Chống tin nhắn rác không chỉ là biện pháp hành chính

(ICTPress) - Là Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn thư rác, tin nhắn lừa đảo, nhiều đại biểu từ các Bộ, ngành, nhà mạng đã tập trung nêu nguyên nhân và biện pháp để ngăn chặn một vấn đề nhức nhối xã hội. Đây là Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức chiều nay 13/11 tại Hà Nội.

Không thể mua thẻ SIM “vô tư” nếu không rõ danh tính

Trong những năm qua tình hình tin nhắn rác tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Việc tin nhắn rác không mong muốn đã gây rất phiền hà, bực bội cho người dùng di động.

Đi tìm nguyên nhân sau xa nhất cho nạn tin nhắn rác, Đại diện Bộ Công an cho biết Thanh tra Bộ TT&TT đã phối hợp Bộ Công an, cùng các lực lượng chuyên môn khác tiến hành nhiều cuộc thanh tra, thăm dò ý kiến khảo sát khách hàng để tìm ra nguyên nhân để kiến nghị ban hành một số chính sách mạnh hơn như quy định quản lý các trò chơi, dự thưởng, bình chọn kết quả trên mạng di động, Internet, quản lý giá cước viễn thông. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân chính, cơ bản trong việc tán phát tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn nội dung đe dọa phần lớn xuất phát từ SIM thuê bao di động trả trước nên việc truy tìm, xác minh các tổ chức, các cá nhân phát tán thông qua tên thuê bao còn nhiều khó khăn. Đối tượng sử dụng SIM để kích nổ điện thoại nhưng không xác minh được đâu là chủ thuê bao. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là quản lý thuê bao lỏng lẻo.

Đại diện của Bộ Công An đề xuất các nhà cung cấp dịch vụ ngoài việc phục vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, chăm sóc khách hàng thì cũng phải quản lý chặt chẽ thuê bao trả trước. Cung cấp dịch vụ cho khách phải biết tên, địa chỉ, không thể có số điện thoại mà không có chủ thuê bao. Đối với Việt Nam còn mới nhưng ra nước ngoài chúng ta không thể mua được cái thẻ SIM “vô tư” như thế nếu không có rõ thông tin danh tính. Đề nghị nhà mạng nắm vững danh tính. Trong khi đó, thuê bao di động phải thông báo nội dung sử dụng.

Nhà mạng và CSP nên hài hòa hóa trách nhiệm xã hội

Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh Lê Thái Hỷ cho biết thực trạng tin nhắn rác có một số nhóm vấn đề. Trong đó có vấn đề các nhà mạng và các CSP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chưa hài hóa trách nhiệm xã hội và doanh thu. Game online đạt doanh thu lớn nên doanh nghiệp phớt lờ các cái khác. Chế tài không là gì với những cái thu được. Nếu các bên không hài hòa được các lợi ích thì các biện pháp quản lý không là gì.

Các nhà mạng và CSP vừa làm lợi nhuận kinh doanh vừa phải trích ra để tuyên truyền, xây dựng công cụ kỹ thuật hạn chế mặt trái thay vì đi theo các biện pháp hành chính”, Giám đốc Lê Thái Hỷ đề xuất.

Bảo vệ khách hàng là trách nhiệm đầu tiên của nhà mạng

VNPT và Viettel là hai doanh nghiệp viễn thông lớn sở hữu 3 mạng viễn thông đã có những biện pháp sát sao để thực hiện chống tin nhắn rác. Cả hai đại diện của VNPT và Viettel đều cho biết định kỳ rà soát, thực hiện các ngăn chặn kịp thời tin nhắn rác, tin nhắn không lành mạnh và có hàng loạt các biện pháp.

Về biện pháp kỹ thuật, Phó Tổng giám đốc VNPT Nghiêm Phú Hoàn cho biết đã triển khai phần mềm antispam theo tần suất, dịp lễ và xử lý quyết liệt các đối tượng. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom cho biết đã xây dựng hệ thống chống spam thông qua kiểm tra tốc độ tin nhắn kiểm soát 60% dung lượng tin nhắn. Viettel sẽ tiếp tục nâng cấp để kiểm soát 100% tin nhắn, kiểm soát nội dung và tốc độ tin nhắn trong thời gian tới.

Các nhà mạng của VNPT và Viettel cũng đã truyền thông cảnh báo khách hàng vào các dịp cao điểm, lễ, tết. Đối với tin nhắn không phù hợp thuần phong mỹ tục thì cắt ngay đầu số dịch vụ và thuê bao. Từ đầu 2012, Viettel đã khóa 61 đầu số dịch vụ và hơn 3000 thuê bao SPAM. Trong khi đó, Vinaphone ngừng 14 đầu số, VMS ngừng 88 đầu số 1800.

“Quan điểm của Viettel bảo vệ khách hàng là trách nhiệm đầu tiên của nhà mạng. Thuê bao “khó chịu” thì nhà mạng thiệt hại đầu tiên vì thuê bao rời mạng, theo đó kéo theo doanh thu giảm”, ông Dũng cho biết.

5 nhóm giải pháp

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết vấn đề tin nhắn rác nay đã trở thành vấn đề xã hội, cần được xem xét ở tất cả các cấp, các ngành nên các biện pháp không phải là biện pháp kinh tế mà biện pháp toàn xã hội. Qua Hội nghị này với nhiều ý kiến phát biểu, có thể thấy hoàn toàn có thể phát hiện được tin nhắn phát tán, đóng cửa nguồn phát tán, không chia doanh thu cho CSP và nâng nhận thức của toàn bộ các bên gồm doanh nghiệp, người dân, địa phương.

Chỉ đạo biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong thời gian tới theo Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết có 5 nhóm vấn đề để thực hiện:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Hoàn thiện các hệ thống văn bản. Bao giờ công tác quản lý cũng rượt đuổi theo sự phát triển vì đúc rút từ thực tiễn. Công tác quản lý cố gắng thu hẹp khoảng hở. Triển khai rộng các văn bản quản lý như Thông tư 04, 14, Chỉ thị 04 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ ra những biện pháp.

Bộ TT&TT sẽ kiến nghị các Bộ ngành liên quan và các cấp thẩm quyền để ban hành các văn bản liên quan.

Nhóm giải pháp 2: Quản lý nhà nước. Trước hết các cơ quan Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ để phát huy sức mạnh quản lý. Ngoài ra, các biện pháp quản lý nhà nước khác như thu hồi đầu số, tạo sự minh bạch trong kinh doanh;  Tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm, thanh tra diện rộng, chặt chẽ, chính xác; Không phải xử phạt mà nhắc nhở thi hành pháp luật; Chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp viễn thông, di động chặt chẽ; Các CSP sẽ bị chấm dứt nếu phát tán tin nhắn rác. Các nhà mạng chủ động xử lý, không phải đợi đến lúc có người bị lừa đảo mới thực hiện biện pháp.

Nhóm giải pháp 3: thực hiện các giải pháp kỹ thuật cũng hết sức quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp khẩn trương đăng ký mã số quản lý theo Nghị định 77; Loại bỏ khỏi hệ thống các game không tốt, mê tín dị đoan, các kết quả xổ số ko thông báo trước thiệt về thu nhưng đảm bảo văn hóa, trật tự; Lưu trữ CSDL đầy đủ an toàn ít nhất 1 năm theo Nghị định 77; Khi quảng cáo dịch vụ trên truyền hình, tin nhắn phải truyền thông thông báo giá cước; Các dịch vụ khi quảng bá phải niêm yết giá và quan trọng là phải xây dựng hệ thống dữ liệu cá nhân tránh “mù mờ” không biết SIM của ai.

Nhóm giải pháp 4: Tăng cường công tác tuyên truyền. Đây được xem như là giải pháp cơ bản, lâu dài hết sức quan trọng. Mọi người dân phải được nâng cao nhận thức, thấy rõ tác hại của tin nhắn rác, không làm theo, không theo hướng dẫn đánh vào tâm lý thuê bao của các tin nhắn.

Báo chí phải tuyên truyền, cảnh báo, lên án, đưa lên báo các vi phạm và xử lý kể cả xử lý hình sự các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Báo chí thông tin thường xuyên liên tục rõ ràng các giá cước, thuyết minh về các chương trình bình chọn…

Bộ TT&TT sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể khác cùng vào cuộc và làm mạnh để nâng cao nhận thức không theo tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, thực hiện nghiêm quy định chống tin nhắn rác.

HM

Tin nổi bật