Quán triệt CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững

(ICTPress) - “Các cấp, các ngành cần quán triệt vai trò về CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/1.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Hội nghị

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các ngành, các cấp: Đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực CNTT, định hướng cho học sinh về nghề; Xây dựng nền CNTT trong nước, các doanh nghiệp CNTT chủ lực ngang tầm thế giới, các khu công nghiệp tập trung, ứng dụng CNTT hiện nay mới chỉ ở mức khiêm tốn; Huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng thông tin, trong đó có nguồn vốn từ xã hội; Bộ TT&TT phối hợp liên ngành để thực hiện tốt và mở rộng hạ tầng thông tin trong nước; Vận động người Việt Nam dùng sản phẩm CNTT thương hiệu Việt.

Nghị quyết số 13 Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã xác định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng quan trọng, cần ưu tiên đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Nghị quyết cũng nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đây là một chủ trương lớn, xác lập vị thế mới của ngành TT&TT và đòi hỏi ngành TT&TT phải phát triển ở trình độ cao hơn.

Với những nội dung này, một mặt Nghị quyết tái khẳng định tầm quan trọng của các chương trình, đề án đã và đang được triển khai như Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (được ban hành QĐ 1755/QĐ-TTg), Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015 (được ban hành QĐ 1605/QĐ-TTg), Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở (được Quốc hội khoá XIII thông qua) v.v…,.

Trước yêu cầu đó, ngày 08/6/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP và ngày 19/7/2012, Bộ TTTT cũng ban hành Quyết số 1293QĐ-BTTTT về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 13 của Trung ương 4 để phát triển hạ tầng thông tin. 

Hội nghị được Bộ TT&TT tổ chức cả ngày hôm nay thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai Nghị quyết TW số 13 Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015.

Với vai trò Bộ quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nêu một vài điểm rất cụ thể về nhận thức, vai trò của người đứng đầu và về việc huy động nguồn lực phục vụ yêu cầu thực hiện Nghị quyết:

Về nhận thức đối với dự án đầu tư phát triển TTTT nói chung và phát triển CNTT nói riêng: Thực tế cho thấy đa số các dự án đầu tư phát triển TT&TT, nhất là cho ứng dụng CNTT ở các địa phương, đều ở mức khoảng 10 - 15 tỷ đồng trở xuống. Với mức đầu tư này là rất khiêm tốn so với các dự án phát triển hạ tầng khác với tầm cỡ hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Đây chính là điểm khác biệt của các dự án phát triển hạ tầng TT&TT, một hạ tầng mềm, không sử dụng nhiều tài nguyên, nhiên liệu và nguyên liệu, mà phát triển trên nền khai thác tài nguyên, trí tuệ của con người. Tuy nhỏ, nhưng các dự án phát triển hạ tầng TT&TT, ứng dụng CNTT lại có hiệu quả lan tỏa rất lớn đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, tạo ra các dịch vụ mới để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn kết và khai thác hiệu quả các hạ tầng khác.

Chính vì vậy, cần tiếp tục thay đổi nhận thức về các dự án phát triển hạ tầng TT&TT để có cơ chế, chính sách phân bổ kinh phí và quản lý phù hợp, khác biệt so với các dự án phát triển hạ tầng vật lý như giao thông, năng lượng, xây dựng,... là những dự án cần phải đầu tư nguồn lực tài chính rất lớn mới có thể thực thi được.

Về nhận thức đối với sản phẩm của các dự án phát triển hạ tầng TT&TT: phần mềm và nội dung số chiếm một tỷ trọng lớn trong các dự án phát triển hạ tầng TT&TT. Đánh giá giá trị sản phẩm và hiệu quả của chúng đối với xã hội không dễ và khó thấy ngay như đối với các dự án phát triển hạ tầng vật lý như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, kinh nghiệm phát triển trên thế giới và các bài học thành công tại Việt Nam đã khẳng định vị trí vai trò của hạ tầng TT&TT là không thể thiếu được trong nền kinh tế hiện đại. Do vậy, cũng cần tiếp tục thay đổi nhận thức để mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho hạ tầng TT&TT, thì mới có thể góp phần thiết thực được mục tiêu hiện đại hoá nền kinh tế đất nước.

Về cam kết của người đứng đầu: kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian qua cho thấy sự thành công luôn gắn liền với mức độ cam kết, ủng hộ của người đứng đầu. Với những đặc thù như vừa phân tích ở trên, trong bối cảnh khó khăn chung về ngân sách và cân đối các nhu cầu phát triển khác, phát triển hạ tầng TT&TT chỉ có thể dành được sự ưu tiên tương đối thông qua hành động ủng hộ quyết liệt của người đứng đầu.

Chính vì vậy, có thể khẳng định việc triển khai thành công của Nghị quyết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đặc biệt các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ. Bộ TTTT rất hiểu các khó khăn trong tình hình hiện nay, song rất mong các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương và địa phương luôn dành sự ưu tiên cần thiết cho sự nghiệp phát triển hạ tầng thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Trung ương 4. 

Về nguồn lực: đây đang là nút thắt đối với sự nghiệp phát triển TT&TT, để khai thông nguồn vốn cho sự nghiệp thông tin, truyền thông Bộ TT&TT đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh việc khai thông các nguồn lực mới, với cơ chế chính sách và các giải pháp phù hợp chắc chắn hạ tầng TT&TT sẽ trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn hơn, định hướng lại luồng vốn của xã hội. Làm được việc này chính là chúng ta đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế; khẳng định vai trò quan trọng của hạ tầng thông tin đối với sự phát triển bền vững của đất nước. 

HM

Tin nổi bật