Nhìn lại ICT Việt Nam 2011

(ICTPress) - Ngày 4/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố các số liệu thống kê ngành CNTT-TT năm 2011.

Theo đó, công nghiệp phần mềm, viễn thông, chi tiêu trong lĩnh vực phần cứng đã sụt giảm về mức độ trong năm 2011. Cụ thể, ngành công nghiệp phần mềm doanh thu năm 2011 đạt 1,17 tỷ USD nhưng tốc độ trung bình chỉ còn 10%. Các năm trước đó, tăng trưởng công nghiệp phần mềm trung bình là 25 - 35%. Trong khi đó, doanh thu viễn thông chỉ đạt 7 tỷ USD, xuống còn 5,4 tỷ USD.

Doanh thu ở hai lĩnh vực phần cứng và bưu chính là hai điểm sáng. Năm 2011, công nghiệp phần cứng điện tử đạt doanh thu 11,3 tỷ USD, tăng 101% so với năm 2010, chiếm 82% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2011 đạt trên 246,2 triệu USD tăng 16% so với năm 2010.  

Một dấu hiệu cũng đáng quan tâm cho nguồn nhân lực CNTT-TT chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 tăng song chỉ 55.197 sinh viên thực tế được tuyển, đạt 85%. Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết qua các số liệu tuyển sinh của ngành này trong năm qua cho thấy ngành này không còn hấp dẫn nhiều sinh viên theo học vì bị chi phối bởi các ngành khác như tài chính, ngân hàng với mức lương hấp dẫn khi tốt nghiệp.

Dưới đây là tóm tắt các số liệu của các lĩnh vực ngành CNTT-TT:

Hạ tầng CNTT-TT

Năm 2011, số thuê bao di động vẫn tiếp tục tăng trưởng tuy có chững lại với trên 127 triệu thuê bao  tăng 14%,  trong khi số thuê bao cố định vẫn tiếp tục giảm mạnh chỉ còn trên 10 triệu thuê bao giảm 29%. Số thuê bao mạng thông tin duyên hải là 24.000 thuê bao.

Đến cuối năm 2011, cả nước đạt số thuê bao di động/100 dân là 144,2 trong khi số thuê bao cố định/100 dân chỉ đạt 11,52 và mật độ người sử dụng Internet đạt 35,7% (với 30,5 triệu người); Tỷ lệ số hộ gia đình có máy tính đạt khoảng 16% và cả nước có gần 22 triệu hộ sử dụng máy thu hình (đạt 92,6%).

Đặc biệt số thuê bao băng rộng 3G đã đạt con số 16 triệu thuê bao, chiếm khoảng 12% tổng số thuê bao di động. Số thuê bao Internet băng rộng cố định có tăng nhưng không đáng kể.

Số thuê bao 2G, 3G

Mạng lưới bưu chính công cộng tiếp tục phát triển rộng khắp với số lượng điểm phục vụ bưu chính đạt 14.911 điểm, số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính đạt 5.922 người.

Công nghiệp CNTT

Mặc dù, trong năm 2011 kinh tế Việt Nam bị suy thoái song ngành công nghiệp CNTT vẫn giữa được tốc độ tăng trưởng cao. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2011 đạt 13,7 tỷ USD gấp 2,6 lần so với năm 2008 và tăng ngoạn mục 79% so với năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng cao của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với doanh thu chiếm tới 82% tổng doanh thu ngành. Cụ thể: Doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 11,3 tỷ USD  tăng trưởng ngoạn mục 101%; Doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 1,17 tỷ USD  tăng trưởng khiêm tốn 10% và Doanh thu công nghiệp nội dung số đạt 1,16 tỷ USD  tăng trưởng 25%.

Doanh thu Công nghiệp CNTT năm 2011

Viễn thông

Do tác động của suy giảm kinh tế và chênh lệch tỷ giá USD/VND, tổng doanh thu viễn thông năm 2011 chỉ đạt gần 7 tỷ USD giảm gần 26% so với năm 2010. Một điều đáng quan tâm là doanh thu dịch vụ di động giảm từ 5,7 tỷ xuống còn 5,4 tỷ USD song vẫn áp đảo trong cơ cấu doanh thu với 77,5%. Trong khi đó, doanh thu dịch vụ cố định và Internet đều tăng với số liệu lần lượt là 361,8 triệu USD (tăng 70%) và 468,12 triệu USD (tăng 20%).

Trong giai đoạn 2011-2012, thị trường viễn thông không có sự biến động về số lượng nhà cung cấp dịch vụ với số lượng nhà cung cấp thực tế là: 06 (đối với dịch vụ cố định), 07 ( đối với dịch vụ di động) và 50 (đối với dịch vụ Internet).  Ngoại trừ 2 thay đổi: EVN sáp nhập vào Viettel và Gtel mua lại thương hiệu Beeline.

Bưu chính

Năm 2011, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt trên 246,2 triệu USD tăng 16% so với năm 2010.  Tính đến tháng 12/2011, cả nước có 38 doanh nghiệp (DN) chính thức được cấp giấy phép (tăng 7 doanh nghiệp) và 40 DN xác nhận thông báo hoạt động (tăng 11 DN).

Về thị phần cung cấp dịch vụ bưu chính: Tổng công ty bưu chính Việt Nam (VNPost) là nhà cung cấp chiếm thị phần lớn nhất với 36,26% tiếp theo là liên doanh DHL-VNPT với 15,43%. Hai nhà cung cấp này tiếp tục bị sụt giảm thị phần doanh thu so với năm 2010.

Phát thanh Truyền hình

Hệ thống phát thanh, truyền hình (PT-TH) đã phát triển mạnh, phủ sóng khắp lãnh thổ và cung cấp dịch vụ đa dạng, phong phú đến người dân trên khắp đất nước với 67 đài PT-TH.

Dịch vụ truyền hình trả tiền cũng đang phát triển khá nhanh. Truyền hình cáp vẫn là dịch vụ có số lượng nhà cung cấp đông nhất (47) và số thuê bao nhiều nhất (2,5 triệu). Truyền hình số mặt đất với 5 nhà cung cấp và 2 triệu thuê bao trong khi truyền hình số vệ tinh mới chỉ có 3 nhà cung cấp với 500.000 thuê bao. VSTV vẫn chiếm áp đảo thị phần thuê bao với 2 loại hình truyền hình số vệ tinh (60%) và truyền hình cáp (48%).

Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

Các số liệu công bố về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước bao gồm: 94% máy tính trong cơ quan Bộ và 88% máy tính trong cơ quan tỉnh/thành phố được kết nối Internet; 29/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trang/cổng thông tin điện tử; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ (LAN, INTRANET, EXTRANET); 100% cơ quan nhà nước có đơn vị chuyên trách về CNTT.

Dịch vụ công tăng trưởng về cả số lượng và số địa phương triển khai với dịch vụ công mức độ 1,2 chiếm đa số với hơn 94.000 dịch vụ. Số lượng dịch vụ công mức độ 3 năm 2011 là 860 (tăng gần 100 so với 2010) và số lượng dịch vụ công mức độ 4 năm 2011 là 11 (tăng 7 so với 2010).

Trong danh sách xếp hạng về ứng dụng CNTT mới được bổ sung vào Sách trắng 2012:  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu khối Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đà Nẵng, An Giang và Thừa Thiên Huế dẫn dầu khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

An toàn thông tin

Việc đảm bảo an toàn thông tin vẫn còn là vấn đề lo ngại lớn của nhiều cơ quan nhà nước khi đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh tình hình đảm bảo an toàn thông tin có nhiều diễn biến phức tạp.

Tỷ lệ trung bình các đơn vị nhận biết có tấn công mạng xét theo một số loại tấn công cơ bản mới chỉ đạt 16,8%, 36,2% đơn vị nhận biết được mã độc, 14,4% đơn vị nhận biết được tấn công làm suy giảm hiệu năng, tấn công từ chối dịch vụ trong năm 2011.

Trong năm 2011, tỷ lệ trung bình áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin là 25,3%. Quản lý an toàn thông tin đã được tăng cường song tỷ lệ các đơn vị đã áp dụng quy chế về an toàn thông tin và có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin còn chưa nhiều.

Trong khi đó, các biện pháp kỹ thuật được các cơ quan nhà nước áp dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công chủ yếu là các nhóm thiết bị, phần mềm, giải pháp bảo vệ hệ thống đơn giản.

Nguồn nhân lực CNTT

Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT tiếp tục mở rộng về quy mô và hình thức đào tạo với 290 trường đại học và cao đẳng có đào tạo về CNTT-TT (tăng 13 đơn vị so với năm 2010),

Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh CNTT-TT là 64.796 sinh viên (tăng trên 4.000 chỉ tiêu so với năm 2010) chiếm 11,93% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Điều đáng quan tâm là mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh tăng song chỉ 55.197 sinh viên thực tế được tuyển, đạt 85%. Trong năm 2011, đã có 41.908 sinh viên CNTT-TT tốt nghiệp, 173.107 sinh viên đang tiếp tục theo học.

HM

Tin nổi bật