Câu chuyện về 5 nhân viên của bưu cục Titanic
(ICTPress) - Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra thảm họa nhiều chi tiết mới tiếp tục được công bố. Tuy nhiên cũng không mấy ai để ý đến câu chuyện của 5 người lao động bình thường, 5 nhân viên bưu chính.
Người ta đã tốn không ít giấy mực để bàn tán về vụ đắm tàu này. Nhiều cuốn sách, tiểu thuyết và tác phẩm điện ảnh… do “ăn theo” Titanic mà cũng đã trở nên nổi tiếng…
Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra thảm họa nhiều chi tiết mới tiếp tục được công bố và cũng không ít chuyện cũ được xới xáo lại. Tuy nhiên, cũng không mấy ai để ý đến câu chuyện của 5 người lao động bình thường, 5 nhân viên bưu chính và đã đi theo bưu cục của mình đến tận những giây phút cuối cùng để rồi cùng nhau xuống đáy biển sâu…
Titanic - con tàu chở thư: Trước hết Titanic chẳng những là tàu chở hành khách mà nó còn là một tàu chở thư. Danh hiệu đầy đủ của nó là RMS Titanic. RMS - viết tắt của cụm từ Royal Mail Ship (“Tàu thư tín của Hoàng gia”). “Tước hiệu” này có thể cũng mang thêm một chút oai phong cho Titanic vì phương tiện giao thông nào có ưu thế vượt trội về tốc độ và sự an toàn mới được chọn để kết hợp chở thư.
Nhưng hơn thế nữa, trên con tàu chở khách sang trọng này người ta phải thành lập hẳn một bưu cục để vừa làm nhiệm vụ tổ chức dịch vụ phục vụ, vừa giao nhận các túi bưu phẩm với các bưu cục dọc đường mà còn phải bảo quản và trên đường đi tiếp tục khai thác, chia chọn các túi thư chưa phân hướng.
Nơi khai thác bưu chính trên tàu Titanic (ô chữ nhật đỏ) |
Xuất phát từ Southampton con tàu ghé qua Pháp cập cảng Cherbourg rồi tới Queenstown ở Ireland để lấy thêm khách trước khi ra khơi thẳng đường sang New York. Ngay tại điểm xuất phát đã có 1758 túi bưu phẩm được đưa lên tàu. Cảng tiếp theo - 1412 túi và cảng cuối cùng thì chỉ có 194 túi. Các túi thư này đều được phân đi Mỹ, Canada và một số thành phố thuộc châu Mỹ La tinh.
Cảnh chuyển các túi thư lên tầu từ cảng Southampton |
Bưu cục Titanic và đêm định mệnh: Bưu cục có 5 nhân viên - 2 là người Anh và 3 người Mỹ. Họ đều là những nhân viên bưu điện giàu kinh nghiệm do hãng White Star Line chọn ký hợp đồng. Công việc hàng ngày của họ không kém phần bận rộn. Có mặt trên Titanic trong chuyến đi lịch sử sang “Tân Thế giới”, dĩ nhiên hành khách ai cũng muốn gửi thư và bưu ảnh chia sẻ với bạn bè và người thân.
Phòng làm việc của họ tuy được bố trí ở phía sâu dưới hầm tàu nhưng ngay chân cầu thang dẫn lên tầng trên và từ đó có thể lên boong… Phòng chia chọn, có nơi khai thác riêng cho các bưu phẩm ghi số và phía dưới là kho chứa bưu phẩm.
Mặc dù được đi trên chuyến tàu sang trọng bậc nhất một thời này mà điều kiện ăn ở và làm việc của mấy nhân viên bưu chính này chẳng sang trọng bao nhiêu. Họ ở lẫn trong khu khách hạng 3, kém tiện nghi, ồn ào và cũng chẳng được sử dụng phòng ăn chung của con tàu…
…Đêm 14/4/1912, do khu vực của họ ở phía trước và bên mạn phải con tàu đúng gần điểm va chạm với tảng băng nên ngay lúc 23g50, tức là 10 phút sau khi tàu gặp nạn thì nước đã bắt đầu tràn vào phòng. Họ vội vàng tập trung để chuyển 200 túi bưu phẩm ghi số lên phòng trên. Nhưng rồi nước dâng quá nhanh, trong vòng 5 phút nước đã ngập tới gối. Họ đành phải đi báo cáo để nhờ tìm cách chặn dòng nước. Viên sĩ quan hạng tư Joseph Boxhall bảo cần gặp thuyền trưởng Smith nhưng họ cứ nghĩ rằng đã báo như thế là đủ nên lại khẩn trương quay về tiếp tục công việc. Vợ chồng một viên kỹ sư người Mỹ ở khu hạng nhất thấy ồn ào ra xem, nhưng tưởng mọi chuyện bình thường nên lại tiếp tục đi dạo...
Không người giúp đỡ, năm nhân viên bưu điện hì hụi bốc vác và kéo các túi thư lên khu khách hạng nhất mong cho nước không tới nơi. Miệt mài công việc tới lúc tình hình trở nên quá xấu thì họ cũng không còn cơ hội nào để tìm cho mình một chỗ trên những chiếc xuồng đang vội vàng tìm cách tránh xa con tàu …
Alfred Theissinger, một người hầu phòng trong số 706 người sống sót có kể lại rằng: “Tôi đã giục họ phải bỏ ngay mọi thứ để tìm xuồng cứu nạn. Họ gật đầu nhưng rồi vẫn tiếp tục công việc. Sau đó không hiểu do nước ập vào hay do một vụ nổ mà tôi không còn thấy họ xuống xuồng nữa”…
Một đời tận tụy…: Danh tính của họ đến nay chúng ta đều đã biết. Đó là 3 người Mỹ: John Starr March, Oscar Scott Woody và William Logan Gwinn. Hai người trước đều đã từng là những nhân viên bưu chính hỏa xa Hoa Kỳ với trên 15 năm kinh nghiệm. Riêng William Logan Gwinn thì cũng đã có 6 năm làm việc trong Ban chia chọn thư nước ngoài của Bưu cục New York.
Chân dung 5 nhân viên bưu chính trên tầu Titanic: Từ trái qua phải: William Logan Gwinn, John Starr March, John Richard Jago Smith (giữa), James Bertram Williamson và Oscar Scott Woody |
Khổ cho Gwinn, khi đó đang làm việc trên tàu Philadelphia thì chợt nhận được tin vợ ốm nặng, vội vàng xin chuyển sang Titanic để kịp về chăm vợ. Thế rồi mà đến thi thể của anh, vợ anh cũng không được gặp lại nữa… Người ta đưa anh vào “Danh sách các nạn nhân nếu có thấy cũng không thể nhận diện được”! Anh mới 37 tuổi đời…
Starr March, 48 tuổi, người “già nhất” trong nhóm. Ông cũng đã từng có 8 năm lênh đênh trên biển cả và đôi lần phải đối mặt với hiểm nguy. Chẳng hiểu có phải do năm tuổi - “49 tuổi ta”- không mà mới cách đó chưa đầy 10 tháng, người vợ thân yêu của ông đột ngột ra đi sau một ca phẫu thuật không thành. Hai người con gái lớn thì luôn thúc giục bố phải bỏ tầu lên bờ nhưng ông chưa chịu. Ông bảo không bao giờ ông chịu nằm lại dưới biển. Và rồi đúng như lời ông đã hứa, tuy chết ở biển nhưng con tàu thả cáp Mackay-Bennett vẫn đưa ông về với gia đình!
Người thứ ba là Oscar Scott Woody. Ngày 15/4, ngày xảy ra tai nạn, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 44 của ông. Chín ngày sau cũng con tàu cáp nói trên thấy được thi thể ông. Trong túi áo ngực còn khá nhiều phiếu chia chọn thư và túi quần còn chùm chìa khóa các túi thư. Chùm chìa khóa này năm nay được bảo tàng bưu chính Mỹ Smithosian đưa ra trưng bày.
Riêng 2 nhân viên bưu chính người Anh John Richard Jago Smith và James Bertram Williamson thì có những sự trùng hợp cũng hơi lạ kỳ. Họ đều ở lứa tuổi 35, nghề việc vững vàng nhưng lại đều chưa lập gia đình. Phải chăng là “các nàng tiên cá” đã đón thẳng “hai chàng” về Thủy cung hay sao mà cả hai người đều không tìm thấy đâu nữa!
Động lực và giá trị con người trong phút hiểm nghèo: Kỷ niệm sự kiện Titanic xảy ra cách đây vừa tròn 100 năm, người ta đã kể nhiều đến sự xa hoa của các tầng lớp giàu sang, nhắc đến những nhân vật vốn đã nổi tiếng, đến những câu chuyện lãng mạn mùi mẫn quanh chuyến đi này… Nhưng cũng ít thấy ai nhắc đến những hành vi cao quí như của mấy nhân viên bưu chính trên đây. Họ chỉ là những người lao động bình thường, đồng lương ít ỏi, xã hội cũng chẳng coi trọng và ưu đãi gì… Vậy sao họ vẫn có thể làm việc đến quên thân như vậy?! Có lẽ ngoài “danh, lợi”, con người còn bị thôi thúc bởi nhiều động cơ khác nữa chăng - đó là ý thức trách nhiệm, là lương tâm và lòng tự trọng nghề nghiệp nằm sâu trong mỗi con người.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ năm nay cũng ra tem kỷ niệm sự kiện nói trên, đặc biệt là các nước trong Vương Quốc Anh. Người ta đưa hình ảnh con tầu, đưa hình ảnh viên thuyền trưởng Edward John Smith nhất định không chịu rời tàu khi mọi người chưa xuống hết. Người ta đưa hình ảnh ban nhạc 8 người đã lội nước đi đến từng sàn để chơi nhạc trấn an mọi người… Đến J. Bruce Ismay, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hãng tàu có mặt trong chuyến đi mà lại là người nhanh chân xuống xuồng cứu nạn sớm nhất, kẻ mà báo chí ngày đó đã dành cho những tên gọi không mấy đẹp đẽ như “kẻ phản bội”, “tên đào ngũ”… cũng thấy xuất hiện trên tem… Duy chỉ có 5 nhân viên của chính họ thì chẳng thấy có mặt trên bộ tem nào. Không hiểu vong linh họ có thấy tủi khi thấy chính những người được mình đem hết lòng yêu thương thì nay lại ngoảnh mặt đi và quên lãng…
Tem kỷ niệm về thuyền trưởng Edward John Smith và ban nhạc 8 người trên tầu Titanic |
Và cũng chính vì thế đã thôi thúc tôi gắng viết lại những dòng này để gửi tới các bạn đọc mà trước hết là các bạn đọc bưu điện để tưởng nhớ tới những đồng nghiệp của mình, những người đã có những hành vi cao đẹp đáng kính trọng.
Song Tuệ
Phụ nữ Bưu điện