Không quân Việt Nam trong “12 ngày đêm”: Nhìn từ các phía
Không quân Mỹ không chỉ “đánh hụt” MIG trong Linebacker II, mà còn chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc đối kháng trên không...
Hiệp đấu quyết định
Điểm nóng của “chiến tranh lạnh” đầu thập kỷ 70... Không quân Mỹ từ chỗ là binh chủng hiệp đồng với quân bộ (trên chiến trường miền Nam) trở thành lực lượng tác chiến độc lập, là công cụ trực tiếp nhằm đạt mục tiêu chính trị: đánh thắng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (Nixon lệnh cho Lầu Năm góc “đánh thắng cuộc chiến tranh này” bằng cuộc tập kích chiến lược Linebaker II).
Vì thế, tới cuối năm 1972, “trận chung kết” của các mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao trở thành mặt trận trên không, cụ thể là cuộc đối đầu trên bầu trời Hà Nội. Bộ đội phòng không - không quân của Việt Nam, ra đời trong bão táp - đương đầu với kẻ thù đường không mạnh hơn cả trăm, ngàn lần, đã trưởng thành, thành một quân chủng đảm nhiệm nhiệm vụ chiến lược, tới thời khắc trọng đại này, đã gánh vác sứ mạng mang tính quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp thống nhất đất nước.
Đòn tập kích ồ ạt bằng không quân chiến thuật và không quân từ các tàu sân bay của Hải quân Mỹ (gọi chung là không quân chiến thuật Mỹ), tiến hành 24/24h trên vùng trời Bắc Bộ trong Linebacker II nhằm chuẩn bị chiến trường, hộ vệ, cho các máy bay ném bom chiến lược, đồng thời bắn phá, phong tỏa quyết liệt các mục tiêu thuộc hệ thống quốc phòng miền Bắc (sân bay, trận địa phòng không, kho tàng, cầu cảng...) bằng binh hỏa khí của máy bay tiêm kích và tiêm kích bom của Mỹ.
Một đối thủ chính mà không quân chiến thuật Mỹ nhằm vào là lực lượng không quân còn non trẻ của Việt Nam, được trang bị các máy bay MIG - 17 và MIG 21, thuộc thế hệ thấp hơn một vài “đẳng” so với các máy bay tiêm kích được Mỹ tung vào “ván bài” Linebacker II, như F - 4J, F-111...
Máy bay MIG-21 chứng tỏ rằng nó là loại phi cơ chiến đấu ưu việt trong đánh chặn từ xa |
Về so sánh lực lượng toàn cầu, tác giả M. Michell viết trong lời đầu sách: “Đụng đầu: Các cuộc không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam”: “Giả sử một đơn vị quân Mỹ có thể gây được thiệt hại cho quân Bắc Việt ở rừng rậm Việt Nam đi nữa, thật khó có thể nói lính Mỹ sẽ làm được như thế với quân đội Xô viết ở Đức chẳng hạn. Nhưng... một khi các phi công MIG -21 Bắc Việt Nam có thể bắn rụng F4 của Mỹ như cơm bữa, cũng hình dung được F4 sẽ đương đầu với MIG 21 do người Liên Xô lái ra sao”.
Mỹ “dốc túi” phục thù
Vì thế, Linebacker II trở thành một “dịp” Mỹ chủ trương dốc toàn lực đánh quỵ Không quân Việt Nam - ban đầu chỉ gồm vài chiếc MIG - 15, MIG-17 “cổ lỗ sĩ”, bay chậm hơn tiếng động - qua chiến trận trên không ở Việt Nam đã “lớn như thổi”, tiêu diệt ngày càng nhiều máy bay Mỹ.
“Thế trận của bộ đội PK - KQ Việt Nam”, phía Mỹ dịch bản đồ trong bài của Thượng tướng giáo sư Hiupenen đăng trên tạp chí Phòng không - Phòng thủ vũ trụ, Nga |
Theo Michell, “Lực lượng MIG của Bắc Việt Nam được mong đợi như mối đe doạ lớn nhất đối với B-52. Trước đó, họ đã tiến gần lắm tới việc bắn rụng B-52. Và vì MIG-21 được thiết kế chuyên để đánh chặn B-52, hẳn nó sẽ đóng vai trò vũ khí chính (chống B-52)”. (Đụng đầu… tr. 272). Một khi các B-52 bay vào vùng trời Thủ đô Hà Nội, các MIG, theo Mỹ dự kiến, sẽ phải được tung ra để đánh chặn, để rồi rơi vào một cuộc tàn sát của các máy bay F-4 yểm hộ cho “pháo đài bay”, vốn đông gấp hàng chục lần MIG, và được trang bị tên lửa trên từng chiếc gấp 4 lần so với MIG - 21.
Theo tướng A. Hiupenen, chống lại hơn 1000 máy bay tiêm kích của Mỹ trong Linebacker II, “Không quân nhân dân Việt Nam được trang bị 187 máy bay tiêm kích. Trong số đó 71 chiếc được xem là sẵn sàng chiến đấu (38%), nhưng theo điều kiện thực tế lúc đó, chỉ có thể đưa vào trận được 47 chiếc (31 MIG - 21 và 16 chiếc MIG - 17, bằng 26%); các máy bay MIG - 19 do Trung quốc sản xuất không tham gia chiến đấu... Chỉ có 13 phi công MIG -21 và 5 phi công MIG - 17 có thể bay đơn trong các điều kiện khí tượng khác nhau. Trong số 194 phi công, có tới 75 (40%) phi công trẻ”.
Xuất kích của không quân đầu chiến dịch Linebacker II tuy chưa hạ được B-52, nhưng làm rối loạn đội hình bay của địch, tạo điều kiện cho radar nhận biết dải nhiễu B-52 dễ dàng hơn.
Sau trận then chốt 20/12, MIG-21 được đưa từ tuyến sân bay trong (Gia Lâm, Nội Bài, Hòa Lạc) ra tuyến ngoài (sân bay Yên Bái, Cẩm Thủy), xa khu vực hỏa lực của tên lửa SAM, tạo điều kiện thuận lợi hơn để công kích B -52. Quyết định này đã bảo tồn được sinh lực tinh nhuệ và phương tiện hiện đại, hiện thực hóa quyết tâm dùng MIG -21 đánh B-52, trong điều kiện đối phương dốc toàn lực tiến hành chiến dịch không kích chiến lược mang ý nghĩa “trận quyết định”.
Đánh cho Mỹ cút...
Ngay sau trận then chốt đêm 20/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh với bộ đội phòng không: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội... Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
Và sau chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm, tư lệnh PK - KQ Lê Văn Tri nhận định: “... Chúng tôi đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là tiêu diệt sinh lực địch, để đè bẹp ý chí của chúng, buộc chúng phải chấm dứt hành động chiến tranh. Nhờ nhận thức đúng các mục tiêu chiến lược, Quân chủng PK - KQ đã hoàn thành được các mục tiêu này”.
“Cuộc chiến của máy bay MIG và Phantom trên bầu trời Việt Nam đã kết thúc với thất bại hoàn toàn thuộc về phía máy bay của Mỹ”.
Phụ nữ Thủ đô