Hà Nội - hai ngàn năm
Hà Nội, tháng 10…
Tháng 10 năm 2010, cả nước và Hà Nội tưng bừng tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm nay 2012, thấm thoắt xuân qua, hè tới, thu sang… thế là lại đến tháng 10.
Một ngàn năm là khoảng thời gian dài đủ để du khách ngưỡng mộ trước bề dày lịch sử, nhưng Hà Nội có nhiều hơn thế. Hà Nội đã là nơi địa linh nhân kiệt từ hơn một ngàn năm trước cái ngày được chọn làm thủ đô Thăng Long của nước Đại Việt, tức hai ngàn năm cách nay.
Từ trung tâm Hà Nội, dọc theo con đê sông Hồng nay được nhiều người gọi là con đường gốm sứ kể từ dịp đại lễ ngàn năm, đi về phía Tây khoảng mươi cây số chúng ta sẽ gặp dấu tích lịch sử của Hà Nội hơn hai ngàn năm trước: làng Chèm.
Chèm là một ngôi làng Việt cổ có nhiều huyền tích gắn với sông Hồng và địa danh Từ Liêm. Các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học đã có những công trình nghiên cứu với giả định rằng Chèm tiếng cổ phát âm là B-lem, T-rem hay T-lem sau này được phiên âm thành Từ Liêm. Tên huyện Từ Liêm ngày nay có xuất xứ từ tên làng Chèm xưa.
Thuở xa xưa, Chèm đã là một làng quê trù phú phì nhiêu bởi phù sa, cá và các loại thủy sản sông Hồng. Đặc biệt người dân làng Chèm xưa còn có nghề làm giò nổi tiếng. Trong cái công thức “giò, nem, ninh, mọc” của mâm cỗ Việt cổ truyền, giò luôn đứng đầu bảng. Ấy vậy nhưng giò cũng có năm bảy loại, mà người sành ăn sành uống và túi tiền đủ cho những cái sành tinh tế đó thì mới có thể phân biệt để chọn đúng miếng ngon, miếng sang… Rồi tự bao giờ giò Chèm đã đi vào ca dao:
“Cỗ sang nem Vẽ, giò Chèm
Anh giã, em gói nên duyên mặn mà“
Thời mở cửa kinh tế phát triển, nhiều nhà mới, biệt thự mới được xây trên đất làng Chèm. Nghề làm giò mai một nhưng những chiếc cối giã giò xưa cũ vẫn nằm đâu đó bên những mảnh sân, dưới một gốc cau hay ẩn mình ở cuối khu vườn đầy lá… Những chiếc cối đá cũ vẹt mòn mà bền bỉ, vững chãi như dấu tích kiêu hãnh của một thời chưa xa mà chẳng phải ngôi làng cổ nào cũng có được.
Đình Chèm |
Làng Chèm còn nổi tiếng hơn bởi danh nhân Lý Ông Trọng và ngôi đình thờ Ông. Hơn hai ngàn năm trước, thời vua Hùng trị vì nước Văn Lang, Hùng Duệ Vương tuyển người hiền tài ra giúp nước, Ông được tiến cử và được phong chức Chỉ huy Sứ giúp vua Hùng dẹp yên giặc giã nơi biên giới phía Tây và phía Nam. Khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán, nước Văn Lang được đổi tên thành Âu Lạc. Ông cùng với các tướng tài hết lòng phù tá giúp Thục Phán An Dương Vương đánh bại quân xâm lược nhà Tần. Tuy quân nhà Tần bại trận ở Âu Lạc, nhưng nghe danh Lý Ông Trọng nổi tiếng tài ba, Tần Thủy Hoàng gửi thư đề nghị vua Thục tiến cử Ông sang giúp việc nước. Để giữ quan hệ hòa hảo, vua Thục cử Lý Ông Trọng đi sứ sang kinh đô Hàm Dương của nước Tần. Với tài mưu lược, Ông lại giúp vua Tần trấn giữ đất Lâm Thao, Cam Túc dẹp yên giặc Hung Nô để dân chúng nhà Tần được thái bình, yên ổn làm ăn. Mến tài và muốn giữ ở lại lâu dài, Tần Thủy Hoàng phong cho Ông chức Phụ Tín hầu và gả công chúa.
Lý Ông Trọng là một vị lưỡng quốc tướng công nổi tiếng trong lịch sử, không chỉ giỏi võ nghệ quân sự mà còn tuyệt vời trong cách đối nhân xử thế. Mặc dù được trọng đãi nhưng một thời gian sau Ông dâng biểu xin được về quê hương để phụng dưỡng mẹ già. Cảm động vì tình hiếu nghĩa của Ông, vua Tần cho phép Ông đưa gia quyến về nước. Về đến quê nhà, Ông giúp dân làng dẹp yên nạn thủy quái sông Hồng, khuyến khích phát triển làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm để nhà nhà no ấm yên vui. Người dân từ trẻ đến già ai cũng kính trọng và biết ơn Ông. Sau khi Ông mất, vua Thục truyền cho dân làng lập đình thờ cúng. Hằng năm, hội Chèm mở vào rằm tháng Năm âm lịch để tưởng nhớ Ông. Ca dao có câu:
“Thứ nhất là hội Cổ Loa,
Thứ nhì hội Gióng,
Thứ ba hội Chèm”.
Đây là hội của ba làng: làng Chèm (Thụy Phương), làng Hoàng (Hoàng Xá) và làng Mạc (Mạc Xá).
Theo thần tích tại đình Chèm, ngôi đình đầu tiên được xây dựng để thờ Ông đã có lịch sử trên hai ngàn hai trăm năm.
Là một kiến trúc cổ kính, đình Chèm đã qua nhiều lần tu sửa và xây thêm. Đình còn giữ được cuốn sách ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế và nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao. Một sự kiện đặc biệt trong việc tu sửa đình được ghi lại là “kiệu đình Chèm” vào năm Bính Thìn 1916. Việc kiệu đình là sáng kiến dùng gỗ làm đà, treo quang bỏ gạch, để kích dần dần nâng toàn bộ ngôi đình lên cao 2,4 mét theo phương pháp đòn bẩy. Thành công này thực sự là kỳ tích của những người thợ xây dựng thủ công đầu thế kỷ 20.
Quán nước ven sông Hồng trong nhịp sống ngày thường |
Đê sau lưng và sông Hồng phía trước, kiến trúc của ngôi đình có nhiều nét sáng tạo độc đáo. Tòa đại bái gồm hai tòa nhà năm gian hai dĩ được nối với nhau bằng hệ thống máng đồng tạo không gian rộng rãi. Cung gồm hai tòa nhà ba gian hai dĩ nối với nhau bằng ống muống ở gian giữa tạo nên hình chữ công. Hệ thống máng đồng và ống muống nối các tòa nhà với nhau nên chúng không bị tách rời như ở các kiến trúc đình chùa khác. Các hoa văn chạm khắc trên gỗ cũng hết sức sinh động và linh hoạt…
Đối diện với vị trí ngôi đình, về phía bên kia đê, nhiều nhà mới đang được xây dựng. Đầm ấm mà không ồn ào, những tòa nhà dù mới hay cũ, hầu hết vẫn giữ lại khoảng sân vườn và thoáng cây xanh cho những vội vã, hối hả có chỗ mà lắng lại đâu đó bên ngoài.
Hơn hai ngàn năm tuổi, ngôi làng vẫn giữ nét duyên xưa, nét riêng có của làng Chèm, Hà Nội.
Hiền Minh