Bình yên và độc đáo làng gốm Thanh Hà
(ICTPress) - Trên con đường Vĩnh Điện - Hội An, men theo bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 2 km về hướng Tây là làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà. Làng nằm như một bán đảo, trông tứ hướng đều là sông nước, chỉ có một con đường độc đạo vào làng qua khu chợ ven sông với phong cảnh hữu tình.
Trong cái nắng nhẹ của mùa xuân, mùi thơm rơm và ánh vàng của cánh đồng lúa chín như xao xuyến lòng người khi chúng tôi đến thăm làng gốm Thanh Hà. Một cảm giác bình yên và thân mật đến lạ khi bước vào một làng nghề cũng là một phường của thành phố Hội An. Những căn nhà ngói âm dương, những đường làng nhỏ uốn khúc quanh co trên triền bãi bồi cát như giúp ta quay về quá khứ để thấy được một làng quê điển hình của Việt Nam. Nhà cách nhà không có tường rào hoặc có chăng cũng chỉ là vài tấm ván bìa hay lưới B40 khá thấp, được bao bọc bởi các loại dây leo như lá mơ, chùm tơi hay khổ qua. Thanh Hà bình yên và xanh thẳm với các vườn rau, những hàng cau xen lẫn trong các mái nhà cũ kỹ sau hằng thế kỷ.
Mới với ánh mắt hỏi thăm, chưa kịp mở miệng ở đầu làng thì cô gái trạc tuổi đôi mươi, môi cười tươi rói đã như hiểu ý và nhiệt tình hướng dẫn cho khách đi vào làng rồi thoăn thoắt gánh gánh củi vào nhà. Đến thăm bất cứ nhà nào cũng nhận được sự thân thiện như vậy. Ai cũng có thể dẫn khách vào tận bên trong, thậm chí ra sau bếp của nhà hàng xóm mình tham quan sản phẩm mà chẳng cần xin phép xin tắt hay nề hà, phàn nàn gì cả.
Theo lịch sử địa phương thì cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định vào định cư từ khoảng cuối thế kỉ 15 và nghề gốm cũng kết tinh từ tinh hoa các dòng gốm cội nguồn mà hình thành từ đó. Hiện nay tại xóm Nam Diêu còn miếu thờ Tổ nghề của làng. Hằng năm, người dân làng gốm tổ chức lễ cúng tổ vào ngày mồng 10 tháng Giêng để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền hiền, tiền bối và cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng.
Ở buổi sơ khai, làng chỉ sản xuất các sản phẩm gốm nhưng kể từ thế kỉ 17, do nhu cầu xây dựng ở phố cổ Hội An nên việc sản xuất gạch ngói cũng được bắt đầu. Nhiều thế kỉ qua, nghề làm gốm và gạch ngói ở Thanh Hà nổi tiếng không chỉ ở xứ Quảng mà trong cả nước và nước ngoài.
Lịch sử vùng đất Quảng Nam còn lưu lại, khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân ở làng Thanh Hà được gọi ra Huế tham gia xây dựng các công trình lớn, mang tính mỹ thuật cao ở Cố đô, trong đó có Thành nội - một đại tuyệt tác kiến trúc đến ngay nay. Trong số những bậc nghệ nhân đó có người được vua phong đến hàm quan Bát phẩm như cụ Chánh Ca, Bát Luyện.
Hiện nay, do nhu cầu thu nhập nên lực lượng lao động trẻ có xu hướng đi tìm việc ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, cư dân nơi đây vẫn gắn chặt với nghề tổ truyền. Hiện trong làng còn 12 lò nung gốm và hơn 70 hộ gia đình làm ngói. Thậm chí một người con của quê hương đang đầu tư xây dựng một Bảo tàng gốm sứ ngay tại làng mình.
Quy trình làm gốm của Thanh Hà rất khắt khe. Đất sét được xăm kĩ, nhào nhuyễn; sau đó kéo xén đất, cắt mỏng 3 đến 4 lần. Tùy yêu cầu chất lượng, có thể dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết… Khi đất đã được luyện kĩ thì chia thành từng phần mới bắt đầu tạo dáng. Muốn tạo dáng trước tiên phải chuốt. Ở giai đoạn chuốt, một người đứng một chân còn chân kia đạp bàn xoay trong khi đó hai tay làm con đất; người còn lại lấy con đất đặt lên bàn xoay, cuốn thành hình sâu kèn rồi dùng cái sò, vòng, giẻ thấm nước để tạo dáng sản phẩm. Khi đã tạo dáng xong thì đem ra ngoài nắng phơi. Phơi gốm se lại thì mới dập hoa văn trang trí. Đối với sản phẩm có đáy bầu, sau khi phơi se lại thì được đưa vào bàn xoay lần thứ 2 úp ngược rồi tạo dáng. Sau khi gốm được phơi kĩ thì chất vào lò đun khoảng 7 đến 8 giờ, xem khói đốt đã hết mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến độ thì nghỉ lửa. Người thợ dùng “gốm thăm” trong lò kéo ra để thử. Nghỉ lửa thì phá cửa lò cho rộng để mau nguội rồi khoảng 12 giờ sau mới cho sản phẩm ra lò.
Anh Vinh - một nghệ nhân có tiếng ở đây cho biết, Thanh Hà làm rất nhiều sản phẩm thượng vàng hạ cám như các loại hũ, lon lỗng, con chỏi, bảo bầu, các loại chậu, đèn trang trí…; từ các sản phẩm nhỏ như bình vôi ăn trầu, chân đèn, tò he, tu huýt… đến các loại ngói ngói âm dương, ngói vẩy cá… đáp ứng mọi yêu cầu chất lượng.
Anh Vinh cũng cho biết, trước đây các cụ chọn địa điểm này làm làng nghề vì chất đất rất phù hợp. Tuy nhiên, do quá trình khai thác quá nhiều nên gây sạt lở các vùng ven sông. Do vậy, hiện nay làng phải mua đất từ các vùng lân cận nhưng chất lượng cũng tương tự đất bản địa. Do vậy, làng cũng gặp không ít khó khăn trong nguyên liệu đầu vào.
Điều đặc biệt là cư dân làng nghề Thanh Hà rất mến khách và không bao giờ dấu nghề. Đến Thanh Hà, du khách không chỉ thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm mà còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân biến từ cục đất sét thành các sản phẩm ưa dùng. Du khách có thể tham gia vào tất cả các công đoạn hình thành sản phẩm gốm để cùng sản xuất và khắc lên đó những hình vẽ hay câu chữ mình yêu thích làm kỷ niệm. Lúc chúng tôi đến, có một đoàn khách nước ngoài đang hì hục làm gốm với một cụ già và một chị trung niên. Đất sét dính đầy tay, bắn lên cả mặt nhưng anh Akin - một du khách đến từ Canada tỏ ra khá thích thú với công việc của mình. Anh đang làm một con rắn bằng đất rồi ghi chữ “I love you” để tặng người yêu cầm tinh tuổi Tỵ của anh.
Trịnh Quang