Loại 12,5 triệu thuê bao không chính chủ, định danh cuộc gọi từ CQNN
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã trả lời trực tiếp nhiều nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ TT&TT chiều ngày 6/9.
Quyết liệt xử lý thông tin thuê bao không chính chủ
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long: 12,5 triệu thuê bao không chính chủ đã bị loại bỏ khỏi hệ thống thuê bao |
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trước đây việc xử lý thông tin thuê bao không chính chủ rất khó khăn vì chưa có dữ liệu gốc là cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư để kiểm tra thông tin, rà soát. Nay, nhờ CSDL dân cư, việc đối soát thông tin thuê bao đã được thực hiện trực tuyến (online).
Cho đến nay sau nhiều tháng tiến hành rà soát, cập nhật thông tin thuê bao chính chủ, thuê bao sở hữu nhiều SIM và đối soát thông tin với CSDL dân cư, khoảng 12,5 triệu thuê bao không chính chủ đã được loại khỏi hệ thống thuê bao và bị khoá do đến thời hạn người sở hữu thuê bao không đến cập nhật thông tin thuê bao chính chủ.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện có ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, Vinaphone chiếm 85% thuê bao di động của cả nước và kết nối online vào CSDL dân cư. Việc phát triển thuê bao mới phải có thông tin, hình ảnh người dùng khớp thông tin trong CSDL dân cư mới được phát triển. Trong khi đó, các nhà mạng ảo MNVO còn lại sở hữu khoảng 15% số lượng thuê bao nhưng chưa kết nối với CSDL dân cư do đang trong quá trình phải đầu tư để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Trong tháng 9, khi đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, việc kết nối với CSDL Dân cư của các nhà mạng nhỏ sẽ được hoàn thiện.
Tuy nhiên, các nhà mạng nhỏ này hàng tháng vẫn phải gửi dữ liệu phát triển thuê bao mới đến CSDL dân cư để đối soát. Nếu thông tin thuê bao không đúng với thông tin được lưu trữ tại CSDL dân cư thì thuê bao này sẽ lập tức bị loại khỏi mạng.
Thực trạng còn nhiều người dùng đứng hộ thông tin để đăng ký thuê bao mới
Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ hiện nay có tình trạng người dân đứng hộ thông tin để đăng ký phát triển thuê bao mới rất nhiều. Người dân chỉ nghĩ đơn giản là đứng hộ tên thôi nhưng vô hình chung là tạo ra SIM không chính chủ.
Qua đối soát thông tin thuê bao với CSDL Dân cư vừa qua, Thứ trưởng cho biết có tình trạng "Thuê bao có thông tin chính xác 100% nhưng SIM thuê bao đã được bán cho người khác nên dù thông tin kiểm tra lại với CSDL dân cư là chính xác nhưng SIM lại chưa chính chủ”.
Qua thanh tra trên toàn quốc, Bộ TT&TT nhận thấy việc này liên quan đến các đại lý bán SIM. Theo đó, Bộ TT&TT đã làm việc với nhà mạng yêu cầu chấn chỉnh. Các nhà mạng cam kết dừng đại lý phát triển SIM từ ngày 10/9 và chỉ tập trung vào kênh chuỗi là kênh có hệ thống, có người làm và bảo đảm kiểm soát được.
“Các nhà mạng cùng với Bộ TT&TT kiên quyết xử lý việc đưa SIM rác ra thị trường. Nhà mạng phát triển thuê bao chặt chẽ và Bộ TT&TT sẽ xử lý phạt nghiêm theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/01/2022. Nếu Bộ TT&TT phát hiện nhà mạng nào vi phạm sẽ đình chỉ việc phát triển thuê bao của nhà mạng đó từ 3 – 12 tháng tuỳ theo mức độ vi phạm”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Định danh cuộc gọi từ các cơ quan nhà nước cho người dân
Cũng Theo Thứ trưởng, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cũng là một vấn nạn nhức nhối, tinh vi. “Cả thế giới đang bị vấn nạn này tức là cuộc gọi rác được tạo ra bởi những SIM rác và không rác. Việc tiếp thị từ xa (telemarketing) của các doanh nghiệp (DN) muốn tiếp thị giờ đây thị thường sử dụng SIM rác rất nhiều".
Nghị định 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác đã yêu cầu DN gọi quảng cáo phải đăng ký.
“Các nhà mạng đã làm xong phần kỹ thuật cho giải pháp cuộc gọi thương hiệu (voice brandname) để khi cuộc gọi đến, người dùng sẽ biết tên, tuổi (thương hiệu)”, Thứ trưởng thông tin.
“Bộ TT&TT sẽ tăng cường thanh tra DN nếu có cuộc gọi quảng cáo mà không đăng ký voice brandname thì sẽ bị xử phạt hành chính. Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với ngân hàng để ngân hàng gọi cho khách hàng phải có voice brandname”.
Bên cạnh đó, với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo dựa vào cơ quan công quyền, công an, giao thông, toà án, viện kiểm soát… Bộ TT&TT sẽ trao đổi các cơ quan này để thí điểm định danh các cuộc gọi của các cơ quan này đến công dân phải có định danh.
“Các nhà mạng đã đầu tư để hoàn thiện giải pháp kỹ thuật cho việc gọi định danh này trong 6 tháng vừa qua. Theo đó, trong tháng 9 - 10/2023, giải pháp định danh cuộc gọi của cơ quan nhà nước khi liên hệ với người dân sẽ được thực hiện, giải quyết bài toán cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thương mại hoá 5G vào năm 2024
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thông tin Bộ TT&TT đang triển khai quy trình đấu giá cấp tần số 5G cho các nhà mạng vào cuối năm nay. Dự kiến, các nhà mạng sẽ khai trương 5G trong năm 2024.
Về nghiên cứu triển khai 6G, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã lập các ban nghiên cứu công nghệ 6G, được dự kiến phổ biến vào năm 2030. Bộ TT&TT mong muốn đồng hành cùng với thế giới trong triển khai, nghiên cứu và sản xuất thiết bị 6G. Thiết bị 5G của Viettel đang được đo kiểm ở các bước cuối cùng và khoảng 1,5 tháng nữa, các thiết bị này sẽ đáp ứng quy chuẩn Việt Nam.
Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 5G cho 03 DN là Viettel, Vinaphone, MobiFone để thử nghiệm tại 59 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện tại, các DN đã triển khai trên thực tế 824 trạm gNodeB trên các tỉnh, thành phố được cấp phép với khoảng 2,8 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ thử nghiệm.
Ông Nguyễn Phong Nhã: Lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi đấu giá tần số 5G thành công |
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Việc thương mại hóa mạng 5G sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, nâng cao nhu cầu thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.
“Việc thương mại hóa mạng 5G dựa trên cơ sở đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G và cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho các DN. Lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi đấu giá tần số 5G thành công”, ông Nhã cho chia sẻ thêm.
Hiện nay, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G cũng đã trở nên rẻ và phổ biến hơn nhiều so với 2 - 3 năm trước đây. Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký quyết định số 1652/QĐ-BTTTT ngày 28/8/2023 về kế hoạch thực hiện thương mại hóa 5G, trong đó đã giao nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số, cấp giấy phép cho DN trúng đấu giá vào cuối năm 2023./.
Nguồn: ictvietnam.vn