại Indravarman II được xây dựng từ năm 875. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại đây, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada.
Kinh đô Indrapura nằm gọn trong cánh đồng Đồng Dương rộng khoảng 2 cây số vuông. Đó là một thung lũng hình chữ nhật ba mặt Đông - Nam - Tây được đồi núi cao bao bọc. Phía Bắc là dòng sông Ly Ly hiền hòa thông ra biển.
Đến thăm khu cố đô bây giờ du khách chỉ còn có thể thấy được 2 di tích đó là Phật viện Đồng Dương và Ao Vuông. Đi theo hướng từ Thăng Bình lên Hiệp Đức thì Ao Vuông nằm bên trái còn Phật viện Đồng Dương nằm bên phải.
Ao Vuông nhìn từ Goolge Earth |
Phật viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chămpa cổ mà của cả khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp của Phật viện nằm lân cận nhau và phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc. Đây được xem là một thánh địa Phật giáo bởi quy mô đồ sộ của dấu tích kiến trúc còn lại và sự lan tỏa, ảnh hưởng về mặt văn hóa của nó với những khu vực xung quanh.
Khu vực Ao Vuông chính là hoàng cung của triều đại Indrapura. Nguyên thủy đó là một quả đồi thấp sát đồng bị tách ra với phần còn lại ở hướng đông bằng một đường thủy hào. Trên quả đồi đó người ta lại đào tiếp một cái ao hình chữ nhật rộng 100m dài 180m. Toàn bộ số đất đào này được đắp thành dạng lũy vuông vức và bằng phẳng chạy vòng theo Ao Vuông.
Ao Vuông bây giờ về hình dáng và quy mô vẫn còn nguyên vẹn nhưng người dân cũng tranh thủ trồng sen để tăng thu nhập. Khung đất hình chữ nhật chung quanh ao là một rừng keo lá tràm xanh ngút.
Cư dân tranh thủ trồng sen trong Ao Vuông |
Về mặt kiến trúc chung, khu cố đô gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội bao lấy đền thờ trung tâm trong đó có tháp chính. Thành nội còn có một tháp đặc biệt gọi là Tháp Giếng. Tháp nằm phía góc Tây Nam của thành nội, nguyên trong tháp có một cái giếng mà ngày nay đã bị vùi lấp. Theo lời truyền miệng đó là cái giếng ăn thông với khu vực Ao Vuông. Nếu ném một trái bưởi xuống giếng thì hôm sau sẽ phát hiện trái bưởi tại Ao Vuông. Nhiều người cho rằng có một đường huyệt đạo bí mật dẫn nước liên kết giữa khu Hoàng cung và Phật viện. Đây có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc hoặc có thể là một kỹ thuật cấp nước trong giếng cổ trong hệ thống giếng của người Chăm xưa.
Hiện nay còn một vài gia đình gốc Chăm đang sinh sống gần khu vực này. Theo lời kể của các cao lão thì họ đã từng đến chơi ở Tháp Giếng và cũng nghe người trước kể nhiều về mật đạo giữa Tháp Giếng và Ao Vuông. Tháp Giếng được xây dựng có nhiều tầng cấp để đi lên trên miệng giếng được. Nước trong giếng thì không bao giờ cạn dù trời có hạn hán cỡ nào đi nữa.
Đứng trên đỉnh Trà Cai - ngọn núi cao nhất bao bọc kinh thành ở phía Tây Nam, ta có thể bao quát toàn bộ kinh đô bên dưới như một lòng chảo rộng ôm trong mình những đồi núi thấp hơn. Đây là nơi phân bố các kiến trúc kinh đô, phía Tây là khu tôn giáo, phía Đông là khu hoàng cung. Hai trung tâm thần quyền và vương quyền này nằm cách nhau khoảng 1km. Kế đến là một tòa thành quân sự lớn giáp 2 mặt suối Ngọc Khô - Bà Đặng án ngữ đường vào kinh thành ở phía Đông. Dọc theo hai bên bờ suối Ngọc Khô ở phía Bắc chảy vòng qua thành được bố trí thêm hệ thống các tháp canh. Đây là kinh thành không có thành lũy nhân tạo bao bọc tổng thể mà dựa vào lợi thế phòng thủ của địa hình tự nhiên. Tuy vậy, các khu chức năng riêng như khu tôn giáo và hoàng cung đều có hệ thống thành lũy bảo vệ riêng và bố trí rất khoa học.
Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ thần làm bằng đồng thau, cao 114 cm, ở gần khu đền thờ chính. Đây là pho tượng Bồ Tát Laskmindra - Lokesvara. Pho tượng này không những là tượng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chămpa mà chúng ta đã biết mà đây còn là một trong những tượng đồng Tara quan trọng bậc nhất ở vùng Đông Nam Á.
Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh. Hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là "Tháp Sáng", cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc.
Tháp Sáng đang được gia cố bảo vệ |
Khi chúng tôi đến thì thấy Tháp Sáng đang được dựng các giàn giáo chống đỡ bằng thép để bảo vệ tránh nguy cơ sụp đổ. Con đường vào tháp cũng chỉ là lối đi nhỏ với cỏ mọc um tùm nằm heo hút trong rừng keo lá tràm. Chúng tôi trò chuyện với chị Thanh - một người sống gần đó thì chị bảo thỉnh thoảng có vài “ông Tây” đến thăm nơi này còn người Việt thì gần như rất hiếm khi thấy.
Lối vào Tháp Sáng chỉ như vậy thôi |
Được biết, tỉnh Quảng Nam và huyện Thăng Bình cũng đã nhiều lần tổ chức các đoàn nghiên cứu thực địa và các hội thảo nhằm nghiên cứu về cụm di tích với những câu chuyện huyền bí này nhưng đến nay vẫn chưa có một kết luận chính xác nào.
Trịnh Quang