Khoảng cách số giữa các vùng miền qua Chỉ số TMĐT 2012

(ICTPress) - Tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam “Ecombiz 2012”, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện (TMĐT) tử năm 2012 (E-business Index, gọi tắt là EBI).

Đây là lần đầu tiên VECOM xây dựng Chỉ số TMĐT với mong muốn hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp (DN) nhanh chóng đánh giá một cách định lượng tình hình ứng dụng TMĐT trên phạm vi cả nước cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc điều tra, nghiên cứu EBI chỉ ra mức độ ứng dụng TMĐT và so sánh sự tiến bộ giữa các năm theo từng địa phương dựa trên một hệ thống các chỉ số.

Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) được tính toán dựa trên các tiêu chí như số lượng máy tính, hình thức kết nối Internet, tỷ lệ cán bộ sử dụng email thường xuyên. nguồn nhân lực hiện tại đã đáp ứng thế nào đối với việc triển khai CNTT và TMĐT của DN, DN có khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kỹ năng về CNTT và TMĐT hay không, các hình thức đào tạo...

Các thành phố lớn vừa là trung tâm kinh tế vừa tập trung nhiều trường đại học có chỉ số cao nhất về nguồn nhân lực và hạ tầng (NNL&HT). Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố dẫn đầu về chỉ số NNL&HT với các điểm số tương ứng là 71,3 và 71,0. Điểm số của tỉnh Thái Nguyên là 68,7 đứng ngay sát hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng (70,0) và Đà Nẵng (68,8). Năm tỉnh có chỉ số NNL&HT thấp nhất đều thuộc khu vực Nam Bộ, đó là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước và Cà Mau.

Chỉ số giao dịch TMĐT B2C được xây dựng dựa trên các tiêu chí như mức độ sử dụng email trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và vận hành website của DN, hiệu quả tham gia sàn TMĐT, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, chính sách bảo vệ thông tin cá nhân.

 

Điểm số chung cho cho nhóm tiêu chí giao dịch B2C không cao, phản ánh tỷ lệ DN chưa có website còn cao hơn nhiều so với DN có website. Mặt khác, với các DN đã có website thì chất lượng và hiệu quả do website mang lại cũng chưa lớn. Sự hỗ trợ khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán chưa cao. Các DN cũng chưa chú trọng thoả đáng tới việc bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch trực tuyến. Những địa phương dẫn đầu về chỉ số này là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Chỉ số giao dịch B2B dựa trên các tiêu chí sử dụng và triển khai các phần mềm lập kế hoạch nguồn lực (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lý hệ thống cung ứng, giao kết hợp đồng trực tuyến, hiệu quả từ giao dịch trực tuyến. Những tỉnh và thành phố dẫn đầu về loại hình này là các thành phố lớn hoặc các tỉnh thu hút được nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài. TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai và Đà Nẵng là những địa phương xếp hạng cao nhất về chỉ số này.

TMĐT không thể tách rời hoạt động cung cấp trực tuyến các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, chẳng hạn như hải quan điện tử, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, khai báo thuế trực tuyến… Hơn nữa, nhà nước cũng là khách hàng rất lớn trong việc mua sắm chính phủ nên hoạt động đấu thầu trực tuyến các hàng hoá và dịch vụ công có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh doanh thương mại của nhiều DN ở mọi quy mô.

Chỉ số giao dịch G2B được tính toán dựa trên mức độ DN thường xuyên tra cứu thông tin trên các webiste của cơ quan nhà nước, tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới hoạt động thương mại, tìm kiếm thông tin đấu thầu và khả năng trúng thầu thông qua các website của cơ quan Nhà nước… TP. Đà Nẵng và TP. HCM là hai địa phương đứng đầu về chỉ số này. Ba địa phương tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng và Bình Dương.

Chỉ số TMĐT cho mỗi địa phương được tổng hợp từ điểm số cho bốn nhóm tiêu chí tác động tới mức độ triển khai TMĐT là nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT, giao dịch B2C, giao dịch B2B và giao dịch G2B.

Nhóm 5 địa phương dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai, tiếp ngay sau đó là 3 địa phương gồm TP. Cần Thơ, Bình Dương và Bắc Ninh. Như vậy có thể nhận xét các địa phương có mức độ sẵn sàng ứng dụng TMĐT cao nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh năng động và liền kề với hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh.

Mặt khác, có thể thấy, 5 địa phương có mức độ sẵn sàng ứng dụng TMĐT thấp nhất là các tỉnh xa hai trung tâm kinh tế lớn, còn gặp những khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở…

TMĐT không chỉ cần có sự kết nối Internet mà còn cần nhiều điều kiện khác. Rõ ràng việc thu hẹp khoảng cách số nói chung và sự sẵn sàng cho TMĐT nói riêng giữa các địa phương trước hết cần sự nỗ lực của từng tỉnh nhưng đồng thời cần có chính sách vĩ mô trên phạm vi cả nước.

Mạnh Vỹ

Tin nổi bật