Sẽ lấy ý kiến các cơ quan báo chí, xuất bản về chế độ nhuận bút

(ICTPress) - Hôm nay 20/3 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực Báo chí - Xuất bản dự kiến sẽ được Bộ TT&TT trình Chính phủ tháng 9 năm 2013.

Theo Dự thảo này Nghị định sẽ gồm 5 chương và 19 điều. Đây là Dự thảo Nghị định được xây dựng để thay thế Chương II, Chương V và Chương VI Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 2/6/2002 về của Chính phủ về chế độ nhuận bút.

Đa số các đại biểu cho rằng Dự thảo này đã có nhiều đổi mới tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng các quy định trong Nghị định càng chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì càng dễ thực hiện bởi Nghị định sẽ là căn cứ pháp lý để các báo, đơn vị xuất bản làm việc với cơ quan chủ quản và với các đơn vị pháp luật.

Các đại biểu tại Hội thảo cũng có nhiều ý kiến trình bày đóng góp cho Ban Soạn thảo Nghị định cần làm rõ hơn trong Nghị định đặc biệt về Quỹ nhuận bút, các quyền lợi từ chế độ nhuận bút.

Theo đại diện của Thời báo Ngân hàng việc xác định Quỹ nhuận bút luôn là vấn đề rất khó đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt đối với cơ quan báo còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Cách tính nhuận bút như thế nào để cân đối với các nguồn cho Quỹ? Ví dụ tin báo in, báo điện tử trong Dự thảo có thể tính hệ số từ 1 - 10, các bài chính luận, phóng sự, ký, bài phỏng vấn có hệ số từ 10 - 30, đại diện Thời báo Tài chính đề nghị lấy trung bình 5 hoặc 15 để làm căn cứ vì tính nhuận bút tối đa hệ số 10 hoặc 30 cơ quan chủ quản báo thường khó chấp nhận.

Về nhuận bút khuyến khích và thù lao biên tập cũng phải có công thức tính phần trăm và được đưa vào trong Nghị định. Ví dụ, tổng quỹ nhuận bút 1 tỷ đồng thì nên dành 10 - 30% chi khuyến khích. Tương tự thù lao biên tập cũng nên tính theo công thức phần trăm quỹ nhuận bút. Tính theo phần trăm sẽ giúp các cơ quan báo linh hoạt chủ động trong phần trăm đó và đó cũng là căn cứ pháp lý để thực hiện, đại diện Thời báo Ngân hàng phát biểu.

Theo Điều 6 Dự thảo, giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương tối thiểu. Điều này quy định về khung nhuận bút cho các thể loại, chỉ bổ sung thêm thể loại báo chí là trực tuyến, media.

Đối với cơ quan báo chí tự cân đối được kinh phí và có lãi do hoạt động báo chí và các hoạt động kinh tế hỗ trợ, căn cứ vào chất lượng, thể loại theo khung hệ số nhuận bút, Tổng biên tập có thể trả cho tác giả cao hơn mức nhuận bút bình quân chung, nhưng không vượt quá quỹ nhuận bút cho phép.

Đại diện của Thông Tấn xã Việt Nam cho rằng có một số đơn vị tự chủ, một số đơn vị có thu nhưng vẫn phụ thuộc ngân sách, và có đơn vị không tự đảm bảo. Ngay như trong Thông tấn xã Việt Nam cũng có ba loại đơn vị này. Theo đó, quy định về Quỹ nhuận bút nên bổ sung nguồn thu không chỉ từ bán báo mà còn thu từ các nguồn thu khác vì nhiều đơn vị bán báo chỉ hòa vốn hoặc lỗ, vì vậy đề nghị quỹ nhuận bút được bổ sung thêm từ nguồn khác để quỹ nhuận bút được đảm bảo, cơ quan báo phát triển. Đây cũng là ý kiến của các đại diện Báo Nhân dân, Báo Hà Nội mới.

Trong khi đó cũng đóng góp cho quy định về Quỹ nhuận bút, đại diện của Báo Công An thì cho rằng nên bổ sung thêm nội dung với ý những báo chưa tự chủ được tài chính thì do cơ quan chủ quản quyết định.

Về nhuận bút cho xuất bản phẩm, đại diện của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia cho biết cần bổ sung nhuận bút xuất bản phẩm điện tử và khung nhuận bút vì hiện nay Việt Nam đã phát triển mạnh hình thức xuất bản này.

Đại diện của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia cũng cho biết nhuận bút sách nghiên cứu lý luận về chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục mức chi tỷ lệ phần trăm nhuận bút 12 - 15% là quá thấp vì viết sách chính trị rất khó, sách chính trị không khác công trình nghiên cứu nên đề nghị để mức 18%, bằng mức sách khoa học - công nghệ, kỹ thuật, công trình khoa học.

Trong khi đó, đại diện của Nhà Xuất bản Kim Đồng cho biết điều chỉnh tỷ lệ % nhuận bút không phải là cách làm hay bởi vì quan trọng là làm sao sách phát hành, tái bản được nhiều thì đương nhiên nhuận bút cho tác giả sẽ được cao.

Theo Điều 16 của Dự thảo, phương thức tính trả nhuận bút là theo tỷ lệ % quy định trong khung nhuận bút nhân với giá bán lẻ xuất bản phẩm và nhân với số lượng in xuất bản phẩm. Tỷ lệ % là tỷ lệ trong khung nhuận bút được thỏa thuận giữa tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng xuất bản phẩm thể hiện trên hợp đồng sử dụng tác phẩm.

Về nhuận bút xuất bản phẩm thuộc loại dịch, đại diện Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia cho rằng để mức 12% thì quá thấp. Nếu ước tính 1 cuốn sách 500 trang thì nhuận bút có gia giảm thì trả cho người dịch là 20.000 đồng/trang A4. Hiện nay, mức thuê ngoài “nể” cũng lấy giá là 70 - 80.000 đồng/trang A4, có chăng nên để các nhà xuất bản tự cân đối, tự quyết định.

Kết luận buổi Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết việc xây dựng Dự thảo cố gắng tìm giải pháp hài hòa. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo Nghị định tiếp nhận các ý kiến hoàn thiện một bước, quan trọng nhất là để hình thành Quỹ nhuận bút. Đối với từng lĩnh vực báo chí có đặc thù riêng cần rà soát kỹ. Nghị định phải phù hợp cả cơ quan không đảm bảo thu.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện Dự thảo trong tháng này và sớm gửi cho các cơ quan báo chí đặc thù, đại diện có ý kiến trực tiếp bằng văn bản.

Mai Nguyễn

Tin nổi bật