Hàn Quốc đề xuất gì để Việt Nam phát triển công nghiệp nội dung số?
(ICTPress) - Trong khuôn khổ hợp tác về CNTT giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhằm tăng cường sự hiểu biết về hiện trạng và đầu tư trong ngành Công nghiệp Nội dung số (CN NDS) của các cơ quan và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, hôm nay 27/3, Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về CN NDS đã được tổ chức.
Nhiều tiềm năng để phát triển CN NDS
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Minh Hồng cho biết trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT, CN NDS là một trong những ngành tuy còn non trẻ nhưng có rất nhiều tiềm năng để phát triển và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam và đóng góp đáng kế vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam của Ban Chỉ đạo quốc gia CNTT và Bộ TT&TT phát hành, tuy chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu CN-CNTT, nhưng xét về tốc độ phát triển CN NDS là ngành có tăng trưởng rất ấn tượng khoảng 20 - 40%/năm trong 10 năm qua. Riêng năm 2011, toàn ngành đã có quy mô doanh thu trên 1 tỷ USD, thu hút 500 - 600 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động.
Ông Ys Lee, Đại diện Cơ quan thông tin Quốc gia Hàn Quốc (NIA), Cố vấn Trung tâm Hợp tác CNTT Việt Nam - Hàn Quốc cho biết nội dung là “bông hoa”, tinh hoa của xã hội thông tin và xã hội phong phú nội dung là một xã hội phát triển cao.
Cần những tháo gỡ chính sách
Sự phát triển của CN NDS Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn: từ 2000 - 2005, 2006 - 2010 và từ 2011 đến nay.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp này, một loạt chính sách thúc đẩy đã ra đời. Điển hình trong các chính sách này là Luật CNTT đã định nghĩa và Nghị định 71/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật CNTT về công nghiệp CNTT đã nêu rõ sự phát triển của ngành này.
Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đã đưa “sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số” vào Danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư".
Giai đoạn phát triển 2006 - 2010 cũng đánh dấu việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 56/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển CN NDS Việt Nam đến năm 2010. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/QĐ-TTg để chi tiết hóa và giao nhiệm vụ nội dung phát triển CN NDS Việt Nam.
Nhà nước cũng đã hỗ trợ đầu tư phát triển CN NDS qua dự án hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm và NDS xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi và tiêu chuẩn ISO; hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho nhân lực NDS đang làm việc tại các doanh nghiệp và các Quỹ tiêu biểu có đầu tư vào lĩnh vực CN NDS như IDG Ventures Vietnam (Mỹ), Quỹ VIG…
“Tuy nhiên, cuối giai đoạn phát triển 2006 - 2010 một số nhà cung cấp nội dung đã cung cấp nhiều tin nhắn rác, nhắn tin coi bói, nhắn tin không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Loại hình kinh doanh này không nhiều nhưng tác động tới chính sách, tác động tới xã hội… đã làm quan ngại sự phát triển của lĩnh vực này”, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT Nguyễn Trọng Đường cho biết.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VNG Lê Hồng Minh cho biết chính sách Internet, cho ngành game còn chậm ra đời.
Ông Minh chia sẻ một năm thôi Facebook từ 3 triệu đến 12 triệu người sử dụng, chiếm lĩnh thị trường mạng xã hội Việt Nam. Một game chỉ cần khoảng 6 tháng đã trở thành game đông người chơi nhất trên thị trường.
“Vậy, vấn đề đặt ra là cần những dịch vụ nào khuyến khích, ưu đãi, dịch vụ nào cần phải quản lý, thậm chí một số loại dịch vụ phải cấp phép, hoặc có hình thức quản lý chặt chẽ. Về quan điểm quản lý cũng cần làm rõ, cần “quản” NDS như quản báo chí hay coi như là một ngành công nghiệp và việc quản lý nội dung tuân thủ theo các quy định hiện hành như nhà nước đã có, tuy nhiên, sự phát triển theo hướng như là một ngành công nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Đường cho hay.
Ông Ys Lee cho biết cần xây dựng một chính sách NDS phổ quát hơn. Ở Hàn Quốc có Luật NDS, không gọi chính sách chính phủ điện tử là chính sách Công nghiệp chính phủ điện tử. Và đặc biệt về chính sách phát triển ngành NDS là phát triển các khả năng sản sinh nội dung của người dân (user content) và lập được cơ sở hạ tầng để các thành phân tư nhân thông qua những nội dung được nhà nước công bố công khai để sáng tạo nhiều hơn nữa giá trị gia tăng trong đời sống.
“Những chính sách này không nên tiến hành riêng rẽ mà tiến hành một cách hệ thống và trong khuôn khổ tương tác với chính sách về NDS”, ông Ys Lee nhấn mạnh.
Ông Choi Youn Chel - Đại diện cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc với kinh nghiệm của mình đã đưa ra hai đề xuất.
Thứ nhất, đừng nên lưỡng lự phát triển DN vừa và nhỏ đặc biệt trong lĩnh vực NDS mà hãy tạo nhiều cơ hội cho DN dù có thất bại thì vẫn phải tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này
Thứ hai, khả năng thị trường NDS lớn nhưng tính rủi ro cao. Giai đoạn đầu có tính đối ứng trước cho rủi ro của thị trường này. Thử thách và phấn đấu thì thành công ngày càng cao.
HM