Ứng dụng thiết thực sẽ hút người dân nông thôn đến với băng rộng di động

(ICTPress) - "Việt Nam cần có những ứng dụng tạo ra nhu cầu, tạo ra thu hút cho người dùng. Ở mức độ ứng dụng băng rộng di động nào thì cũng tạo ra ứng dụng phù hợp" là một trong những tổng kết của Chuyên gia chính sách ICT của Ngân hàng thế giới (WB) Victor Mulas tại Hội thảo "Chiến lược phát triển mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn Việt Nam" được Viện Chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT tổ chức sáng nay 13/6 tại Hà Nội.

Băng rộng di động về nông thôn góp phần phát triển nền kinh tế, đời sống người dân nông thôn (Ảnh: xaluan.com)

Việc phát triển nội dung và ứng dụng di động được xem là yếu tố quan trọng để Chiến lược phát triển mạng băng rộng và ứng dụng cho nông thôn Việt Nam thành công.

Nhiều người lo lắng phần lớn các đối tượng là học sinh, thanh niên ở nông thôn tiếp cận nhanh với máy tính và thành thạo sử dụng Internet hiện nay chủ yếu để chơi game, đọc những thông tin giải trí. Tuy nhiên, theo ông Victor Mulas cho biết phần lớn họ chưa được đào tạo, hướng dẫn khai thác mạng và các ứng dụng nếu được đào tạo từ trường học, cộng đồng phù hợp thì họ biết sử dụng thôi.

Thậm chí nếu có các ứng dụng băng rộng dễ sử dụng, thiết thực như Israel đã sáng tạo để thu hút mọi người sử dụng như giá cả nông sản, loại động vật nuôi… thì người dân nông thôn không cần hướng dẫn họ vẫn "lao" vào sử dụng. Khi nền tảng mạng phát triển hơn sẽ cung cấp đa phương tiện cho người dân.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển các ứng dụng di động băng rộng. Việt Nam có một ngành công nghiệp CNTT mạnh với số lượng lớn các nhà phát triển phần mềm nhỏ và vừa tập trung vào thị trường nội địa và các doanh nghiệp CNTT có tính cạnh tranh toàn cầu đề sản xuất gia công phần mềm. Công nghiệp phần mềm Việt Nam đã và đang hướng tới phát triển các ứng dụng Internet trên di động cho cả thị trường trong và ngoài nước.

Thêm vào đó, Việt Nam còn được chú ý đến ởi nhiều kho ứng dụng, lớn nhất trong số đó là Appstore.vn đã tham gia vào nền tảng toàn cầu với hệ thống thanh toán của riêng mình, cho phép các nhà phát triển Việt Nam truy cập thị trường toàn cầu một cách trực tiếp.

Ngoài ra, kể từ năm 2012, Việt Nam được chọn đặt một phòng thí nghiệm infoDev’s Mobile tại TP. Hồ Chí Minh. Chức năng của phòng thí nghiệm này sẽ phục vụ như một trung tâm của công nghiệp ứng dụng di động, cung cấp việc đào tạo và ươm tạo cũng như chuẩn bị cho sự phát triển khởi đầu của ứng dụng di động.

Thị trường Việt Nam với hơn 86 triệu dân và đặc biệt người dân nông thôn, chiếm hơn 70% tổng dân số sẽ mang lại một sự gia tăng về nhu cầu đối với các ứng dụng di động cũng là một ưu thế.

Các ứng dụng và dịch vụ di động cơ bản về nông nghiệp và nông thôn đã thành công của nhiều nước như  p2pricenow, Famers texting Centers của Phillipines, Dialog Tradenet của Sri Lanka, Hàn Quốc với mô hình Information Network Village - INVIL… để liên kết thị trường, thông tin giá cả, thậm chí cung cấp lại thông tin địa phương ngược trở lại là những ứng dụng nội dung di động thiết thực để Việt Nam tham khảo.

Đóng góp cho Dự thảo của WB và Nhóm xây dựng chiến lược phát triển băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đồng tình về hành động này và cho biết cần xác định đối tượng là học sinh, thanh niên có trình độ và có nhiều nhu cầu băng rộng ở nông thôn để tiếp cận trước rồi đến các đối tượng khác để đầu tư của chiến lược hiệu quả, tránh tình trạng số người dân tiếp cận ít nhưng nguồn lực nhiều.

Khuyến khích các dịch vụ và ứng dụng Internet di động cho cộng đồng nông thôn; Mở rộng truy cập băng rộng tới các cộng đồng nông thôn và Nâng cao nhận thức về ICT và kỹ năng đọc viết điện tử cho cộng đồng nông thôn là 3 hành động ưu tiên chủ đạo mà Dự thảo Báo cáo “Việt Nam - Hành động chiến lược: Băng rộng cho nông thôn phục vụ tăng trưởng toàn diện” của WB.

Được biết WB xây dựng Báo cáo này nhằm xác định mục tiêu và các nội dung cơ bản của dự án phát triển băng rộng cho nông thôn Việt Nam dự kiến triển khai trong những năm sắp tới.

HM

Tin nổi bật